(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong phiên chợ bán các loại lâm đặc sản độc đáo như chuột, sóc rừng, chuột rừng phơi khô, cá nướng cùng các loại đặc sản cây trên rừng, cho đến cả bẫy chim, thú...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Độc đáo phiên chợ Nậm Xôi

(VH&ĐS) Trong phiên chợ bán các loại lâm đặc sản độc đáo như chuột, sóc rừng, chuột rừng phơi khô, cá nướng cùng các loại đặc sản cây trên rừng, cho đến cả bẫy chim, thú...

“Nơi con sông Luồng chảy vào đất Việt”

Chiều thứ 6, từ TP Thanh Hóa vượt qua gần 200 km đường đèo dốc, chúng tôi có mặt tại Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, thuộc bản Na Mèo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn. Chọn một nhà nghỉ bình dân ở lại qua đêm, chúng tôi lên kế hoạch cho buổi đi chợ phiên Nậm Xôi vào ngày hôm sau.

Sáng thứ 7, ở bên này đường biên có chợ phiên Na Mèo, còn phía bên nước bạn có chợ phiên Nậm Xôi. Do cùng được tổ chức chỉ vào một buổi duy nhất trong tuần nên hai phiên chợ đã tạo điều kiện cho việc giao lưu hàng hóa giữa người dân hai bên biên giới.

Đợi chúng tôi trước cửa Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, anh bạn người dân tộc Thái Ngân Văn Thao ở bản Na Mèo, có khuôn mặt đỏ hồng hào, giục giã: “Đi nhanh lên thôi, bên Lào họp sớm lắm, không nhanh là hết chợ mất”.

Thao giơ tay xin phép một chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ở Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo cho sang phía bên kia biên giới để đi chợ Lào, rồi vui vẻ cho hay: “Hôm nay thứ 7 có phiên chợ Na Mèo và chợ Nậm Xôi nên các chú bộ đội mới cho qua đó. Người Lào sang bên nước mình và người nước mình sang Lào để buôn bán, chứ ngày thường các chú không cho đi qua đâu”.

Theo sự chỉ dẫn của Thao, chúng tôi đi qua con suối Nậm Xôi. Vừa đi, Thao vừa hát chế: “Anh ở biên cương, nơi con sông Luồng chảy vào đất Việt”. Lý giải cho câu hát trên, Thao vui vẻ cho biết: “Suối Nậm Xôi và suối Pùn bắt nguồn từ bên Lào, khi sang biên giới Việt Nam đến địa phận xã Na Mèo hai dòng suối trên hợp nhất hòa vào nhau tạo thành con sông Luồng. Sông Luồng chảy dọc huyện Quan Sơn rồi sang huyện Quan Hóa hòa vào dòng sông Mã để về xuôi”.

Nét đẹp chợ phiên Nậm Xôi

Chợ phiên Nậm Xôi thuộc bản Đơi, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn. Chợ không xây dựng kiên cố mà chỉ là những lều vải được dựng lên trên một bãi đất trống để sau một ngày họp chợ có thể tháo dỡ dễ dàng. Người đi chợ là bà con đồng bào ở huyện Viêng Xay và cả người Việt sang buôn bán. Ngoài những vật dụng thông thường như quần, áo, giầy, dép hàng hóa ở đây còn có các loại nông, lâm sản được lấy từ rừng. Chợ Nậm Xôi không có chuyện mặc cả, trả giá như những phiên chợ khác, cũng không có tình trạng tranh giành, níu kéo khách mua. Đặc biệt nhất trong chợ phiên này là có sự giao thương hàng hóa giữa người dân hai nước và cùng lúc tồn tại hai loại tiền Việt - Lào được lưu thông.

Chợ phiên Nậm Xôi mang đậm nét văn hóa Lào.

Theo sự chỉ dẫn của Thao, chúng tôi đến một góc chợ Nậm Xôi nơi có bán các mặt hàng như thịt lợn rừng, chuột, sóc rừng, rồi cá nướng, nhái nướng, chuột nướng... Đây là những mặt hàng không thể thiếu và được du khách mua nhiều nhất. Một góc khác của chợ lại bày bán nhiều loại rau ngót rừng, cải rừng, rồi đến các loại măng rừng, măng đắng, măng khô. Rồi các loại thổ cẩm của người Thái, Mông, Lào được bày bán khá nhiều đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu, một không gian nhộn nhịp bán mua ở vùng biên giới.

Chúng tôi gặp khá nhiều người Việt sang bán hàng ở chợ Nậm Xôi. Họ bán chủ yếu là các mặt hàng nông sản mây tre đan mỹ nghệ. Chị Vi Thị Xia quê ở xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn chia sẻ: “Cứ đến phiên chợ này là mình sang đây bán rổ, rá được đan từ tre, nứa. Cuối buổi chợ mình lại tranh thủ mua một ít mặt hàng tại đây rồi mang về nhà bán”.

