(vhds.baothanhhoa.vn) - Với điểm đón tiếp và xuất phát từ trung tâm TP Thanh Hóa, tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” chính thức khai thác kể từ năm 2015, đến nay đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của xứ Thanh, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị, khác biệt, ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Biến tiềm năng đường sông thành sản phẩm du lịch đặc trưng

Với điểm đón tiếp và xuất phát từ trung tâm TP Thanh Hóa, tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” chính thức khai thác kể từ năm 2015, đến nay đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của xứ Thanh, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị, khác biệt, ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Từ tiềm năng du lịch

Nói đến xứ Thanh là nói đến sông Mã - nơi khởi phát của những huyền thoại và lịch sử của mảnh đất Thanh Hóa. Cùng với sông Mã, Thanh Hóa là một trong những địa phương có hệ thống sông ngòi tương đối dày đặc. Trong đó, cần phải kể đến một số hệ thống sông chính như: sông Hoạt, sông Yên, sông Lạch Bạng và sông Chàng.

Xuất phát từ những ưu thế vượt trội đó, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch từ sông Mã, năm 2015, Thanh Hóa đã chính thức khai trương tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”. Dọc tuyến sông này, hiện đang đưa vào khai thác nhiều đoạn tuyến, gồm đoạn tuyến từ Cửa Hới tới thắng cảnh động Tiên Sơn, Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc), có chiều dài khoảng 42 km; đoạn tuyến từ đền Đồng Cổ (huyện Yên Định) đến Bến Ngự (huyện Vĩnh Lộc), có chiều dài khoảng 7 km; đoạn tuyến từ thị trấn Cẩm Thủy đến Khu du lịch suối cá Cẩm Lương, có chiều dài tuyến khoảng 16 km. Trên mỗi đoạn tuyến này, các điểm dừng chân chủ yếu là các di tích, danh thắng dọc đôi bờ sông Mã.

Du lịch đường sông là sản phẩm du lịch đặc trưng của Thanh Hóa.

Qua 5 năm, sản phẩm du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đã thu hút được một lượng lớn du khách, đồng thời góp phần mang đến cho du lịch Thanh Hóa sản phẩm du lịch đặc trưng mới. Ngoài ra, dọc các tuyến sông Mã, sông Yên đã thu hút được nhiều dự án đầu tư kinh doanh du lịch tương đối lớn. Trong đó phải kể đến dự án sân golf và khu biệt thự cao cấp FLC Sầm Sơn, khu du lịch biển Hải Tiến, khu du lịch văn hóa lịch sử Hàm Rồng, khu du lịch biển Hải Hòa... Với tiềm năng sẵn có, du lịch đường sông xứ Thanh đang có nhiều điều kiện để phát triển mạn hơn nữa trong thời gian tới.

Trở thành sản phẩm du lịch độc đáo

Đối với Thanh Hóa, từ lâu du khách thập phương đã mặc định “gắn” cho thương hiệu du lịch biển. Tuy nhiên, với tiềm năng sẵn có về du lịch đường sông, cùng với chủ trương phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng, tour “Ngược xuôi sông Mã” ngay từ khi đi vào hoạt động đến nay, mặc dù gặp không ít khó khăn, song sản phẩm du lịch này ngày càng khẳng định được vị trí và thương hiệu đối với du khách gần xa.

Ngay trong năm 2015, sản phẩm “Ngược xuôi sông Mã” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, khi có tới gần 6.000 lượt khách lựa chọn, khám phá và trải nghiệm tour này. Đồng thời, có nhiều doanh nghiệp, hãng lữ hành đã đến khảo sát, trải nghiệm để đưa vào chương trình bán cho khách. Đây cũng là cơ sở để hàng năm đơn vị được giao quản lý, khai thác tiếp tục đầu tư thêm các tàu du lịch và nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Hiện nay, với 3 tàu có khả năng phục vụ cao điểm gần 300 khách/tour. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2019, tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đã đón được 5.600 lượt khách.

Theo đó, tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng “Quy hoạch phát triển các điểm, tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”. Quy hoạch được phê duyệt theo Quyết định số 4589 ngày 25/11/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, nhiều mục tiêu phát triển sản phẩm đã được đặt ra, cụ thể: Phấn đấu năm 2020 thu hút được 81.000 lượt khách nội địa, 3.000 lượt khách quốc tế; năm 2035 thu hút được 775.000 lượt khách nội địa, 25.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đường sông đến năm 2035 đạt khoảng 818 tỷ đồng. Đặc biệt, đến năm 2025, du lịch đường sông phải trở thành một trong những loại hình du lịch trọng điểm phát triển của Thanh Hóa.

Để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đường sông trở thành sản phẩm chuyên biệt, đặc trưng của riêng xứ Thanh rất cần có sự tham gia tích cực, đồng bộ của các sở, ngành, địa phương liên quan. Đồng thời vai trò tiên phong của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong việc kết nối sản phẩm đến với đông đảo du khách cũng như đầu tư trang thiết bị, tàu thuyền phục vụ khách là điều vô cùng quan trọng.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]