(vhds.baothanhhoa.vn) - Du lịch Thanh Hoá hiện nay được coi là một trong những ngành kinh tế quan trọng trong mục tiêu phát triển KT-XH. Hướng tới sự phát triển bền vững của ngành “công nghiệp không khói”, cùng với các nhóm giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch... Thanh Hoá đã và đang tập trung xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chung tay phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch (Bài cuối): Tăng trưởng du lịch hiệu quả và bền vững

Du lịch Thanh Hoá hiện nay được coi là một trong những ngành kinh tế quan trọng trong mục tiêu phát triển KT-XH. Hướng tới sự phát triển bền vững của ngành “công nghiệp không khói”, cùng với các nhóm giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch... Thanh Hoá đã và đang tập trung xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Chất lượng nguồn nhân lực đóng góp quan trọng cho sự phát triển du lịch xứ Thanh.

Bước tiến dài trong hoạt động du lịch

Trong những năm qua, du lịch có nhiều đóng góp cho sự phát triển KT-XH của tỉnh. Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL, giai đoạn 2016 - 2020, các nhóm chỉ tiêu phát triển du lịch đều vượt kế hoạch. Về chỉ tiêu khách du lịch, giai đoạn này, toàn tỉnh ước đón được trên 42 triệu lượt khách, vượt 0,7% kế hoạch, gấp 2 lần so với tổng lượng khách giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,6%/năm. Ước tính phục vụ gần 80 triệu ngày khách. Tổng thu du lịch toàn tỉnh ước đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.

Được xác định là sản phẩm du lịch mũi nhọn, trong những năm qua, du lịch biển đảo từng bước tạo dựng được thương hiệu nổi bật tại khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các phân khúc thị trường khách du lịch từ trung đến cao cấp. Kết quả hàng năm đã thu hút một lượng lớn khách du lịch sử dụng sản phẩm du lịch biển. Giai đoạn 2016 - 2020, các khu du lịch biển ước đón được trên 32 triệu lượt khách, chiếm 75,2% tổng lượng khách du lịch toàn tỉnh.

Cùng với sản phẩm du lịch mũi nhọn, sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh được chú trọng phát huy giá trị, bước đầu thu hút đáng kể số lượng khách du lịch tham gia trải nghiệm. Công tác hướng dẫn, thuyết minh được tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng, tăng sức hấp dẫn phục vụ khách du lịch. Năm 2019, Sở VH,TT&DL đã tổ chức một số lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho các các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và thực hiện tổ chức thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn viên. Mặt khác, việc tổ chức các lễ hội truyền thống quy mô lớn: Lam Kinh, Bà Triệu, đền Sòng Sơn, Bánh chưng bánh dày... đã trở thành một phần quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh. Kết quả, giai đoạn 2016 - 2020, các khu du lịch văn hoá tâm linh ước đón được gần 7,5 triệu lượt khách, tăng gấp 1,7 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ngày càng trở thành sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có, tích cực, chủ động đầu tư, khai thác, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung xây dựng và triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương: xã Trí Nang (Lang Chánh), xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy) và các huyện: Bá Thước, Như Thanh, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa. Trên cơ sở đó, nhiều điểm, tour, tuyến du lịch hình thành và tạo nên sản phẩm du lịch cộng đồng hoàn thiện, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước: Làng Năng Cát (Lang Chánh); bản Hiêu, bản Đôn (Bá Thước); bản Hang (Quan Hóa); bản Ngọc (Cẩm Thủy); bản Ngàm (Quan Sơn). Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020, lượng khách đến các khu, điểm du lịch cộng đồng ước đạt 2,3 triệu lượt khách, gấp 2 lầnso với giai đoạn 2011 - 2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 25,6%/năm.

Ngoài ra, việc xây dựng các sản phẩm du lịch bổ trợ khác cũng được tích cực triển khai, như: Tuyến du lịch làng cổ Đông Sơn, trải nghiệm đồng quê trên địa bàn TP Thanh Hóa; chương trình trải nghiệm trồng rau sạch tại xã Yên Lễ (Như Xuân), xã Trí Nang (Lang Chánh); chụp ảnh hoa sen trong nội thành Thành Nhà Hồ, khu du lịch Kim Sơn (Vĩnh Lộc)... Cùng với đó, một số sản phẩm do doanh nghiệp, người dân đầu tư được đưa vào phục vụ khách du lịch, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, như: Tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ (Hoằng Hóa); du lịch động Tiên Sơn - Hàm Rồng, làng Văn hóa dân tộc xứ Thanh, Xứ Thanh Eco-village, hoa cải ven sông Hoằng Lý (TP Thanh Hóa); nông trại Golden Cow (Thường Xuân); nông trại Queen Farm (Quảng Xương)... bước đầu thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch.

