Không tivi, không internet, không quán xá nhà hàng, không xô bồ, chặt chém…, cái gì hàng ngày vẫn có và nơi nào đó vẫn có thì lại không có ở Pù Luông. Khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc sắc vùng cao, tận hưởng những giây phút thư thái, bình yên là điều mà ai cũng có thể cảm nhận khi đặt chân tới khu bảo tồn thiên nhiên này ở xứ Thanh. Chọn cách nào để “sống chậm” cũng đều thú vị cả và tôi đến Pù Luông là để “đi săn” những khoảnh khắc tuyệt diệu cho chuyến đi của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Đi săn” ở Pù Luông

Không tivi, không internet, không quán xá nhà hàng, không xô bồ, chặt chém…, cái gì hàng ngày vẫn có và nơi nào đó vẫn có thì lại không có ở Pù Luông. Khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc sắc vùng cao, tận hưởng những giây phút thư thái, bình yên là điều mà ai cũng có thể cảm nhận khi đặt chân tới khu bảo tồn thiên nhiên này ở xứ Thanh. Chọn cách nào để “sống chậm” cũng đều thú vị cả và tôi đến Pù Luông là để “đi săn” những khoảnh khắc tuyệt diệu cho chuyến đi của mình.

Săn mây

Những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm ở Pù Luông, 6 giờ sáng mặt trời hình như vẫn còn ngái ngủ bởi âm hưởng của những ngày cuối Xuân ấm áp. Theo kinh nghiệm của những “thợ săn” chuyên nghiệp, 6 - 8 giờ sáng là thời điểm đẹp nhất để săn mây. Ngồi bất cứ nơi nào ở Pù Luông cũng đều có thể ngắm được cảnh sắc ban mai tuyệt vời nhưng vị trí đẹp nhất để ngắm mây nằm ở bản Đôn hoặc Pù Luông Retreat.

Sáng sớm, những ngôi nhà sàn chìm trong sương và mây mù lãng đãng đầy mộng mị. Cả dãy núi điệp trùng chìm trong biển mây trắng xóa, những khối mây khổng lồ cảm giác như rất nặng nên không biết bay, chỉ đứng yên tại chỗ và tan rất chậm bởi hơi nóng đang lên tăng từ từ theo sự lười biếng của mặt trời. Nắng dần chạy tỏa những vệt dài trên những thửa ruộng bậc thang xanh mát mắt, cả một rẻo cao lắng lại trong một màu xanh của núi rừng cùng màu trắng tinh khiết của những khối mây đại ngàn. Mây và núi chìm trong nhau, hư hư thực thực, mọi thứ dường như không chuyển động, chỉ có duy nhất sự tĩnh lặng là tuyệt đối.

Săn đèo

Đến Pù Luông nhất định phải ghé thăm những nếp nhà sàn xinh đẹp nằm thơ mộng chênh vênh bên sườn núi hoặc lọt thỏm trong thung lũng. Bản Son, Bá, Mười là điểm khám phá thú vị xứng đáng cho bất cứ ai có đủ thời gian và sự kiên nhẫn. Đường tới các bản này trải qua gần 20 cây số đường đèo với vài chục khúc cua tay áo khiến những tay lái già dơ cũng có lúc giật mình. Xe máy, tất nhiên phải là xe số chính là phương tiện lý tưởng nhất để chinh phục những con đèo dốc dựng đứng ngang ngạnh, những mặt đường lởm chởm đá giăm. Được biết đây là con đường mới mở thông từ Pù Luông sang huyện Tân Lạc của Hòa Bình nhưng chưa hoàn thiện nên vẫn rất ít phương tiện giao thông. Chủ yếu chỉ có dân bản đi lại khi cần xuống núi hoặc bà con dưới chân núi lên rừng bắt ốc, thu hoạch rau củ.

Dọc đường đi sẽ có lúc bị ù tai bởi không khí càng lên cao càng loãng và tất nhiên sóng điện thoại cũng sẽ rất phập phù. Không có vượn hú nhưng chim kêu véo von, lá reo và cây hát là có thật tạo nên thứ âm thanh đặc trưng của núi rừng. Một màu xanh bất tận bừng lên trong nắng núi trập trùng trải theo những con đèo uốn lượn vô cùng hoành tráng. Đây là khu vưc thuộc xã Lũng Cao, điểm cao nhất ở huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Con đường chưa đầy 20 cây số nhưng vắng bóng người và vòng vèo khó đi đôi lúc khiến tôi có chút lo lắng song cũng đầy háo hức.

Rồi thì bản Son như một ngôi làng cổ tích cũng hiện ra trước mắt. Những mái nhà sàn lợp lá lúp xúp nằm xen kẽ giữa cánh đồng mướt mát vô cùng đẹp mắt như một ốc đảo xanh nằm bình yên trong thung lũng và tách biệt với thế giới. Yên ắng và thơ mộng quá chừng! Đi qua bản Son sẽ đến với bản Bá và bản Mười, những cung đường dốc thoai thoải, những cánh đồng lúa, ngô, khổ qua và rừng trúc xanh ngát nối các thôn bản với nhau. Mỗi bản một dáng vẻ nhưng đều vô cùng xinh đẹp và thơ mộng. Lang thang ngắm đồng, ngắm nhà, chuyện trò vu vơ với những người dân bản địa vèo cái đã hết buổi chiều. Thời gian trôi nhanh hơn tôi tưởng và dù rất luyến tiếc vì chưa đi thăm thú được nhiều hơn nhưng tôi phải chạy đua với ông mặt trời để xuống núi và còn kịp thời gian cho một cuộc đi săn khác.

Hoàng hôn về trên đỉnh Pù Luông

Săn hoàng hôn

Trèo đèo đã khó, xuống đèo cũng vất vả không kém bởi có những dốc cua vừa dựng đứng lại lắm ổ trâu, ổ bò. Nếu như lúc lên phải ôm chặt lái xe để không bị tuột xuống đường thì lúc xuống phải túm chặt tay sau yên xe để người không bị trôi về phía trước. Một trải nghiệm mới toe xong cũng đầy thú vị với một tay săn “thợ vườn” như tôi.

Tự thấy mình là người may mắn vì trên đường về tôi đã kịp săn được cảnh tượng cuối ngày vô cùng tuyệt vời. Từ ngọn núi bên này nhìn sang dãy núi bên kia, mặt trời đỏ ối như một trái bóng khổng lồ tỏa những vầng hồng ảo diệu trải dài khắp Pù Luông. Núi nhấp nhô trập trùng như vân gỗ ẩn sau màn mây chiều mờ ảo đổi màu rất nhanh từ hồng sang đỏ rồi đỏ thẫm và tắt lịm sau màn nhung tím. Đã từng được ngắm hoàng hôn về trên biển, trên phố song đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc ngắn ngủi hoàng hôn về nơi rẻo cao. Tôi lặng đi trước sự kỳ diệu và hùng vĩ của thiên nhiên, núi rừng và khoảnh khắc ngoạn mục chưa từng gặp trong đời.

Chuyến “đi săn” của tôi gói trọn trong một ngày bận rộn, mệt lử mà đầy cảm xúc. Những cung đường gập ghềnh, những bản làng đơn sơ, những nụ cười ngây ngô, bình dị và thứ tiếng Kinh được nói bằng giọng địa phương lơ lớ, những cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, những món ăn không sang trọng màu mè nhưng đậm đà phong vị địa phương… là những thứ tôi ghi lại trong tâm trí của mình. Pù Luông chắc chắn sẽ là nơi tôi sẽ quay lại ngay khi có thể.

Theo Baodulich.net.vn


Theo Baodulich.net.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]