(vhds.baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh, nếu được nhìn từ điểm nhìn văn hóa - lịch sử, dường như là nơi “thời gian ngưng đọng” trong những tập tục, lễ nghi, sinh hoạt văn hóa vừa mộc mạc, dân dã, vừa tinh tế, giàu giá trị và đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, các di sản được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia càng minh chứng sống động cho điều đó. Bởi các di sản ấy đã vượt qua sự kiểm chứng khắt khe của thời gian, đã song hành cùng thăng trầm lịch sử một vùng đất, để góp phần định hình nên diện mạo và bề dày truyền thống văn hóa của xứ sở này.

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần khẳng định bề dày truyền thống văn hóa xứ Thanh

Xứ Thanh, nếu được nhìn từ điểm nhìn văn hóa - lịch sử, dường như là nơi “thời gian ngưng đọng” trong những tập tục, lễ nghi, sinh hoạt văn hóa vừa mộc mạc, dân dã, vừa tinh tế, giàu giá trị và đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, các di sản được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia càng minh chứng sống động cho điều đó. Bởi các di sản ấy đã vượt qua sự kiểm chứng khắt khe của thời gian, đã song hành cùng thăng trầm lịch sử một vùng đất, để góp phần định hình nên diện mạo và bề dày truyền thống văn hóa của xứ sở này.

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần khẳng định bề dày truyền thống văn hóa xứ Thanh

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Pồn Pôông (huyện Ngọc Lặc).

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trò Xuân Phả là một trong những “gương mặt đại diện” ưu tú nhất của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể xứ Thanh. Bởi lẽ, di sản này không chỉ là sự kết tinh của tinh thần và trí tuệ cộng đồng được nâng thành nghệ thuật; mà còn “chứa đựng những thông tin quá khứ bí ẩn nhất của người Việt” như nhận định của một nhà nghiên cứu nghệ thuật dân gian khi tìm hiểu về những điệu múa Xuân Phả. Trò Xuân Phả là sự kết hợp hài hòa của hai tính chất tưởng chừng trái ngược. Đó là sự thô mộc, chất phác mà cởi mở, phóng khoáng của ca từ, động tác; và sự uyển chuyển, hàm xúc, nhiều lớp lang của lối diễn, tích trò. Đặc biệt, di sản này có sự ăn khớp rất khéo, rất nhuần nhụy giữa hai yếu tố dân gian và cung đình để trở thành một sinh hoạt văn hóa tinh thần mang trình độ nghệ thuật cao. Có lẽ vì thế mà trò diễn này đã vượt ra ngoài không gian hình thành và tồn tại của nó (làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân) để trở thành di sản chung của cả dân tộc.

Trò Chiềng (làng Chiềng hay làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh, huyện Yên Định) vốn được phát tích từ trò tập trận giả để luyện binh của Tổng binh Trịnh Quốc Bảo (người làng Chiềng) dưới triều Vua Lý Thánh tông (1054-1072), trước khi ông dẫn quân dẹp giặc Chiêm Thành. Nếu tính theo thời gian hình thành và tồn tại, thì trò Chiềng đã có lịch sử ngót gần 1.000 năm, nên giá trị hay vai trò của nó đối với cộng đồng là điều không cần phải bàn. Trò Chiềng còn được đánh giá là một điển hình độc đáo cho văn hóa tinh thần của cư dân vùng đồng bằng sông Mã, nhờ bởi sự tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian. Đặc biệt, ngay từ khi ra đời, lễ hội dân gian này đã có sự góp mặt của mọi giai tầng trong xã hội, gồm sĩ, nông, công, thương đến ngư, tiều, canh, mục. Điều đó phản ánh tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt, thông qua 12 trò diễn tái hiện đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, vui chơi và đặc biệt là các trận đánh chống giặc ngoại xâm. Các trò diễn hướng đến đề cao tinh thần thượng võ và tinh thần lao động, sáng tạo của con người. Ngoài ra, một phần đặc sắc khác trong lễ hội Trò Chiềng là 4 lễ rước, gồm rước cỗ vàng, rước cỗ gà cúng tế Thành hoàng làng, rước tế con trò (rước đội hình voi, ngựa, rồng và các con trò ra bãi trò) và rước Thành hoàng làng (lễ phụng nghinh). Lễ hội trò Chiềng vừa là cách để người dân bày tỏ lòng ngưỡng vọng, biết ơn tiền nhân đã có công gây dựng và phù hộ cho cuộc sống trù phú, yên lành; đồng thời, thông qua khí thế các trò diễn người ta còn phô bày một đời sống tinh thần vô cùng phong phú, với thuần phong mỹ tục tốt đẹp.

