(vhds.baothanhhoa.vn) - Thủ tục vay đơn giản, thậm chí có trường hợp không cần bất cứ điều kiện bảo đảm nào nhưng vẫn có thể vay được tiền. Mặc dù lãi suất cao nhưng hầu hết các giao dịch đều là thỏa thuận ngầm; việc vay nợ thường được chuyển hóa bằng cách viết giấy nhận tiền để xin việc làm; thế chấp hoặc bán tài sản, sau đó thuê lại...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chấn chỉnh hoạt động của các công ty dịch vụ tài chính

Thủ tục vay đơn giản, thậm chí có trường hợp không cần bất cứ điều kiện bảo đảm nào nhưng vẫn có thể vay được tiền. Mặc dù lãi suất cao nhưng hầu hết các giao dịch đều là thỏa thuận ngầm; việc vay nợ thường được chuyển hóa bằng cách viết giấy nhận tiền để xin việc làm; thế chấp hoặc bán tài sản, sau đó thuê lại...

Đó là những thủ đoạn mà một số công ty, dịch vụ cầm đồ, tư vấn, hỗ trợ tài chính, mua bán nhà đất, ô tô, xe máy cũ đã và đang lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Đây thực chất là hoạt động tín dụng “đen”, cho vay nặng lãi, trái quy định của Nhà nước, là nguyên nhân làm phát sinh tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật cần phải đấu tranh, ngăn chặn, xử lý.

Chỉ cần một tờ giấy A4 in đen trắng hoặc những tờ bạt in mầu được dán trên khắp các gốc cây, cột điện, bờ tường, thậm chí ngay trước cửa ngân hàng với những lời quảng cáo hấp dẫn như: Cho vay tiền trả góp; cho vay 95% giá trị xe; cho vay thăm chợ 100 lấy 90... nhiều cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính đã đánh vào tâm lý của người vay để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 120 công ty, cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính. Bên cạnh những tiện ích mà các cơ sở làm ăn chân chính đem lại, thì vẫn có nhiều cơ sở lợi dụng chính sách pháp luật của Nhà nước để hoạt động trá hình, cho vay lãi nặng, mua bán, thế chấp trái quy định. Không ít đối tượng thành lập công ty, cửa hàng kinh doanh dịch vụ tài chính để hợp pháp hóa việc cho vay nặng lãi. Nhiều cơ sở mặc dù chưa được cấp phép nhưng vẫn lén lút hoạt động. Chính sự tồn tại của các cơ sở “tín dụng bất hợp pháp” này đã làm phát sinh các loại tội phạm như: Siết nợ, đòi nợ thuê, giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, ném chất bẩn vào nhà dân... Nhiều vụ có dấu hiệu phạm tội theo kiểu xã hội đen, gây bức xúc dư luận xã hội và nhân dân.

Công an Hoằng Hóa kiểm tra một Công ty dịch vụ tài chính trên địa bàn.

Để chủ động phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động tín dụng bất hợp pháp, góp phần kiềm chế và làm giảm tội phạm, thời gian qua Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự, kinh tế và công an các huyện, thị xã thành phố chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính trên địa bàn. Trên cơ sở đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Mặt khác, các lực lượng công an trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, cảnh báo những phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm trên lĩnh vực này. Bên cạnh đó, lực lượng công an đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, quản lý cơ sở, đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng “đen”, siết nợ, đòi nợ thuê, ném chất bẩn để đấu tranh xử lý nghiêm.

Trung tá Lê Xuân Toán - Phó trưởng phòng Hình sự Công an Thanh Hóa cho biết: Hầu hết các dịch vụ tài chính và các đối tượng hoạt động tín dụng “đen” đều có điểm chung là khi đòi đều có phát sinh những va chạm, mâu thuẫn xã hội. Hàng năm phòng Cảnh sát Hình sự đều tiếp nhận nhiều đơn thư của công dân, của cả chính những chủ công ty dịch vụ tài chính tố cáo các vấn đề liên quan đến vay mượn, cầm cố tài sản, vay mượn tiền trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của các đối tượng trong một số công ty kinh doanh dịch vụ tài chính cũng đã gây ra một số vụ việc có dấu hiệu của việc cưỡng đoạt tài sản, ném chất bẩn, hủy hoại tài sản... Hiện nay, Giám đốc Công an tỉnh đang tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc siết chặt quản lý, đồng thời phát hiện các vụ việc, đối tượng vi phạm để có biện pháp xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Chúng tôi cũng cảnh báo người dân nâng cao ý thức cảnh giác, đồng thời tố giác tội phạm, những hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động dịch vụ tài chính để cơ quan chức năng đi vào điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực tín dụng “đen” nói riêng là hết sức khó khăn, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Trong đó mỗi người dân cần phải thận trọng và cảnh giác trước những thủ đoạn tín dụng đen và cho vay nặng lãi, tránh tiền mất, tật mang.

Đình Hợp


Đình Hợp

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]