(vhds.baothanhhoa.vn) - Đưa các giá trị văn hóa dân gian đặc sắc trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh là một trong những ý tưởng được Dự thảo Đề án nghiên cứu phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục vụ phát triển du lịch đưa ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để giá trị văn hóa dân gian trở thành sản phẩm du lịch

Đưa các giá trị văn hóa dân gian đặc sắc trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh là một trong những ý tưởng được Dự thảo Đề án nghiên cứu phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục vụ phát triển du lịch đưa ra.

Thanh Hóa vốn từ lâu được đánh giá là tỉnh giàu tài nguyên nhân văn, lưu giữ trong lòng một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo. Song, tại hầu hết các khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, việc kết hợp bảo tồn với khai thác các loại hình văn hóa dân gian trong phục vụ phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Năm 2017, tổng lượt khách của loại hình du lịch văn hóa tăng cao hơn các năm trước với 1.400 lượt, doanh thu 800 tỷ đồng.

Kết hợp và phát triển văn hóa dân gian sẽ là hướng đi mới của du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Trong đó điểm nhấn của Dự thảo Đề án là Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái (Sầm Sơn) là lễ hội đặc trưng, phát triển thành thương hiệu của Thanh Hóa. Ngoài ra, đề án đề cập tới việc phục dựng lễ tế Đàn Nam Giao, Lễ hội Lam Kinh, phục dựng và tổ chức lễ hội tại di tích Phủ Trịnh và khu lăng miếu Triệu Tường. Lễ hội Hương sắc vùng cao Thanh Hóa tổ chức 2 năm một lần nhằm giới thiệu các loại hình văn hóa dân gian của miền núi Thanh Hóa cũng là một ý tưởng mới đề án xây dựng.

Nét độc đáo mà đề án đề xuất đó là đưa các giá trị văn hóa dân gian đi xa hơn nơi phát tích để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, du khách tại các khu, điểm du lịch lớn của tỉnh. Tương lai, khi đề án được phê duyệt, người xem sẽ có thể thưởng thức trò diễn Xuân Phả không chỉ ở Thọ Xuân mà còn cả ở Sầm Sơn hay biết đến trò Chiềng ngay trên mảnh đất Vĩnh Lộc, nơi có Thành Nhà Hồ... Và để hiện thực hóa ý tưởng này, việc đầu tư, khôi phục lại các loại hình văn hóa dân gian, sưu tầm và tư liệu hóa các giá trị di sản cũng được ngành văn hóa lưu ý tới. Ngoài ra, việc hình thành một cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị phục vụ tại các khu, điểm du lịch, nơi diễn ra lễ hội cũng là điều cần quan tâm.

Song trước khi đề án trên đi vào triển khai, tại hầu khắp các địa phương giàu tiềm năng về văn hóa dân gian, việc vận dụng lợi thế này vào phát triển kinh tế du lịch vẫn được quan tâm đặc biệt. Tại huyện miền núi Như Xuân cũng chính là huyện vừa thoát khỏi danh sách 7 huyện nghèo của tỉnh, chính quyền địa phương nhiều năm qua vẫn dành nhiều nguồn lực cho việc khôi phục lễ hội đền Chín Gian - nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong đời sống tâm linh cũng như đời sống văn hóa của người Thái vùng sáu Thanh. Sáng tạo hơn, tại huyện Đông Sơn, ngoài việc sưu tầm, khôi phục các trò diễn dân ca - dân vũ Đông Anh, Đảng bộ, chính quyền xã Đông Anh còn quan tâm thành lập các câu lạc bộ trong trường học, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân gian đặc sắc này.

Từ những giải pháp mang tính địa phương đến kế hoạch tổng thể của toàn ngành, toàn tỉnh, du lịch văn hóa chờ đợi những khởi sắc cũng như du khách chờ đợi để được đến gần hơn với các giá trị văn hóa dân gian của ông cha. Quan trọng hơn, chính các giá trị này sẽ tạo nên bản sắc đặc trưng cho du lịch Thanh Hóa, không lẫn với bất cứ một tỉnh, thành phố nào.

Nguyên Mai


Nguyên Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]