(vhds.baothanhhoa.vn) - Mang vẻ đẹp thiên nhiên vùng thượng du với thắng cảnh thiên nhiên đắm say lòng người, vùng đất Như Thanh vẫn được ai đó ví von như cô gái đẹp đang độ xuân thì nhưng vẫn còn e ấp. Đó là đào Xuân Du đẹp nhất xứ Thanh, một Vườn Quốc gia Bến En như một tuyệt tác của tạo hóa ban tặng, là đền Phủ Na linh thiêng và một không gian văn hóa đa sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Mường... đang được bảo tồn, gìn giữ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đánh thức tiềm năng du lịch Như Thanh

Mang vẻ đẹp thiên nhiên vùng thượng du với thắng cảnh thiên nhiên đắm say lòng người, vùng đất Như Thanh vẫn được ai đó ví von như cô gái đẹp đang độ xuân thì nhưng vẫn còn e ấp. Đó là đào Xuân Du đẹp nhất xứ Thanh, một Vườn Quốc gia Bến En như một tuyệt tác của tạo hóa ban tặng, là đền Phủ Na linh thiêng và một không gian văn hóa đa sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Mường... đang được bảo tồn, gìn giữ.

“Cô gái đẹp” miền tây xứ Thanh

Cách trung tâm TP Thanh Hóa chỉ chưa đầy một giờ chạy xe, vùng đất Như Thanh hiện ra với tất cả vẻ đẹp vừa hoang sơ, trữ tình, lại vừa man mác dung dị mộc mạc. Cảnh và người như bức họa hoàn hảo giữa đất trời và con người.

Về Như Thanh mùa này, trong tiết lạnh của những ngày cuối năm cũ, có lẽ nào bạn lại bỏ qua một điểm đến chơi hoa cực kỳ nổi tiếng? Người xứ Thanh vẫn truyền tai nhau, rằng: quất Hợp Lý, đào Xuân Du. Ấy là bởi, đã chơi hoa đào, ai lại không biết đào Na Sơn được trồng ở vùng đất Xuân Du (Như Thanh) là đẹp nhất. Chẳng biết, có phải do sự ưu ái của thiên nhiên hay bởi kinh nghiệm và bàn tay dày công chăm sóc cẩn thận mà những vườn đào ở nơi này vẫn luôn nhắc nhau bung lụa, khoe sắc thắm rực rỡ nhất vào đúng dịp mùa xuân. Khác với đào Nhật Tân nức tiếng đất Hà Thành, đào Xuân Du đẹp dung dị bởi màu hồng phai, xen lẫn chồi non, lộc biếc.

Tạm quên đi những khó khăn vất vả của cuộc sống mưu sinh, đứng trước vườn đào non, nụ chúm, hoa nở khiến tôi như quên đi những vất vả, bon chen thường ngày. Để cùng hi vọng về một năm mới tốt đẹp, may mắn.

Với người Xuân Du, trồng đào phai tự bao giờ đã thực sự trở thành một nghề truyền thống, đem lại nguồn thu nhập ổn định, cho những cái tết đủ đầy. Để cụ già móm mém răng đen kể cho cháu con nghe về câu chuyện nghề mỗi độ xuân sang. Rằng cây sẽ chẳng bao giờ phụ người; để em nhỏ xúng xính sắc áo hoa khoe với bạn bè cùng trang lứa; để người nông dân sau những chuyến xe xuôi ngược đưa đào xuống phố là trở về với những vật dụng tết này cho gia đình... Nhưng dường như, hơn cả một nghề thì trồng đào với người Xuân Du còn là niềm yêu thích, một thói quen. Dù có thể chẳng bán, buôn nhưng có gia đình nào ở Xuân Du lại chẳng dầy công chăm sóc dăm khóm đào bên hiên vườn nhà mỗi độ tết đến, xuân về. Để chơi, và cũng là quà tặng cho người bạn phương xa khi về Xuân Du. Đơn giản, chẳng cầu kì. Nhưng những tấm lòng người Xuân Du theo đào về với bạn, như lời chúc phúc cho một năm mới đang dần chạm ngõ.

