(vhds.baothanhhoa.vn) - Tội phạm tín dụng đen đang diễn ra phức tạp, gây lo lắng cho sự phát triển xã hội. Vì sao vấn nạn tín dụng đen vẫn từng ngày hoành hành, thậm chí “sống khỏe” trong cộng đồng dân cư?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhức nhối vấn nạn tín dụng đen (Kỳ cuối): Giải pháp nào ngăn chặn tín dụng đen?

Tội phạm tín dụng đen đang diễn ra phức tạp, gây lo lắng cho sự phát triển xã hội. Vì sao vấn nạn tín dụng đen vẫn từng ngày hoành hành, thậm chí “sống khỏe” trong cộng đồng dân cư?

Những con số báo động về hoạt động “tín dụng đen”

Sự tồn tại của nhiều loại hình tín dụng đen biến tướng từ các công ty tài chính, dịch vụ cầm đồ và các tổ chức, cá nhân có tiền, tài sản hoạt động tín dụng bất hợp pháp, cho vay lãi nặng, đã làm phát sinh thêm nhiều loại tội phạm như đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, ném chất bẩn,... gây mất an ninh trật tự. Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch Phòng ngừa, đấu tranh, chống vi phạm và tội phạm trên lĩnh vực tín dụng - ngân hàng; ra văn bản hướng dẫn công an các huyện, thị, thành phố về phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn cá nhân hoạt động tín dụng bất hợp pháp; Kế hoạch số 43/KH-CAT-PC44 về phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn cá nhân hoạt động tín dụng bất hợp pháp; Kế hoạch số 177 về phòng ngừa, đấu tranh tội phạm hoạt động có tổ chức; Ban hành Kế hoạch số 301 chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự toàn tỉnh tiến hành điều tra cơ bản các dịch vụ tài chính trên địa bàn tỉnh...

Với sự vào cuộc chỉ đạo mạnh mẽ từ Bộ Công an, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp nghiệp vụ, điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi (tín dụng đen), và các công ty dịch vụ tài chính. Kết quả đã tiến hành khởi tố 31 vụ, 88 bị can có liên quan đến hoạt động tín dụng trái pháp luật; tiến hành kiểm tra, lập biên bản, xử lý phạt vi phạm hành chính 97 trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty dịch vụ tài chính, phạt tiền hơn 100 triệu đồng...

Trong đó phải kể tới, thành công trong triệt phá tổ chức tín dụng đen Công ty Tài chính Nam Long hoạt động tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Sau 4 tháng tổ chức điều tra, cơ quan CSĐT đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích, giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, khởi tố 9 bị can trong tổ chức tội phạm do Nguyễn Đức Thành là đối tượng chủ mưu, cầm đầu...

Công an Thanh Hóa lấy lời khai của đối tượng Nguyễn Đức Thành, kẻ cầm đầu đường dây tín dụng đen liên tỉnh Công ty Tài chính Nam Long. (Ảnh: Thái Thanh)

Giải pháp nào ngăn chặn tín dụng đen?

Câu hỏi vì sao tín dụng đen vẫn hoành hành, thậm chí sống khỏe trong cộng đồng dân cư và sự vào cuộc, đấu tranh, ngăn chặn của lực lượng chức năng thời gian qua còn nhiều hạn chế? Đâu là nguyên nhân? Theo báo cáo số 575 Công an tỉnh Thanh Hóa phân tích: Hoạt động của tội phạm có liên quan đến các hình thức kinh doanh này thường rất tinh vi, nhiều thủ đoạn như viết giấy vay tiền không ghi rõ lãi suất, sử dụng giấy viết tay dưới hình thức nhận tiền xin việc cho đối tượng... để chuyển thành giao dịch dân sự. Các quy định về luật có liên quan đến hoạt động tín dụng chưa chặt chẽ, rõ ràng. Một số điều luật như tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép chưa có hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho việc phân định về quan hệ dân sự, hình sự, điều tra xử lý đối với loại hình tội phạm này. Bên cạnh đó, việc xác định bị hại trong các vụ án, vụ việc có liên quan đến tín dụng đen gặp khó khăn khi người bị hại không chủ động phát hiện, tố giác...

Trong ngày làm việc thứ 3, ngày 13/12 tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, liên quan đến vấn đề tín dụng đen, nhiều đại biểu tập trung chất vấn Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Hải Trung. Kết thúc phiên chất vấn buổi sáng ngày 13/12, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đề nghị cơ quan công an điều tra khởi tố các vụ án, xử lý nghiêm trước pháp luật đối với loại tội phạm này; Sở KH-ĐT tỉnh Thanh Hóa rà lại toàn bộ các cấp phép cho công ty tài chính, trong trường hợp có vấn đề pháp lý thì phải xử lý ngay, đồng thời cân nhắc cấp phép mới; cả hệ thống chính trị, nhân dân cần tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với vấn nạn tín dụng đen...

Liên quan đến sự việc nhiều người dân ở các xã miền biển huyện Hậu Lộc tố cáo sự việc bà Đinh Thị Hường, xã Minh Lộc dùng nhiều thủ đoạn ngon ngọt để vay của nhiều người số tiền hàng chục tỷ đồng mà Báo Văn hóa và Đời sống phản ánh ở số báo trước, Luật gia Lê Bá Mai, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Thanh Hóa cho biết: Những hành động, việc làm của bà Hường có dấu hiệu rõ rệt của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 174 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Luật gia Lê Bá Mai cũng khuyến nghị bà con cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ trước những lời dụ dỗ đầu tư kinh doanh ngon ngọt, nguồn lợi nhuận không tưởng từ người huy động vốn hoặc lợi ích vật chất mang đầy sự toan tính của những kẻ lừa đảo.

Để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen, theo ông Lê Bá Mai thì việc kiểm soát chặt từ khâu cấp phép, giám sát thường xuyên hoạt động của các công ty tài chính có dấu hiệu cho vay bất hợp pháp. Đồng thời, tích cực phát triển các kênh tín dụng tiêu dùng là giải pháp quan trọng để tín dụng đen không còn là nỗi ám ảnh đối với người dân.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 132 công ty dịch vụ tài chính với 142 cơ sở thuộc 23/27 huyện, thị, thành phố và 786 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ... Đến nay đã có 14 công ty dịch vụ tài chính dừng hoạt động, số còn lại chuyển sang hình thức dịch vụ cầm đồ. Trong đó, những công ty dịch vụ tài chính có quy mô, phức tạp, có nhiều cơ sở hoạt động trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Trường Cửu - Đông Anh - Hà Nội có 5 cơ sở; Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Đại Tín có 9 cơ sở; Công ty TNHH Bảo Tín có 8 cơ sở. Trên địa bàn huyện Hậu Lộc còn có Công ty Cổ phần Dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh Phát.

Sơn Đình - Thảo Nguyên


Sơn Đình - Thảo Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]