(vhds.baothanhhoa.vn) - Vĩnh Lộc là một huyện nằm phía Tây tỉnh Thanh Hóa, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật độc đáo như: Thành Nhà Hồ, Đàn tế Nam Giao, đền thờ nàng Bình Khương, Phủ Trịnh Nghè Vẹt, thắng cảnh động Hồ Công...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Di tích thắng cảnh động Hồ Công - chùa Du Anh

Vĩnh Lộc là một huyện nằm phía Tây tỉnh Thanh Hóa, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật độc đáo như: Thành Nhà Hồ, Đàn tế Nam Giao, đền thờ nàng Bình Khương, Phủ Trịnh Nghè Vẹt, thắng cảnh động Hồ Công...

Thắng cảnh động Hồ Công là một quần thể bao gồm: Chùa Du Anh, động Hồ Công, núi Xuân Đài và núi Trác Phong xưa thuộc xã Thiên Vực, huyện Vĩnh Phúc (nay là xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Chùa Du Anh hay còn gọi là chùa Thông, một ngôi chùa cổ tọa lạc dưới chân núi Xuân Đài, đây là dãy núi đá đẹp thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa, chùa gắn với sự tích Trần Nghệ Tông đưa công chúa Du Anh về lễ chùa và dưỡng bệnh. Công chúa được điều trị bằng cây thuốc ở động Hồ Công khỏi bệnh. Vua Trần phát tâm công đức cho nâng cấp chùa, công chúa Du Anh trực tiếp đốc công. Từ đó chùa mang tên là Du Anh.

Chùa được xây dựng vào thời Lý, trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử chùa bị đổ nát đến niên hiệu Hoằng Định (1601 - 1619), Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc người xã Sáo Sơn, huyện Vĩnh Phúc, phủ Thiệu Thiên (nay thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) xuất tiền tôn tạo lại chùa, từ năm Tân Sửu (1601) đến năm Ất Tỵ (1605) chùa được cất dựng xong. Phía trước chùa nhìn ra núi Trác Phong, bên tả chùa có gác Ngọc Hoàng, bên hữu chùa có am Công chúa. Hai bên chùa có hai hồ nước Nhật Hồ và Nguyệt Hồ. Trong chùa có tấm bia ký do Hoàng Giáp Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), người làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây soạn năm Hoằng Định thứ 6 (1605) nhằm ca ngợi công đức của Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc. Tấm bia đá với 4 mặt khắc chữ Hán trong đó, mặt trước khắc “Trùng tu Xuân Đài Sơn, Hồ Công động, Du Anh tự bi”, mặt sau khắc niên đại “Ngày lành tháng 10 niên hiệu Hoằng Định thứ 6 (1605)”. Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ tượng 2 linh vật là voi và sư tử thời Trần bằng đá trắng, trên bệ đá có khắc hình hộp, hoa văn sóng nước. Sư tử được đặt ở cổng chùa, hiện nay người dân ở vùng này còn lưu giữ thành ngữ: “Voi quỳ hổ phục hai bên, Hồ Công đệ nhất có tên đứng đầu”.

Nằm trong quần thể di tích chùa - động, động Hồ Công khơi nguồn cảm hứng cho du khách khi đến vãn cảnh.

Từ chùa Du Anh, đi theo các bậc đá nằm men theo sườn núi về phía Đông Nam đưa chúng ta đến động Hồ Công. Động Hồ Công hình dáng giống như bầu đá khổng lồ nằm ở lưng chừng núi Xuân Đài. Trong động có nhiều nhũ thạch đá rũ xuống tạo nên nhiều hình thù đẹp mắt, với muôn sắc màu tạo nên một không gian vừa thực vừa hư. Vẻ đẹp của động đã được sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Có khối đá trông như hình con cóc cúi đầu ngồi trong động, thạch nhũ trong động sắc đỏ lại có hang đá quanh co dài mười trượng, chỗ tận cùng có giếng đá sâu khôn cùng...”. Động Hồ Công được mệnh danh “Tam thập lục Nam thiên, Hồ Công đệ nhất” (trời Nam có 36 động, động Hồ Công đẹp nhất).