Các sản phẩm dần được hình thành rõ nét, cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, được du khách đón nhận, đánh giá cao. Sản phẩm du lịch biển có những chuyển biến tích cực từ chất lượng, quy mô cho đến thái độ ứng xử của cư dân. Sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng có triển vọng phát triển tốt, không chỉ thu hút khách trong nước mà từng bước đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của du khách quốc tế. Sản phẩm du lịch đường thủy dần được hoàn thiện và mở rộng quy mô, chất lượng. Du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh ngày càng trở thành điểm nhấn quan trọng của du lịch tỉnh Thanh Hóa. Sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn từng bước được hình thành, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Tập trung phát triển toàn diện chất lượng nguồn nhân lực

Báo cáo tổng hợp về thực trạng nguồn nhân lực du lịch Thanh Hoá những năm qua cho thấy, ước tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 40.600 lao động du lịch trực tiếp. Trong đó, lao động trình độ đại học trở lên là 4.000 người, lao động trình độ cao đẳng, trung cấp đạt gần 13.000 người, lao động được đào tạo nghề, bồi dưỡng đạt 15.400 người.

Tuy nhiên, trên thực tế, hơn một nửa lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch lại rất yếu về ngoại ngữ, đây là một hạn chế rất lớn của du lịch Thanh Hoá.

Hiện nay, tại Thanh Hoá có 6 cơ sở đào tạo về du lịch. Trong đó có 2 trường đào tạo bậc đại học về du lịch và định hướng du lịch (Trường Đại học VH,TT&DL; Trường ĐH Hồng Đức); 2 trường đào tạo du lịch bậc cao đẳng và 2 trường đào tạo bậc trung cấp. Về cơ bản đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo du lịch tăng về số lượng và từng bước được chuẩn hóa. Các cơ sở đào tạo đã có khu thực hành, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp du lịch để sinh viên có môi trường thực tập chuyên nghiệp, tham gia các hoạt động du lịch theo định hướng nghề nghiệp. Đồng thời đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng về đào tạo du lịch, từng bước đáp ứng nhu cầu thực tế.

Cùng với các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch trên địa bàn tỉnh, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng được quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2016 đến nay, đã có trên 300 lượt cán bộ, công chức tham gia các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước về du lịch do Tổng Cục du lịch, BQL dự án EU tổ chức. Bên cạnh đó, hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng nghề du lịch và kiến thức pháp luật cho các đối tượng là quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên... được thực hiện thường xuyên, với gần 5.000 lượt lao động tham gia kể từ năm 2016 đến nay.

Định hướng phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, Thanh Hoá sẽ tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo về du lịch trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; ưu tiên đầu tư, nâng cấp các khu vực thực hành nghiệp vụ du lịch; liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường. Đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý, quản trị và lao động nghề du lịch, hướng đến phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển, chú trọng văn hoá ứng xử và phong cách phục vụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Có thể khẳng định, trong những năm vừa qua, du lịch Thanh Hoá đã có một bước tiến dài, với sự đổi mới toàn diện từ chỉ tiêu phát triển du lịch, cho đến môi trường xã hội, sản phẩm, chất lượng dịch vụ du lịch, với chuỗi các sản phẩm du lịch đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới, đồng thời với lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp được tăng cường cả về số lượng và trình độ chuyên nghiệp... góp phần quan trọng đối với sự phát triển du lịch Thanh Hoá trước yêu cầu của tình hình mới. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến hết sức phức tạp, vấn đề lớn đặt ra đó là việc giữ chân nguồn nhân lực tại khối doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Bởi đến thời điểm hiện nay, không chỉ Thanh Hoá mà nhiều doanh nghiệp du lịch trong cả nước đã buộc phải tạm dừng hợp đồng đối với lao động hoặc cho nhân viên nghỉ việc luân phiên. Nhiều doanh nghiệp đau đầu với bài toán giữ người hay cho nghỉ. Đây là thực trạng đáng lo ngại đối với lĩnh vực du lịch sau khi phục hồi trở lại. Mặt khác, nếu tình trạng này không có hướng giải quyết kịp thời, hiệu quả, rất có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]