Dốc “cổng trời” nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Khi đặt chân đến đây, bạn như vỡ òa trước trời mây gió. Nằm ẩn mình bên những dãy núi trải dài tít tắp là mái nhà sàn ẩn hiện trong làn sương trắng tinh khôi. Khung cảnh ấy tạo nên cảm giác yên bình, giúp bạn thoát khỏi những bộn bề của cuộc sống thường ngày.

Dốc “cổng trời” là nơi gặp gỡ của hai dãy núi có hình yên ngựa. Phía Đông, từ xã Hiền Kiệt (Quan Hóa) ngược lên chúng ta bắt gặp một dãy núi sừng sững trước mắt. Phía Tây là máng đá khổng lồ, trải dài hàng chục cây số từ sông Mã phía bản Cò Cài ngược lên bị dãy núi của nước bạn Lào, sau lưng là bản Táo, xã Trung Lý (Mường Lát) chặn lại. Hai dãy núi gặp nhau tạo thành hình yên ngựa, có độ cao 1.150m so với mực nước biển. Dốc “cổng trời” được đồng bào Thái gọi là Pu Noọc Coọc (nghĩa là đèo Phượng Hoàng).

Để giữ gìn nét đẹp văn hóa bản địa, huyện Mường Lát đã và đang quan tâm, đầu tư khôi phục những lễ hội truyền thống có nguy cơ mai một, như: Lễ Xên bản (đồng bào Khơ Mú); lễ hội tết, lễ cưới (đồng bào Mông); lễ Cấp Sắc (đồng bào Dao); lễ Xên Mường (dân tộc Thái); lễ Hạn Khuông, Lồng Tông, cầu mưa, mừng lúa mới; nghi lễ trong đám cưới (dân tộc Dao)... Ngoài ra, hàng năm huyện còn  tổ chức các hội thi nhằm duy trì một số lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian, các loại đạo cụ dân tộc, ẩm thực, như đánh cù Mông, chọi cù Thái, tó lẹ, kéo co, ném còn; các loại nhạc cụ: khèn môi, sáo, trống của đồng bào Mông; khèn bè, sáo, trống của đồng bào Thái; trống, chiêng, khay gõ đôi, chuông múa của đồng bào Dao…

Trong những năm qua, tỉnh và huyện Mường Lát đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào nơi đây, từ việc ổn định dân cư, khơi dậy tinh thần làm chủ, ý thức tự lực, tự cường của Nhân dân. Tiếp đến là đầu tư phát triển sản xuất, hướng dẫn đồng bào kiến thiết nương rẫy, khai hoang ruộng lúa nước và đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào; tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng thôn bản văn hóa mới... Đến nay, huyện Mường Lát có 17/77 bản được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 20%; tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 giảm còn 56%, hộ cận nghèo trên 12%; thu nhập bình quân đầu người đạt 20,6 triệu đồng/năm.

Trong giai đoạn 2021-2025 huyện Mường Lát phấn đấu có 2 xã  Mường Chanh, Quang Chiểu và thêm 45 bản đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo bình quân ở mức 31%.

Nội dung & Ảnh: Xuân Minh

Đồ họa: Mai Huyền