(vhds.baothanhhoa.vn) - Việc phải phát triển một hệ thống sản phẩm đặc trưng, với dịch vụ đa dạng, hấp dẫn, chuyên nghiệp chính là yếu tố cốt lõi tạo nên điểm nhấn cũng như năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập cho du lịch xứ Thanh. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để Thanh Hoá thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Định danh sản phẩm du lịch đặc trưng

Việc phải phát triển một hệ thống sản phẩm đặc trưng, với dịch vụ đa dạng, hấp dẫn, chuyên nghiệp chính là yếu tố cốt lõi tạo nên điểm nhấn cũng như năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập cho du lịch xứ Thanh. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để Thanh Hoá thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Du khách về Sầm Sơn năm 2019.

Sản phẩm du lịch đặc trưng ngày càng đa dạng

Dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong những năm qua, Thanh Hoá đã xây dựng thành công nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, ngày càng thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Đến nay, sản phẩm du lịch biển, đảo từng bước tạo dựng được thương hiệu nổi trội tại khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các phân khúc thị trường khách du lịch từ trung đến cao cấp. Theo đó, công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút dự án đầu tư được tập trung ưu tiên triển khai tại các khu du lịch biển: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà. Các doanh nghiệp du lịch được khuyến khích, tạo điều kiện để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô, dịch vụ du lịch, góp phần đem đến diện mạo mới cho sản phẩm du lịch biển. Nhiều sản phẩm du lịch mới được đầu tư đưa vào phục vụ khách du lịch như: huyện Hoằng Hoá với Lễ hội du lịch biển Hải Tiến được tổ chức thường niên, khai trương tuyến du lịch đường thuỷ Hải Tiến - đảo Nẹ, hình thành các homestay, trải nghiệm du lịch dù lượn; TP Sầm Sơn với Lễ hội tình yêu, làng bích hoạ, mô tô nước, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm. Đặc biệt là Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn được tổ chức thường niên, với chuỗi hoạt động hấp dẫn như Lễ hội ánh sáng, Carnaval đường phố...; huyện Tĩnh Gia có Lễ hội du lịch biển với chủ đề “Hải Hoà biển hát”. Ngoài ra, các địa phương vùng biển còn có Lễ hội Cầu Ngư. Một số khu du lịch biển mới đang dần hình thành, bước đầu thu hút sự quan tâm của du khách, đang được đưa vào quản lý như: Bãi Đông (Tĩnh Gia), Tiên Trang (Quảng Xương).

Kết quả, hàng năm đã thu hút được lượng lớn khách du lịch sử dụng sản phẩm du lịch biển. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, các khu du lịch biển ước đón được 32 triệu lượt khách (chiếm 75,2% tổng lượng khách du lịch toàn tỉnh).

Đối với sản phẩm du lịch đặc trưng về văn hoá, tâm linh ngày càng được chú trọng, phát huy giá trị, bước đầu thu hút số lượng lớn khách du lịch tham gia. Đến nay, cùng với các điểm đến như: Khu di tích lịch sử văn hoá Hàm Rồng (TP Thanh Hoá), khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), khu di tích Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), đền thờ Bà Triệu (Hậu Lộc)... nhiều lễ hội lớn hàng năm còn là điểm hẹn của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh như: Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội Lê Hoàn, Lễ hội Bà Triệu, Lễ hội bánh Chưng bánh Giày... Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020, các khu du lịch văn hoá, tâm linh trên địa bàn tỉnh ước đón được gần 7,5 triệu lượt khách. Cho thấy, sản phẩm du lịch này ngày càng trở nên phong phú, tăng sức hấp dẫn cho du khách khi đến với xứ Thanh.

Cùng với sản phẩm mũi nhọn là du lịch biển, trong những năm gần đây sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng ngày càng chứng minh được là sản phẩm thế mạnh của du lịch xứ Thanh. Với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách, đặc biệt là dòng khách quốc tế như: Du lịch cộng đồng bản Năng Cát (Lang Chánh); suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thuỷ); bản Đôn, bản Hiêu, bản Kho Mường, bản Báng (Bá Thước); bản Mạ (Thường Xuân); bản Hang (Quan Hoá); bản Ngàm (Quan Sơn)... Đặc biệt, năm 2019, UBND tỉnh đã phối hợp với huyện Quan Sơn tổ chức thành công Lễ công bố tour du lịch Quan Sơn (Thanh Hóa, Việt Nam) - Viêng Xay (Hủa Phăn, Lào), góp phần quảng bá, thu hút sự quan tâm của khách du lịch đến loại hình du lịch cộng đồng tại Thanh Hóa.