Từ cửa động du khách nhìn xuống thấy làng mạc, đồng ruộng như một bức tranh sơn thủy hữu tình, nhìn ra xa thấy được núi Tiến Sĩ, hình như một nhà nho áo mũ chỉnh tề đang ngồi đọc sách. Ở cửa động có hai tượng đá, tương truyền xưa có một vị thầy thuốc tên là Hồ Công, vai đeo quả bầu nhỏ, ông thường ra chợ bán thuốc chữa bệnh, tối đến ông lại thu mình chui vào quả bầu để ngủ. Người ta thấy lạ hỏi: Quả bầu nhỏ thế mà sao ông vào ngủ được? ông già nói: Nhà ngươi có muốn chui vào thử xem thế nào không? Người ấy bằng lòng ông liền hóa phép cho anh ta chui vào trong quả bầu thì thấy trong đó có đủ trời, đất, trăng sao, nhà cửa ... Người ấy chính là Phí Trường Phòng, biết ông già là bậc đại tiên nên đã theo học đạo và sau này cũng đắc đạo thành tiên. Hai thầy trò ở trong động đá trên dãy núi Xuân Đài rồi đi vào bất tử để lại hình hài hóa thành hai pho tượng đá trong động ngày nay.

Với vẻ đẹp kỳ thú, tuyệt mỹ, động Hồ Công khơi nguồn cảm hứng để các bậc vua, chúa, tao nhân, mặc khách khi đến vãn cảnh đã để lại bút tích trên các vách động nhằm ngợi ca vẻ đẹp nơi đây. Năm 1463 vua Lê Thánh Tông về Lam Kinh bái yết lăng miếu tổ tiên, nhân chuyến du ngoạn vua lên núi Xuân Đài thăm động Hồ Công thấy phong cảnh tuyệt mỹ, Lê Thánh Tông đã làm bài thơ “Đề Hồ Công động” khắc vào đá:

“Thần gọt quỹ đẽo tạo nên dãy núi muôn trùng,

Thành nơi cửa cao nhà rộng giữa vũ trụ bao la.

Công danh trên đời đều là mộng cả,

Ngày tháng trong bầu nhàn nhã vô cùng.

Châu đem rơi xuống như rồng biến hóa ở đất Hoa Dương,

Ngọc trắng lạnh lẽo từ suối chảy từ cõi trời Bích lạc.

Ta muốn cỡi gió lên tận đỉnh núi cao chót vót,

Để ngắm hết biển mây ở giữa bầu trời bao la”.

Sau vua Lê Thánh Tông mất, vua Lê Hiến Tông lên ngôi, khi về Lam Kinh bái yết Sơn Lăng, nhà vua đã làm bài thơ “Ngự chế đề Hồ Công động”. Vào những năm 1750 - 1754, Nguyễn Nghiễm, thân phụ đại thi hào Nguyễn Du sau khi chinh phạt quân giặc Ai Lao khi trở về thăm động đã làm bài thơ “Hồ ngọc động” khắc trên đá nhằm ca ngợi vẻ đẹp của động. Trịnh Sâm là một vị chúa dưới thời Lê -Trịnh, trước vẻ đẹp của động đã đề 4 chữ đại tự “Thanh Kỳ khả ái” vào năm Canh Dần (1770) trên phiến đá lớn ở núi Xuân Đài.

Động Hồ Công - chùa Du Anh là một thắng cảnh đẹp được công nhận là di tích thắng cảnh cấp Quốc gia, là điểm thu hút khách du lịch thập phương bởi vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên cùng với sự đan quyện của chất màu lịch sử và huyền thoại. Đây cũng là tiềm năng để kết nối các tuor du lịch của tỉnh Thanh Hóa, là một trong những trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vĩnh Lộc nói riêng và Thanh Hóa nói chung.

Lê Thúy Huệ


Lê Thúy Huệ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]