(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, trong những năm gần đây việc tăng cường liên kết giữa các trường đào tạo chuyên ngành du lịch trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp ngày càng được chú trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gắn kết nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, trong những năm gần đây việc tăng cường liên kết giữa các trường đào tạo chuyên ngành du lịch trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp ngày càng được chú trọng.

Tạo nên sự nhất quán trong việc đào tạo gắn với thực tiễn

Thống kê của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có gần 30 nghìn lao động đang phục vụ trong lĩnh vực du lịch. Trong đó có gần 80% đãqua đào tạo. Tuy nhiên, số lượng nhân lực chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được tập huấn nghiệp vụ, huấn luyện tại chỗ vẫn còn khá nhiều.

Bà Nguyễn Thị Kim Khánh - Giám đốc đào tạo nguồn nhân lực, Công ty Cổ phần Vinpearl cho biết, Thanh Hóa là một trong những địa phương có nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch khá lớn, được tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng trong việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ này. Tuy nhiên, trên thực tế, khi doanh nghiệp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động thì nhiều sinh viên du lịch vẫn không tìm được việc làm. Một số khác, tuy được tuyển dụng nhưng không đáp ứng tốt công việc nên cần phải được đào tạo lại. Như vậy, giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch vẫn có những khoảng cách. Do đó, việc gắn kết chặt chẽ giữa các trường đào tạo chuyên ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch là rất cần thiết nhằm đảo bảo chất lượng nguồn nhân lực du lịch cũng như tạo sự thống nhất giữa đào tạo và thực tiễn.

Việc gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp sinh viên có cơ hội thực hành tại môi trường thuận lợi nhất.

Theo các chuyên gia du lịch, nguyên nhân chính của thực trạng này chính là sự thiếu cân xứng giữa lý thuyết và thực hành trong chương trình đào tạo của nhà trường. Để giải quyết vấn đề này, việc đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là một trong những giải pháp cần thiết. Bởi với sinh viên, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp họ có cơ hội lựa chọn địa điểm thực tập phù hợp, từ đó phát triển kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường thực tế, đồng thời có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Với nhà trường, việc hợp tác giúp nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm đầu ra cho người học, qua đó tăng cường vị thế, uy tín của nhà trường. Về phía doanh nghiệp, đây là cơ hội để tuyển người lao động có năng lực phù hợp yêu cầu thực tế mà không tốn chi phí tuyển dụng và thời gian thử việc cũng như đào tạo lại nhân lực sau tốt nghiệp.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong phát triển du lịch, những năm gần đây, Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời chú trọng đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, chú trọng việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch.

Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa - một trong những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch hàng đầu của tỉnh, những năm gần đây đã có nhiều cải tiến, đột phá trong công tác giảng dạy và học tập. Sinh viên các khoa: Du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành được đào tạo theo hướng mở, chú trọng vấn đề thực hành, đặc biệt là thực hành tại các doanh nghiệp theo đúng chuyên ngành của mình, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu công việc. Tuy nhiên, trên thực tế, việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực giữa trường đại học VH,TT&DL với doanh nghiệp du lịch đến nay vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế.

TS. Vũ Văn Tuyến - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa cho biết, có thể nói việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch trong thời gian gần đây đã mở ra giải pháp cho công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch của nhà trường cũng như các cơ sở đào tạo du lịch trong cả nước. Trong đó, yếu tố then chốt được cho là sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Theo đó, nhà trường đã ký kết xây dựng hệ thống doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo, đảm bảo 100% sinh viên trong quá trình học tập tại nhà trường đều được tham gia thực hành tại các doanh nghiệp theo ngành học của mình. Đặc biệt, trong năm học này nhà trường sẽ đổi mới phương pháp dạy học theo hướng 50% lý thuyết và 50% thực hành.

Cũng theo ông Tuyến, trong thời gian tới giữa nhà trường và doanh nghiệp nên mở rộng nhiều hình thức hợp tác để tăng cường chất lượng đào tạo. Đối với doanh nghiệp, có thể cùng tham gia đào tạo bằng cách đánh giá, phản biện nội dung chương trình để nhà trường cải tiến, chỉnh sửa phù hợp thực tế; cử các cán bộ doanh nghiệp có kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trong giờ học ngoại khóa tại nhà trường hoặc doanh nghiệp... Về phía nhà trường, sẽ chủ động cập nhật, đổi mới chương trình theo hướng linh hoạt trên cơ sở đáp ứng chuẩn đầu ra phù hợp yêu cầu doanh nghiệp; có kế hoạch cụ thể trong việc mời đại diện doanh nghiệp hợp tác trong đào tạo, trong đó phải thắt chặt mối quan hệ với các cựu sinh viên, bởi đây là kênh kết nối hữu hiệu giữa nhà trường và doanh nghiệp... Có như vậy, việc liên kết trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa nhà trường và doanh nghiệp mới có thể mang lại hiệu quả cao.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]