(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ 2, nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch tại Thanh Hóa bị ảnh hưởng nặng nề. Kéo theo đó là hàng trăm lao động phải chuyển sang lĩnh vực khác, trong đó có cả lao động tay nghề cao. Đây đang là nỗi lo hiện hữu của các doanh nghiệp du lịch khi hoạt động du lịch dần được khôi phục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Doanh nghiệp khó gọi nhân lực du lịch trở lại

Sau ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ 2, nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch tại Thanh Hóa bị ảnh hưởng nặng nề. Kéo theo đó là hàng trăm lao động phải chuyển sang lĩnh vực khác, trong đó có cả lao động tay nghề cao. Đây đang là nỗi lo hiện hữu của các doanh nghiệp du lịch khi hoạt động du lịch dần được khôi phục.

Khi lao động du lịch bỏ nghề

Thực tế, dịch bệnh Covid-19 khiến ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất. Hoạt động du lịch mới hồi phục vào cuối tháng 4, “cú đấm bồi” có diễn biến phức tạp vào hồi cuối tháng 7/2020, khiến nhiều doanh nghiệp đang lao đao bởi đợt dịch lần thứ nhất trở nên kiệt quệ. Kéo theo đó, nguồn lực lao động trong lĩnh vực du lịch cũng bị cắt giảm đáng kể, thậm chí một lượng lớn lao động tay nghề cao đã chủ động xin nghỉ việc để chuyển sang lĩnh vực khác như: buôn bán, kinh doanh tự do, bất động sản, tư vấn bảo hiểm...

Anh Nguyễn Minh Hiệu (30 tuổi), đã có gần 10 năm hoạt động trong nghề du lịch, là 1 trong 3 hướng dẫn viên tại Thanh Hoá đã được xếp hạng 3 sao. Trong thời gian qua, anh làm nhân viên kinh doanh cho một đơn vị lữ hành nổi tiếng trên địa bàn TP Thanh Hóa. Gần 1 năm qua, do dịch Covid-19, du lịch bị ảnh hưởng trầm trọng, nên anh Hiệu và những người lao động làm trong lĩnh vực du lịch ở Thanh Hóa đã phải xoay xở chuyển đổi sang ngành nghề khác. Anh cho biết, bản thân là lao động chính trong gia đình, do đó với mức lương hỗ trợ của công ty du lịch không thể đảm bảo cho cuộc sống gia đình với 2 đứa con nhỏ. Trong thời gian chờ hoạt động du lịch ổn định trở lại, anh đã chuyển hướng sang kinh doanh và hiện tại đang làm tư vấn viên cho một hãng bảo hiểm nhân thọ.

Sự sụt giảm lượng khách của lĩnh vực lữ hành cũng đẩy các dịch vụ kèm theo như lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí... rơi vào cảnh khốn đốn. Để giải quyết tình thế, các doanh nghiệp lớn buộc phải điều tiết nguồn nhân lực một cách hợp lý, thực hiện chế độ cắt giảm giờ làm, làm việc luân phiên, khuyến khích nhân viên nghỉ phép... Số doanh nghiệp nhỏ gần như tạm ngừng hoạt động. Còn người lao động, nếu trông chờ vào mức lương hỗ trợ của doanh nghiệp sẽ không đủ trang trải cuộc sống, nhiều người trong số họ buộc phải nghỉ việc để chuyển sang làm lĩnh vực khác.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch (HHDL) Thanh Hóa, hai đợt dịch vừa qua đã khiến các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh gần như kiệt quệ. Từ đầu năm đến nay rất nhiều hướng dẫn viên, lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, thậm chí là những lao động lâu năm, có kinh nghiệm đã “tự nguyện” chuyển nghề. Thực trạng này báo động nguy cơ cao, khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch hoạt động bình thường sẽ khó có đủ nguồn nhân lực chất lượng để đáp ứng. Việc giữ nguồn nhân lực đã khó, việc thu hút và đào tạo trở lại càng khó khăn hơn khi lao động đã chuyển hẳn sang lĩnh vực khác.

Việc giữ được nguồn nhân lực chất lượng trong thời gian qua là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp du lịch.

Cần đưa ra nhiều giải pháp thuyết phục

Theo ông Trần Đình Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực HHDL Thanh Hóa: Thực tế để thu hút lại nguồn nhân lực du lịch chất lượng quay trở lại làm việc rất khó, song cũng không hẳn là không có giải pháp. Nếu giải quyết ngay trong giai đoạn này các doanh nghiệp sẽ còn có cơ hội để thu hút lại nguồn lực. Vấn đề đặt ra là cần có chính sách thu hút trở lại một cách phù hợp. Doanh nghiệp nên tạo điều kiện bố trí cho nhân viên quay trở lại làm đúng chuyên môn, với mức lương ưu đãi, chứ không phải mức lương khởi điểm như tuyển lao động mới. Đồng thời HHDL sẽ phối hợp với các chuyên gia, các trường đào tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người lao động trong thời gian tới.

Nhiều đề xuất đã được các doanh nghiệp du lịch đưa ra để có thể giảm bớt khó khăn như: cho vay lãi suất ưu đãi để trả lương cho nhân viên; cho doanh nghiệp lữ hành vay lại số tiền đóng tiền ký quỹ ban đầu (theo quy định, doanh nghiệp lữ hành khai thác tour nội địa sẽ phải ký quỹ 100 triệu đồng; doanh nghiệp khai thác tour nước ngoài, đón khách quốc tế đến Việt Nam ký quỹ 500 triệu đồng). Nếu được vay lại khoản tiền này các đơn vị lữ hành sẽ giải quyết được phần nào khó khăn; gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế VAT, giảm giá điện bán lẻ cho ngành sản xuất đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú... Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo lại, đào tạo bổ sung đối với nguồn nhân lực bị thiếu hụt.

Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để giảm được khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp, trong khi đó có thể thu hút trở lại nguồn nhân lực có chất lượng, có kinh nghiệm lĩnh vực dịch vụ du lịch. Theo các chuyên gia du lịch, những định hướng, chính sách hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp sẽ giúp du lịch vượt qua cơn khủng hoảng, để từ đó, các doanh nghiệp có thể giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao và khôi phục các hoạt động như trước khi chưa có dịch. Tuy nhiên, các chính sách cần được triển khai đồng bộ và kịp thời để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch nhanh chóng khôi phục lại các hoạt động, và trước tiên là tham gia vào chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm với chủ đề “Du lịch Thanh Hoá - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]