(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tính đến hết năm 2016, với 15 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), Thanh Hóa đang đứng thứ 3 cả nước về số lượng doanh nghiệp KH&CN (sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Hệ thống doanh nghiệp KH&CN của tỉnh đã phần nào thể hiện được vai trò cầu nối, giúp đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả và kinh nghiệm xây dựng, phát triển doanh nghiệp KH&CN

(VH&ĐS) Tính đến hết năm 2016, với 15 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), Thanh Hóa đang đứng thứ 3 cả nước về số lượng doanh nghiệp KH&CN (sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Hệ thống doanh nghiệp KH&CN của tỉnh đã phần nào thể hiện được vai trò cầu nối, giúp đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Xây dựng và phát triển doanh nghiệp KH&CN

Trong thời gian qua, việc hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN ở Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều sản phẩm từ kết quả nghiên cứu KH&CN của các doanh nghiệp này đã được thương mại hóa rộng rãi, được cộng đồng tin tưởng và đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế KH&CN của địa phương. Một số doanh nghiệp KH&CN tiêu biểu của tỉnh như: Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, Công ty CP Dược - Vật tư Y tế Thanh Hóa, Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa, Công ty TNHH Minh Lộ...

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số doanh nghiệp chưa có thông tin đầy đủ về mô hình doanh nghiệp KH&CN, chưa được tiếp cận với những chính sách ưu đãi của Chính phủ. Thêm vào đó, Thanh Hóa hiện có gần 8.000 doanh nghiệp, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng đầu tư phát triển hoạt động KH&CN còn hạn chế. Theo số liệu của Cục Thống kê Thanh Hóa, hiện nay 62% số công nghệ của doanh nghiệp Thanh Hóa là trung bình và lạc hậu, 89,5% doanh nghiệp chưa thực hiện việc đầu tư nâng cao năng lực KH&CN, chỉ có 7% doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Với tiềm lực công nghệ còn yếu, quy mô vốn và năng lực tài chính còn nhỏ, rất khó để triển khai hoạt động đổi mới công nghệ thuần túy, chưa nói đến việc đảm bảo các điều kiện theo mô hình doanh nghiệp KH&CN. Một số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mở rộng hoạt động KH&CN theo mô hình này nhưng chưa biết cách tiếp cận với các quỹ phát triển KH&CN quốc gia, trong khi nguồn vốn từ Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh còn eo hẹp.

Một số văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp KH&CN chưa đảm bảo sự đồng bộ trong một vài lĩnh vực, dẫn đến việc doanh nghiệp KH&CN chưa được hưởng ưu đãi theo quy định. Thủ tục hành chính để xây dựng và thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận còn vướng mắc, nhất là việc mô tả quá trình nghiên cứu, ươm tạo, cũng như chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với kết quả nghiên cứu KH&CN.... Ngoài ra, Thanh Hóa còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN từ Trung ương.

Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông là doanh nghiệp KH&CN tiêu biểu của tỉnh.

Bài học kinh nghiệm và một số kiến nghị

Những kinh nghiệm quý báu của Thanh Hóa trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp KH&CN, là: Lãnh đạo Sở KH&CN đã bám sát các chủ trương, chính sách liên quan của Đảng và Nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện với quyết tâm cao, trong đó phải kể đến việc áp dụng thành công cơ sở lý luận từ kết quả của đề tài KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”; sự quan tâm của Bộ KH&CN; UBND tỉnh và sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị trực thuộc trong việc hướng dẫn, phổ biến các cơ chế, chính sách của Nhà nước về KH&CN, nhất là các chính sách về doanh nghiệp KH&CN; Sự hợp tác tích cực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trong thời gian tới, để tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN, tỉnh Thanh Hóa, có một số đề xuất như sau:

Bộ KH&CN, cần hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách, pháp luật tạo sự đồng bộ, để các doanh nghiệp KH&CN được thụ hưởng những ưu đãi, giúp Thanh Hóa đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra; sớm ban hành các quy định xét duyệt về kinh phí và hồ sơ để công nhận các kết quả KH&CN do doanh nghiệp tự triển khai. Xác lập giá trị pháp lý rõ ràng hơn của Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, tạo sự thống nhất giữa Bộ KH&CN với các bộ, ngành liên quan về thủ tục áp dụng cơ chế ưu đãi, trên cơ sở đó xây dựng hướng dẫn chi tiết về chính sách ưu đãi tín dụng đầu tư, đất đai đối với doanh nghiệp KH&CN. Đề xuất Chính phủ điều chỉnh các quy định tại Quyết định 592/QĐ-TTg ngày 22/5/2012 về việc phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm” cho phù hợp hơn với nhu cầu và tình hình phát triển ươm tạo doanh nghiệp KH&CN hiện nay ở các địa phương; sửa đổi và ban hành bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về doanh nghiệp KH&CN theo hướng đơn giản thủ tục, đảm bảo tính khả thi và kế thừa được kinh nghiệm về phát triển doanh nghiệp KH&CN của thế giới.

Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của UBND tỉnh đối với các sở, ban, ngành nhằm giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tháo gỡ vướng mắc trong quy định về tỷ lệ doanh thu từ các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần phối hợp với Sở KH&CN và các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường hoạt động tuyên truyền về các ưu đãi của Nhà nước cũng như tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN ở địa phương. Thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN của tỉnh nhằm tạo ra diễn đàn cho các doanh nghiệp KH&CN trao đổi thông tin, kinh nghiệm, để cùng hợp tác phát triển.

TS Nguyễn Ngọc Túy

Phó Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]