(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, các công cụ trực tuyến tác động tích cực tới hoạt động du lịch và gia tăng tiện ích cho du khách, như mua vé, đặt phòng, dịch vụ... Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề đang đòi hỏi du lịch xứ Thanh phải chủ động bắt kịp để tạo ra những bước phát triển đột phá trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch thông minh bước đầu tiếp cận du khách

Thời gian gần đây, các công cụ trực tuyến tác động tích cực tới hoạt động du lịch và gia tăng tiện ích cho du khách, như mua vé, đặt phòng, dịch vụ... Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề đang đòi hỏi du lịch xứ Thanh phải chủ động bắt kịp để tạo ra những bước phát triển đột phá trong thời gian tới.

Nhu cầu giao dịch trực tuyến ngày càng cao

Theo Tổ chức Du lịch thế giới, hiện nay, khách du lịch đã bước sang một giai đoạn mới gọi là du lịch kết nối. Trong đó, khách du lịch chủ động tìm kiếm điểm đến, tìm tour, khách sạn, đặt vé máy bay và các dịch vụ liên quan. Khách cũng chủ động đăng bình luận, đánh giá về khách sạn, tour, chất lượng dịch vụ trong hành trình.

Anh Nguyễn Quang Hưng (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) cho biết: "Với cuộc sống bận rộn và hiện đại như hiện nay, nhu cầu xử lý một số hoạt động qua Smartphone ngày càng tăng, trong đó có du lịch. Bằng việc giao dịch trực tuyến tại các kênh bán hàng Online uy tín như Traveloka, agoda, booking... chúng tôi tiết kiệm khá nhiều thời gian. Bởi chỉ cần thông qua một vài lần click là có thể hoàn tất hành trình tour, thanh toán bằng thẻ qua internet"...

Thực tế, tại một số khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đón một lượng lớn khách du lịch thông qua giao dịch trực tuyến. Nếu như không kể đến các đơn vị lữ hành lớn như Vietravel, Vietrantour, Đại Dương, hay những cơ sở lưu trú như: Mường Thanh, Vipearl, Central... thì những điểm du lịch cộng đồng như: bản Đôn, bản Hiêu, Kho Mường (Bá Thước) cũng đã bắt kịp với xu thế giao dịch trực tuyến. Phần lớn khách du lịch đặt phòng và dịch vụ ở những khu, điểm này đã thông qua các kênh bán hàng Online.

Bà Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Đại Dương (TP Thanh Hóa) cho biết: "Năm 2017, khi chúng tôi mới bắt đầu công cuộc kinh doanh dịch vụ du lịch trực tuyến, con số nhận được khá khiêm tốn. Tuy nhiên, đến nay kết quả đã thay đổi rõ rệt. Hiện nay lượng khách chúng tôi tiếp cận thông qua hoạt động kinh doanh này chiếm 30% tổng doanh thu, trong đó tập trung là đối tượng nhóm khách lẻ, khách nước ngoài".

Không chỉ có các đơn vị lữ hành, đa số khách sạn kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao đã tham gia vào hệ thống Online của các đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài như như: Agoda.com, booking.com, Traveloka.com... Đây là những kênh giới thiệu sản phẩm với hình thức và nội dung phong phú nhất, cộng thêm việc triển khai thanh toán trực tuyến nên tỷ lệ giao dịch thành công cao.

Đại diện khách sạn Vinpearl (Thanh Hóa) cho biết: "Ngay sau khi đi vào hoạt động chúng tôi đã tích cực đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh, đặc biệt đối với kênh bán hàng như: OTA (Online Travel Agent), agoda.com, mytour.vn, booking.com... Đây là hướng đi sẽ được tiếp tục đầu tư vào thời gian tới, bởi lẽ hiệu quả nó đã đem lại lượng khách hàng không hề nhỏ cho đơn vị".

Tuy nhiên, đại diện Vinpearl (Thanh Hóa) cũng cho rằng, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để giúp du khách tiếp cận với du lịch thông minh, nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác một cách mạnh mẽ, bởi đây vẫn là cuộc chơi đầy thử thách với các doanh nghiệp du lịch đa phần là nhỏ và vừa trên địa bàn.

Nhiều đơn vị lữ hành đã tích cực tham gia các kênh bán hàng trực tuyến để tiếp cận khách du lịch.

Bắt kịp xu thế để tạo nên sự bứt phá

Thực tế hoạt động du lịch thông minh tại Thanh Hóa mới chỉ dừng lại ở những ứng dụng ban đầu trên nền tảng sẵn có. Đối với việc tìm kiếm thông tin du lịch Thanh Hóa thông qua website, fan page thì du khách chỉ tiếp cận được một lượng thông tin rất sơ sài từ một số trang thông tin điện tử của một vài đơn vị kinh doanh lữ hành. Ngoài ra, những trang web quảng bá du lịch Thanh Hóa như: thanhhoatourism.gov.vn, svhttdl.thanhhoa.gov.vn... thì thông tin còn khá hạn chế, chủ yếu đều trích nguồn từ một số trang thông tin điện tử tổng hợp, báo điện tử; chưa có song ngữ Việt - Anh. Đặc biệt là chưa có các tính năng tương tác trực tuyến hay ứng cứu khi gặp sự cố. Trong khi đó, ngay ở tỉnh lân cận Ninh Bình, đã bắt đầu chuyển hướng đưa các giải pháp thúc đẩy hoạt động du lịch thông minh vào khai thác. Bằng cách cung cấp cho du khách ứng dụng và có thể dễ dàng tương tác trên các loại Smartphone với một kho thông tin chuẩn xác. Giải pháp này được các địa phương đánh giá là góp phần làm tăng hiệu quả quản lý, kênh quảng bá du lịch tới thị trường quốc tế hiệu quả với chi phí thấp nhất.

Được biết, Luật Du lịch năm 2017 có điều khoản quy định cơ quan quản lý về du lịch phải có nhiệm vụ hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh.

Nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về du lịch, đồng thời tạo thuận lợi cho các bên khi có nhu cầu thông tin về du lịch Thanh Hóa, Sở VH,TT&DL đã trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý các hoạt động du lịch”. Nội dung của dự án bao gồm: Xây dựng hệ thống thông tin, phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh lữ hành và số hóa cơ sở dữ liệu du lịch Thanh Hóa; xây dựng website du lịch thông minh tích hợp công nghệ trải nghiệm thực tế ảo, đặt vé trực tuyến, quản lý vé bằng mã QR và bản đồ số du lịch trên thiết bị di động, đầu tư lắp đặt hệ thống kiosk (trạm thông tin du lịch tự động) tại các khu du lịch trọng điểm; đầu tư hệ thống wifi phủ sóng diện rộng, kết nối internet tại các khu du lịch trọng điểm.

Cùng với đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1505/QĐ-UBND, ngày 26/4/2018 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển một số sản phẩm công nghệ thông tin mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, phần mềm ứng dụng CNTT phục vụ du lịch Thanh Hóa được xếp vào nhóm các sản phẩm phần mềm thương mại điện tử, kết nối cung cầu.

Theo các chuyên gia, du lịch và CNTT là hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt nhưng có mục tiêu chung là phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp du lịch và quảng bá du lịch. Nên chăng, đã đến lúc Thanh Hóa cần sớm bắt tay vào thực hiện những giải pháp cụ thể, dựa vào sự tối ưu của công nghệ nhằm đem tới đa dạng công cụ tìm kiếm tiện ích cho du khách, qua đó góp phần quảng bá và hướng tới sự phát triển đột phá trong lĩnh vực du lịch.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]