Bên cạnh những sản phẩm du lịch đặc trưng đã tạo dựng được thương hiệu, sản phẩm du lịch “Ngược xuôi sông Mã”, mặc dù mới được đưa vào hoạt động từ năm 2015, song đến nay đã và đang trở thành sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Mặt khác một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch nổi bật của địa phương mình. Trong đó, TP Thanh Hóa công bố tuyến du lịch làng cổ Đông Sơn, trải nghiệm đồng quê trên địa bàn TP Thanh Hóa; chương trình trải nghiệm trồng rau sạch tại xã Yên Lễ (huyện Như Xuân), tại xã Trí Nang (huyện Lang Chánh); tham quan nội thành Thành Nhà Hồ, khu du lịch Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc)... Ngoài ra, một số sản phẩm do doanh nghiệp, người dân đầu tư được đưa vào phục vụ khách du lịch, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, như: Tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ (huyện Hoằng Hóa); du lịch động Tiên Sơn - Hàm Rồng, làng Văn hóa dân tộc xứ Thanh, Xứ Thanh Eco village; nông trại Golden Cow (huyện Thường Xuân); nông trại Queen Farm (huyện Quảng Xương); nông trại T-Farm (Đông Sơn)... bước đầu thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch.

Phát triển sản phẩm đặc trưng có khả năng cạnh tranh cao

Những năm gần đây, sự tham gia vào thị trường Thanh Hoá của các tập đoàn, nhà đầu tư chiến lược như: FLC, Sun Group, Vin Group, tập đoàn Mường Thanh... đã và đang hình thành hệ thống cơ sở vật chất tiện nghi, chất lượng cao tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm, tạo diện mạo mới về năng lực cung ứng cho các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm du lịch nhiều nơi còn mang tính tự phát, chưa thật sự dựa trên nhu cầu thị trường, thiên về số lượng mà chưa quan tâm đúng mức đến chỉ tiêu về chất lượng. Việc khai thác các giá trị tài nguyên du lịch ở một số địa phương còn chạy theo việc đáp ứng nhu cầu hiện tại, chưa chú trọng sự bền vững về tự nhiên, xã hội... Và kết quả là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh đôi khi còn trùng lặp với các tỉnh lân cận, thậm chí là trùng lặp giữa những sản phẩm trong cùng một địa phương.

Đại diện một số đơn vị lữ hành cho rằng, đây cũng là nguyên nhân khiến sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Thanh ngày càng nhiều nhưng dần trở nên bão hòa. Trước thực tế này, cần tập trung nghiên cứu, định hướng thị trường, nhóm khách, phân khúc thị trường và cập nhật xu hướng mới trong du lịch để xây dựng sản phẩm đáp ứng nhu cầu. Trong đó, chú trọng khả năng liên kết để tạo thành chuỗi các sản phẩm, nhằm gia tăng trải nghiệm của du khách, hướng đến nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm du lịch.

Hướng tới phát triển đa dạng sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng, thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá, có khả năng cạnh tranh cao. Trong số các giải pháp thực hiện chương trình phát triển du lịch trong giai đoạn mới, Thanh Hoá sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch biển, từng bước hình thành hệ thống các khu du lịch với dịch vụ cao cấp, các tổ hợp khu vui chơi, giải trí, khu nghỉ dưỡng nhiều tiện nghi, có khả năng cạnh tranh về nghỉ dưỡng biển. Đồng thời bổ sung các sản phẩm du lịch thể thao biển, du lịch sinh thái biển, du lịch cộng đồng tại các làng chài ven biển, hướng tới kéo dài mùa vụ đối với dòng sản phẩm du lịch biển. Cùng với đó, sản phẩm du lịch văn hoá gắn với tìm hiểu di sản văn hoá thế giới, các di tích lịch sử cách mạng, lễ hội văn hoá đặc trưng, loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, tín ngưỡng dân gian. Trong đó, sẽ chú trọng vào tính đa dạng, phong phú và đặc trưng của các giá trị văn hoá để hình thành sản phẩm có tính hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hoá với các điểm đến như: Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Hàm Rồng, đền Bà Triệu, Phủ Trịnh, Am Tiên, Phủ Na...

Cần khẳng định rằng, sản phẩm du lịch đặc trưng dù độc đáo, hấp dẫn đến mấy mà không được tạo điều kiện để tiếp cận và để lại thiện cảm cho du khách thì cũng không thể mang lại hiệu quả thật sự. Do đó, bên cạnh việc tạo đột phá về sản phẩm, dịch vụ du lịch, còn cần đặc biệt quan tâm đến môi trường du lịch. Một môi trường du lịch thân thiện cần được tạo dựng dựa trên những chính sách thông thoáng về thủ tục tham quan, tạo động lực thu hút du khách; dựa trên việc bảo đảm môi trường cảnh quan xanh, sạch đẹp với những quy chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Và đặc biệt là dựa trên ý thức, cung cách cung cấp dịch vụ của đội ngũ làm du lịch cũng như cộng đồng địa phương.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]