Lễ hội Pồn Pôông là một trong những sinh hoạt văn hóa đặc sắc, độc đáo nhất của người Mường. Đặc biệt hơn, có nhận định cho rằng gốc gác của lễ hội này gắn liền với sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường, đóng góp vào kho tàng sử thi Việt Nam. Do vậy, lễ hội Pồn Pôông trước hết là nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ cúng Thần tổ Thung Trấn, hay tín ngưỡng cổ thờ thần cây, thần rừng và lễ tục nông nghiệp lâu đời của người Mường. Bài ca dưới cây hoa là bài ca về cuộc sống, về lao động, với khát vọng no ấm, khỏe mạnh, bình an. Đồng thời, đó còn là bài ca về tình yêu đôi lứa mộc mạc, hồn nhiên nhưng cũng đầy khát khao mãnh liệt về hạnh phúc. Nếu Pồn Pôông là linh hồn của văn hóa Mường; thì Kin Chiêng Bọoc Mạy ví như tấm gương phản chiếu đời sống văn hóa tinh thần của người Thái. Những nghi lễ tế thần linh như mường Trời, thổ địa, thần núi, thần rừng, thành hoàng, lễ cơm mới, cầu lành, cầu may, cầu mát, giải hạn... đều gắn với chơi bói hoa – trò chơi truyền thống mô phỏng việc lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Thái từ xa xưa.

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần khẳng định bề dày truyền thống văn hóa xứ Thanh

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trò Chiềng (huyện Yên Định).

Trong khoảng gần chục năm trở lại, Thanh Hóa đã có 11 di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh ở hạng mục di sản văn hóa cấp quốc gia, bao gồm trò Xuân Phả, lễ hội Pồn Pôông, Kin Chiêng Bọoc Mạy, trò Chiềng, ca trù, dân ca - dân vũ Đông Anh, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội đền Độc Cước, nghề đúc đồng cổ truyền làng Trà Đông, xường giao duyên người Mường và lễ hội đền Mưng. Mỗi một di sản là một “công trình văn hóa” được “xây” nên từ bàn tay và khối óc của Nhân dân lao động và lấy cảm hứng từ cuộc sống hằng ngày. Song, tất cả đã được thử thách qua thời gian, được chắt lọc và bồi đắp qua nhiều thế hệ, để vượt ra ngoài giới hạn địa lý và không gian sinh hoạt của một cộng đồng và trở thành tài sản chung của cả dân tộc. Điều này cũng đồng thời là một minh chứng sinh động và thuyết phục về sự đặc sắc và giàu giá trị của kho tàng văn hóa xứ Thanh trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Có nhận định cho rằng, sự vận hành của xã hội luôn luôn được bình ổn, được điều chỉnh bằng hệ giá trị mà mỗi cộng đồng, dân tộc đã tích lũy được trong quá trình lịch sử. Nghĩa là, trong sự vận hành của xã hội luôn có sự tác động của yếu tố văn hóa, được thể hiện dưới dạng các giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, đạo đức... Trong đó, các di sản văn hóa vốn được hình thành và được các thế hệ trân trọng, gìn giữ qua hàng thế kỷ, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, càng cho thấy được vai trò đặc biệt của nó trong việc góp phần vận hành xã hội theo hướng tích cực. Bởi, các di sản chứa đựng trong lòng nó một hệ giá trị tốt đẹp về lòng biết ơn, lối đối nhân xử thế, tinh thần cố kết cộng đồng, ngợi ca lao động, tình yêu cuộc sống... Và cho đến tận ngày nay, khi nhiều giá trị văn hóa đặc trưng tộc người đang đứng trước nguy cơ mai một, thì việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thực chất là làm cho những giá trị tốt đẹp ấy lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống và góp phần cố kết cộng đồng.

Nhà chính trị, nhà văn hóa Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã có một nhận định rất hay rằng “Một cá nhân con người cũng như một chiều sâu lịch sử nhất định. Họ được đánh giá cao bởi một nguồn gốc trong quá khứ. Điều cơ bản là phải có cái đó, nếu không thì người ta chỉ là bản sao mờ nhạt của cái gì đó không tiêu biểu cho một cá nhân hoặc một nhóm”. Và các di sản văn hóa cũng chính là một cái “gốc trong quá khứ”, mà nhờ đó, mỗi con người có được “diện mạo” hay “nguồn gốc” để tự hào. Điều này cũng đồng thời đặt ra cho mỗi người về thái độ và lối ứng xử đối với các di sản văn hóa. Bởi, di sản do cộng đồng sáng tạo ra và nó phải được cả cộng đồng chấp thuận, thực hành và bảo vệ. Hơn nữa, việc bảo vệ hay bảo tồn di sản cũng không đơn thuần là sưu tầm, ghi chép thành văn bản, mà mấu chốt là phải đưa di sản ấy vào đời sống, để nó được “sống” thực sự, nghĩa là nó được gắn với sinh hoạt cộng đồng để làm giàu có, phong phú và tốt đẹp hơn cho đời sống tinh thần của cộng đồng ấy.

Các di sản được vinh danh đã khẳng định giá trị của nó trong đời sống văn hóa cộng đồng. Đồng thời, sự tồn tại của các di sản ấy cho đến ngày nay, đã góp phần khẳng định vùng văn hóa xứ Thanh giàu giá trị và đậm đà bản sắc dân tộc.

Kim Ngân


Kim Ngân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]