(vhds.baothanhhoa.vn) - Hiện nay, mặc dù các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu mở cửa đón khách, nhu cầu đi du lịch của người dân chưa cao. Song, nhiều đơn vị lữ hành đã chuẩn bị khai thác thị trường trở lại, bước đầu tập trung khai thác thị trường du lịch nội địa và dịch vụ bán lẻ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Doanh nghiệp lữ hành: Từng bước khai thác thị trường trở lại

Hiện nay, mặc dù các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu mở cửa đón khách, nhu cầu đi du lịch của người dân chưa cao. Song, nhiều đơn vị lữ hành đã chuẩn bị khai thác thị trường trở lại, bước đầu tập trung khai thác thị trường du lịch nội địa và dịch vụ bán lẻ.

Tập trung khai thác dịch vụ lẻ, du lịch nội địa

Cuối tháng 4 vừa qua, Thanh Hóa đã chính thức mở cửa đón khách trở lại tại tất cả các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh, Thanh Hoá xác định từng bước khôi phục hiệu quả hoạt động du lịch, tạo tâm lý an toàn cho du khách. Trong đó, trước mắt tập trung khai thác thị trường nội địa. Đây là quyết định được nhiều doanh nghiệp du lịch đồng tình ủng hộ. Các doanh nghiệp du lịch đã nhanh chóng triển khai nhiều sản phẩm để có thể hồi phục ngay khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Đối với Vietravel chi nhánh Thanh Hoá, mặc dù ở thời điểm hiện tại chưa thể xây dựng kế hoạch cụ thể cũng như chiến lược khai thác thị trường dài hơi. Tuy nhiên, khi nới lỏng giãn cách xã hội, Vietravel đã tập trung bán dịch vụ lẻ, khai thác dòng tour nội địa ngắn ngày và phân khúc khách hàng sử dụng dịch vụ 3 sao trở lên.

Lý giải về điều này, ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Thanh Hoá cho rằng, ở thời điểm tâm lý khách hàng vẫn còn khá e dè, thêm vào đó một số dịch vụ vẫn chưa trở lại hoạt động bình thường. Do đó, đối tượng khách hàng có nhu cầu đi du lịch trong thời điểm hiện tại hướng đến các dòng sản phẩm tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn và tiện ích. Riêng phân khúc khách hàng bình dân còn rất hạn chế.

Một số hãng lữ hành phân tích, đây là thời điểm du khách có nhu cầu cho các sản phẩm du lịch cá nhân, du lịch tự túc, với các nhóm khách lẻ, khách gia đình thay vì các hoạt động tour, tụ tập đông người... Chính vì vậy, khi xác định khởi động trở lại, nhiều đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh cũng đã lựa chọn các giải pháp an toàn, tập trung khai thác thị trường du lịch nội tỉnh, nội địa cũng như tìm kiếm khách hàng cho các dịch vụ lẻ như: đặt phòng lưu trú, ăn uống, dịch vụ nghỉ dưỡng...

Theo ông Nguyễn Hồng Dương - Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Tây Nguyên (TP Thanh Hoá), với tình hình hiện tại các đơn vị lữ hành xác định chỉ khai thác được thị trường du lịch nội tỉnh và một số điểm đến trong nước. Hiện tại, đơn vị đã triển khai xây dựng kế hoạch chia nhóm khách để khai thác thị trường. Theo đó, đối với nhóm khách khu vực thành phố, sẽ hướng đến các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch trải nghiệm tại khu vực miền Tây xứ Thanh như: bản Ngàm, bản Chanh (Quan Sơn); bản Năng Cát, thác Ma Hao (Lang Chánh); bản Đôn, bản Báng, Son Bá Mười (Bá Thước); VQG Bến En (Như Thanh)... Đối với khách ở các huyện, sẽ hướng đến dòng sản phẩm du lịch biển, tham quan các trung tâm mua sắm... Ngoài ra, dòng khách học sinh, sinh viên sẽ hướng đến tham quan di tích, trải nghiệm nội tỉnh trong ngày với mức giá rẻ. Mặt khác, công ty vẫn hỗ trợ khách hàng truyền thống đặt các dịch vụ du lịch cần thiết tại các điểm đến trong và ngoài tỉnh nếu khách hàng có nhu cầu.

Không chỉ các đơn vị lữ hành quốc tế, các đơn vị lữ hành nội địa trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực tìm nhiều biện pháp vượt khó như: bán tour online, tìm kiếm và xây dựng sản phẩm mới, chăm sóc khách hàng, tham gia liên minh kích cầu du lịch để khảo sát, chào bán các sản phẩm du lịch nội địa trong thời gian tới.

Các đơn vị lữ hành bắt đầu khai thác thị trường du lịch nội địa trở lại.

Cần có sự định hướng

Đại diện một số doanh nghiệp lữ hành cho biết, thời điểm hiện tại hầu hết nhân viên vẫn tiếp tục làm việc trực tuyến, chăm sóc, hỗ trợ khách hàng thân thiết qua online hoặc gọi điện thoại... Đồng thời nắm bắt thông tin và theo dõi sát các chủ trương, chính sách của Trung ương cũng như của tỉnh để có những quyết định phù hợp. Hiện tại, mỗi đơn vị nhìn nhận tương lai theo một hướng và chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, các đơn vị lữ hành đều cho rằng, ở thời điểm hiện tại Thanh Hoá là một trong những điểm đến đảm bảo các tiêu chí an toàn, hấp dẫn, có thể tập trung khai thác thị trường khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, làm như thế nào để thực sự hiệu quả và phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình hiện nay, rất cần có sự định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đại diện Vietravel chi nhánh Thanh Hoá, trước đó (cuối tháng 2/2020) Sở VH,TT&DL đã tổ chức họp bàn các giải pháp phục hồi du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhận được sự ủng hộ và vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Mặc dù không lâu sau đó chương trình kích cầu không thể thực hiện được do diễn biến mới phức tạp của dịch bệnh vào đầu tháng 3. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, không chỉ riêng Vietravel mà nhiều đơn vị khác vẫn tiếp tục sẵn sàng vào cuộc để khởi động lại chương trình kích cầu du lịch, trước mắt là tập trung cho các sản phẩm du lịch nội địa, thu hút khách về Thanh Hoá. Và điều cần thiết lúc này đó là có sự định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó cần sớm tổ chức họp bàn về kế hoạch trong thời gian tới, để từ đó các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là các đơn vị lữ hành tìm được hướng đi cụ thể, phù hợp trong tình hình hiện tại.

Có thể nói, mặc dù đến thời điểm hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp chưa đưa ra một kế hoạch hay phương án thống nhất nhằm khai thác, kích cầu trở lại các hoạt động du lịch. Tuy nhiên, ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Văn bản số 5359 ngày 29/4/2020 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ, Sở VH,TT&DL cũng đã có Văn bản số 1313 ngày 29/4/2020 gửi các địa phương, BQL các khu, điểm du lịch, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh về việc đảm bảo các điều kiện an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong đó, yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành cần phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ để đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn khi cung cấp dịch vụ cho khách; tìm hiểu nắm rõ thông tin điểm đến và khuyến cáo du khách các biện pháp bảo vệ sức khoẻ; quán triệt hướng dẫn viên chủ động hướng dẫn khách thực hiện các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch; không tổ chức đón khách hoặc tổ chức cho khách đi du lịch đến vùng có dịch hoặc đến các khu, điểm chưa được phép mở cửa đón khách; lập đầy đủ danh sách đoàn, đảm bảo không có khách đến từ vùng có dịch hoặc đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao theo khuyến cáo của Bộ Y tế...

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]