(vhds.baothanhhoa.vn) - Với loại hình du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch khám phá và tham quan nghỉ dưỡng đã đưa Bá Thước trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Thanh Hóa. Tiềm năng đa dạng, khát khao đủ lớn, giờ là lúc để Bá Thước trỗi dậy cạnh tranh với các thương hiệu du lịch lớn trong và ngoài tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bá Thước phát triển du lịch cộng đồng

Với loại hình du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch khám phá và tham quan nghỉ dưỡng đã đưa Bá Thước trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Thanh Hóa. Tiềm năng đa dạng, khát khao đủ lớn, giờ là lúc để Bá Thước trỗi dậy cạnh tranh với các thương hiệu du lịch lớn trong và ngoài tỉnh.

Bá Thước có địa hình nằm trong vùng chuyển tiếp từ núi đá cao xuống vùng đồi núi thấp, cao nhất có dãy Pù Luông với gần 1.600m so với mực nước biển và xuôi về phía Nam chỉ còn hơn 500m. Trên địa bàn lại có hệ thống hang động phong phú, như hang Mái Đá Điều, hang Mái Đá Nước, hang Dơi..., cùng hệ thống suối thác hiếm nơi nào có được. Điển hình là suối Nủa dài nhất Bá Thước 25km, với nguồn nước dồi dào chảy quanh năm tạo cho nơi này nhiều cảnh quan kỳ vĩ. Bên cạnh đó hệ thống sông hồ ở Bá Thước đủ sức để đưa ngành du lịch sông nước không kém gì với du lịch lòng hồ Bến En ở Như Thanh... Những ai đã từng đến với Bá Thước, đặc biệt là đến với Son - Bá - Mười, Kho Mường, Cổ Lũng, Lũng Niêm, Thành Lâm, Thành Sơn mới thấy tạo hóa đã ưu ái mảnh đất này nhiều đến nhường nào. Địa hình cộng với bàn tay và khối óc đầy sức sáng tạo trong lao động của người dân nơi đây đã tạo ra những ruộng bậc thang đẹp miên man nằm lọt trong các thung núi tạo nên những bức tranh có sức lôi cuốn mãnh liệt.

Lịch sử hình thành đã tạo ra cho Bá Thước nguồn tư liệu về văn hóa đa sắc màu. Nổi trội hơn hẳn là màu sắc văn hóa Mường và văn hóa Thái. Dấu ấn đầu tiên chính là những nếp nhà sàn. Không chỉ đơn thuần là nơi ở mà với đồng bào Mường và Thái, ở mỗi ngôi nhà từ kiến trúc cho đến các đồ vật đều thể hiện tính triết lý nhân sinh của dân tộc mình. Ẩm thực và trang phục của người Mường, Thái ở Bá Thước luôn lấp lánh sự tinh tế về tính cách cũng như văn hóa bản địa. Các lễ hội đều gắn với rất nhiều câu chuyện thi vị từ người xưa. Trong những câu chuyện ấy là nghĩ suy, vui buồn, là sự ghi nhớ công ơn đối với tiền nhân, là kinh nghiệm sống và lao động sản xuất... tất cả được tái hiện qua ca dao, tục ngữ, các bài khặp, bài xường, thông qua các trò chơi dân gian. Không chỉ có vậy, các nhạc cụ như trống, chiêng, khua luống, gõ ống... vang lên thì những Kin chiêng boọc mạy; pôồn pôông;... cũng tạo nên sức lôi cuốn ma mị, khiến người ta khó lòng rời xa.

Pù Luông đang là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước chia sẻ: UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch 1/2000 Khu du lịch Son - Bá - Mười từ năm 2015, Khu du lịch Thác Hiêu năm 2018 và trong năm 2019 là Khu du lịch Thác Muốn. UBND huyện cũng đã phê duyệt 2 Quy hoạch 1/500 hai điểm Du lịch bản Đôn (xã Thành Lâm) và bản Kho Mường (xã Thành Sơn) vào năm 2020. Từ năm 2015 - 2019, Bá Thước đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch là 286,6 tỷ đồng, tập trung xây dựng các cơ sở nghỉ dưỡng, bungalow, homestay; xây dựng đường giao thông đến các khu, điểm du lịch, xây dựng các khu vệ sinh công cộng, hệ thống đèn chiếu sáng... Đồng thời huyện đã thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân gian, khôi phục các lễ hội, trò diễn dân gian, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. UBND huyện sẽ tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư từ ngân sách nhà nước, từ các doanh nghiệp, các nguồn vốn xã hội hóa của nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch như: hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, cải tạo cả môi trường đầu tư, cả môi trường sinh thái, tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng; chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch và dịch vụ ở Bá Thước.

Với chính sách hợp lí và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền từ huyện đến xã đã tạo điều kiện cho du lịch Bá Thước phát triển. Đã xuất hiện một số mô hình du lịch sinh thái cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao: Khu nghỉ dưỡng Puluông Retreat, Puluong Eco Gardel, Puluong Tree House, Puluong Home; mô hình homestay nhà ông Hà Văn Sĩ (bản Hiêu, xã Cổ Lũng), nhà ông Hà Văn Giáp, Hà Văn Lịch (bản Đôn, xã Thành Lâm), ông Lò Văn Nam (bản Kho Mường, xã Thành Sơn) thu nhập hàng năm từ 200-400 triệu đồng... Tổng số khách du lịch đón được giai đoạn 2015 - 2020 của Bá Thước là khoảng 250.000 lượt người, trong đó khách quốc tế chiếm 30%, tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt hơn 200 tỷ đồng. Đã tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 380 lao động, thu nhập bình quân từ 4 triệu - 5 triệu đồng/người/tháng; ngoài ra còn có khoảng 500 lao động gián tiếp có thêm thu nhập từ dịch vụ du lịch. Du lịch đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo tại các thôn bản, điển hình như bản Đôn tỷ lệ hộ nghèo từ 12% xuống còn 5%; bản Kho Mường từ 13% xuống còn 6,6%...

Rồi đây những cái tên như Pù Luông, Son Bá Mười, Kho Mường, thác Hiêu, thác Muốn, hồ Duồng Cốc... sẽ là một trong những nơi đáng đến nhất khi đặt chân tới du lịch Thanh Hóa. Dẫu hãy còn đó rất nhiều những khó khăn, thách thức như đường giao thông chưa thực sự thuận tiện cho việc đi lại, các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch còn hạn chế, nhà đầu tư chưa nhiều... nhưng với việc hội tụ đủ cả ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì sớm muộn Bá Thước sẽ trỗi dậy thành một điểm sáng trong ngành công nghiệp không khói không chỉ ở Thanh Hóa.

Nguyễn Hải


Nguyễn Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]