Và nếu đã về Xuân Du vào dịp đầu xuân, hẳn bạn cũng như tôi, chẳng thể bỏ qua điểm đến tâm linh, chiêm bái nức tiếng - di tích Phủ Na (Na Sơn Động Phủ). Dọc theo những vườn đào đang độ khoe sắc, di tích Phủ Na dịp đầu xuân thu hút hàng vạn lượt du khách về hành hương. Để cầu cho một năm mới gặp nhiều may mắn, tươi vui. Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Phủ Na mang đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên, theo người dân địa phương thì trước khi tín ngưỡng thờ Mẫu (Liễu Hạnh) được du nhập thì ở nơi này vốn đã có tín ngưỡng thờ thánh Tản Viên, mẹ Âu Cơ, chúa Cửa Rừng (chúa Thượng Ngàn) - một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của người Mường Hòa Bình đến đây sinh sống.

Dung hòa trong không gian tín ngưỡng tâm linh, Phủ Na trở thành điểm hẹn đầu xuân của đông đảo người dân địa phương và du khách trong, ngoài tỉnh. Cùng với việc chiêm bái, hành lễ thì Phủ Na còn hấp dẫn bởi thắng cảnh tuyệt đẹp. Bao bọc hệ thống đền, điện, miếu thờ là không gian núi rừng với cảnh sắc sơn thủy hữu tình, đắm say lòng người. Và điều đặc biệt, khi rời Phủ Na du khách còn nặng tay với những sản vật nức tiếng địa phương: chè xanh, lá thuốc, sắn dây...thỏa thích cho khách lựa chọn mang về làm quà tặng.

Còn nếu bạn về Như Thanh vào một dịp nào khác không phải đầu xuân, thì Vườn Quốc gia Bến En chắc chắn là một lời giới thiệu đầy thiện chí, một điểm đến không thể tuyệt vời hơn. Ai đó bảo rằng, Bến En giống như một tuyệt tác nghệ thuật của tạo hóa. Cùng với hệ sinh thái thực vật đa dạng, phong phú, quần thể cây di sản hàng trăm năm tuổi. Và hệ động vật cả trăm loài có trong sách đỏ vẫn được bảo tồn. Nhưng Bến En đâu chỉ có vậy! Điểm nhấn của điểm đến này với du khách chính là quần thể đảo nổi ở hồ Sông Mực. Giữa tĩnh lặng thinh không của thắng cảnh hồ Sông Mực là sự hiện hữu của nhấp nhô những đảo lớn, nhỏ. Thật không quá lời khi ví nơi này giống như một Vịnh Hạ Long thu nhỏ của xứ Thanh. Chẳng sóng, chẳng gió, cảnh sắc êm đềm như bức tranh thủy mặc sống động của bậc danh họa xưa. Giữa cái nắng oi ả của ngày hè, đến Bến En, giữa thiên nhiên hoang sơ thấy lòng nhẹ bẫng. Phải chăng mẹ thiên nhiên đã bao dung để ta sẵn sàng trút bỏ mọi muộn phiền, để sau đó ta trở về cuộc sống thường ngày với tất cả tin yêu, hi vọng.

Du khách bơi thuyền trên hồ Bến En.(Ảnh: Chu Đồng)

Và quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ du lịch

Trong tổng hòa cảnh sắc của thiên nhiên nơi miền thượng du Như Thanh là cuộc sống yên ả tự bao đời của đồng bào các dân tộc thiểu số: Thái, Mường, Thổ...Mỗi dân tộc một sắc thái văn hóa đặc trưng được bảo tồn, gìn giữ khá nguyên vẹn, tạo nên sự đa sắc về văn hóa. Cùng với sự ưu ái của thiên nhiên, đây là điều kiện thuận lợi và cần thiết để huyện miền Tây xứ Thanh Như Thanh phát huy tiềm năng, thế mạnh vào việc phát triển du lịch.