Vào khu vực khác theo cách nói của Thao “là thương hiệu của chợ Lào” đó là những quán ăn, khu ẩm thực mang đậm phong cách của Lào, chúng tôi quyết định chọn quán ăn của chị Xu Li Văn Phôm My Xay. Trong quán ăn của tiểu thương người Lào này có khá nhiều thực khách là người Việt. Do tiếng Thái và tiếng Lào có cùng chung ngữ hệ, tiếng nói khá giống nhau nên những người Thái như anh Thao có thể giao tiếp thông thường được với người Lào. Thao nói: “Sang chợ Lào mà chưa ăn phở Lào, ăn láp Lào, ăn thịt nướng của Lào, uống rượu, bia Lào là xem như chưa sang Lào”.

Các sản vật độc đáo được bán ở chợ phiên Nậm Xôi.

Món ăn đầu tiên như Thao giới thiệu: “Chỉ Lào mới có” và được Thao gọi ra là món láp Lào (một dạng như món gỏi bên Việt). Món ăn gồm các loại thịt, ruột, dạ dày, sách bò đã được chế biến cầu kỳ rồi đem trộn lẫn với ớt tươi, hạt dổi rừng, hạt mắc khẽn và nước của một số loại cây trên rừng. Món láp bò được quấn với các lại rau xanh rồi chấm với nước chẻo được cho khá nhiều ớt. Sau khi thưởng thức món láp bò cay xè chảy nước mắt, chúng tôi được Thao cho biết: “Món ăn ở Lào, món nào họ cũng cho ớt vào. Nào là ớt xào, ớt tươi rồi cho đến ớt nướng được vùi trong bếp than”.

Chia tay chợ phiên Nậm Xôi, trên đường trở về Việt Nam chúng tôi bắt gặp những người dân Lào với khuôn mặt vui tươi, rộn ràng đang trên đường trở về từ chợ phiên Na Mèo. Bởi sang Việt Nam, đến với chợ phiên Na Mèo người dân Lào lại gặp một phiên chợ độc đáo của nước Việt.

Hai phiên chợ một tình đoàn kết

Chợ Na Mèo ra đời từ cuối những năm 80, ban đầu chỉ là 1 khu chợ nhỏ lẻ, nơi trao đổi nông lâm sản của đồng bào dân tộc Thái, Mông ở trong xã Na Mèo. Cho đến năm 1999, khi chợ nâng cấp, xây dựng thành khu chợ kiên cố, khang trang và đến năm 2004 khi Cửa khẩu Na Mèo được nâng cấp lên thành Cửa khẩu Quốc tế thì chợ Na Mèo ngày càng nhộn nhịp hơn, hàng hóa phong phú hơn, lượng người giao thương cũng ngày một nhiều hơn. Cũng như phiên chợ Nậm Xôi, trong phiên chợ Na Mèo, có hai loại tiền cùng được lưu hành là Việt Nam đồng và Kíp Lào.

Một góc chợ phiên Na Mèo.

Người Việt, người Lào đi chợ Nậm Xôi hay Na Mèo có thể không biết tiếng của nhau, nhưng khi giao thương hàng hóa chỉ cần ra dấu hiệu bằng tay thì cả hai bên đều biết. Phiên chợ Na Mèo, cũng không có việc mặc cả, trả giá.

Vào sáng thứ 7 hàng tuần, từng đoàn người từ các bản làng xa xôi của hai nước Việt - Lào háo hức đổ về chợ phiên Nậm Xôi, Na Mèo. Lúc này mới thấy hết sức hút của cả hai phiên chợ.Trong số những người tham gia chợ phiên, ngoài mục đích mua, bán, nhiều người đến với chợ như một thói quen khó bỏ, dù hàng hóa mang về có khi chỉ là một mớ rau, vài lạng thịt bò, hoặc một xâu chuột nướng.

Chính vì vậy chợ Na Mèo, Nậm Xôi đã gắn kết tình cảm thiêng liêng của đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới hai huyện Quan Sơn - Viêng Xay. Thông qua hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân hai bên biên giới đã làm thúc đẩy kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí được cải thiện.

Phiên chợ Na Mèo, Nậm Xôi không đơn thuần chỉ là nơi mua, bán trao đổi hàng hóa mà còn là nơi chứa đựng nét đẹp văn hóa của người dân hai nước. Đó còn là nơi để hẹn hò gặp gỡ, kết bạn, tăng cường sự đoàn kết hữu nghị giữa người dân hai bên biên giới, của hai huyện, hai tỉnh và hai nước Việt - Lào.

Lô Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]