Trên tinh thần đó, ngày 12/4/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại xã Xuân Phúc (Như Thanh) với tổng nguồn kinh phí thực hiện 42 tỷ đồng.

Với tất cả tiềm năng, lợi thế về du lịch kể trên, Như Thanh hoàn toàn có đủ điều kiện để tìm lời giải cho bài toán kinh tế từ du lịch. Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm hiện tại, đánh giá một cách khách quan, công tâm thì mọi thứ vẫn đang phát triển theo hướng tự phát, rời rạc và thiếu tính kết nối.

Bởi vậy, quyết định chọn bài toán phát triển du lịch cộng đồng tại xã Xuân Phúc, cụ thể là làng Rọoc Răm phải chăng chính là một sự lựa chọn khôn ngoan.

Trước hết, một số thông tin về làng Rọoc Răm hẳn khiến chúng ta quan tâm. Làng Rọoc Răm là một làng cổ của xã Xuân Phúc, nơi đại đa số người dân là đồng bào dân tộc Thái, Mường. Đây cũng chính là địa chỉ diễn ra di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Kin Chiêng Bọoc Mạy vô cùng đặc sắc. Cùng với đó, làng Rọoc Răm xã Xuân Phúc còn nổi tiếng với di tích đền Cấm. Đây là di tích có truyền thuyết gắn liền với cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn. Chuyện kể rằng: Khi nghĩa quân Lam Sơn hành quân qua đây đã dừng lại để rèn binh luyện tướng. Để đảm bảo tính bí mật, khu vực đất nơi nghĩa quân hạ trại được gọi là rừng Cấm. Có một vị tướng của nghĩa quân Lam Sơn dưới trướng Lê Lợi là Trần Công Bác bị thương đã nằm lại mảnh đất này. Người dân khi đến đây lập làng, lập ấp đã lập đền thờ và lấy tên đền Cấm. Trải qua hàng trăm năm, đến nay đền Cấm vẫn là di tích tâm linh nổi tiếng linh thiêng trong vùng, nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư. Cùng với đó, hàng năm tại đây còn diễn ra lễ hội Kin chiêng bọoc mạy của đồng bào Thái.

Nghi lễ cúng tế ở đền Cấm.

Đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Xuân Phúc được kỳ vọng sẽ mang đến cho du khách sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm đậm chất văn hóa. Đến đây du khách được tham gia các hoạt động sinh thái gắn liền với núi rừng, tham quan danh thắng tự nhiên. Trải nghiệm cuộc sống của các gia đình dân tộc Thái, Mường. Cùng tìm hiểu về truyền thống văn hóa của người dân bản xứ thông qua các hoạt động sinh hoạt, lễ hội dân gian. Bên cạnh đó là sự kết nối theo tour đến các địa điểm nổi tiếng: Đền Cấm linh thiêng; hồ Sông Mực trữ tình; tham quan các hang động...

Với định hướng phát triển du lịch cộng đồng làng Rọoc Răm xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh kỳ vọng mô hình này năm 2030 sẽ tạo việc làm cho 390 lao động, đem lại nguồn thu 13,4 tỷ đồng. Và với sự tính toán khoa học, đầu tư bài bản để từng bước tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và bền vững với xã Xuân Phúc nói riêng và toàn huyện Như Thanh nói chung.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Sun Group đầu tư Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En tại huyện Như Thanh. Theo đó, Sun group đầu tư 4.960 tỷ đồng. Với tiêu chí “Chất lượng - Đẳng cấp - Sự khác biệt”, Sun Group sẽ xây dựng Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En thành điểm nhấn về du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí mang tầm vóc quốc tế. Sau khi được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư, Tập đoàn Sun Group đã lập quy hoạch chi tiết khu du lịch này và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Đức Trang


Đức Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]