(vhds.baothanhhoa.vn) - Bảo tàng được xác định là một dạng tài nguyên du lịch nhân văn đặc biệt. Sự gắn kết bảo tàng với du lịch là sự khẳng định vai trò của bảo tàng đối với du lịch. Ngược lại, du lịch là con đường để gìn giữ, đưa các giá trị văn hóa, lịch sử ở bảo tàng đến gần hơn với người dân và du khách gần xa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hướng đi nào cho du lịch bảo tàng? (Bài cuối): Đưa bảo tàng đến... du khách

Bảo tàng được xác định là một dạng tài nguyên du lịch nhân văn đặc biệt. Sự gắn kết bảo tàng với du lịch là sự khẳng định vai trò của bảo tàng đối với du lịch. Ngược lại, du lịch là con đường để gìn giữ, đưa các giá trị văn hóa, lịch sử ở bảo tàng đến gần hơn với người dân và du khách gần xa.

Các hoạt động của bảo tàng cần giúp cho công chúng tiếp cận lịch sử dưới mọi hình thức.

Mới đây Bộ VH,TT&DL đã phê duyệt đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2019 - 2021”. Mục tiêu của đề án là tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động trong quá trình tổ chức hoạt động để các bảo tàng bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội, thực sự trở thành trung tâm giáo dục thường xuyên về truyền thống yêu nước, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc... góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và phát triển du lịch.

Cũng theo đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2019 - 2021”, nhiều giải pháp được đưa ra như: cải tạo, chỉnh trang khu trưng bày ngoài trời các bảo tàng đảm bảo mỹ quan; đa dạng hóa các hình thức giáo dục, trải nghiệm, trình diễn, giới thiệu liên quan đến hoạt động của bảo tàng... Bên cạnh đó cần có giải pháp để đổi mới, mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Rõ ràng, để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ đề án trước hết phải khắc phục tình trạng trùng lặp, sự khô cứng, thiếu hấp dẫn của cách trưng bày giữa các bảo tàng.

Ông Trịnh Đình Dương - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: “Hiện nay việc bảo tàng khó thu hút được du khách diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Đối với Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, thực trạng cơ sở vật chất, hạ tầng chưa thể phục vụ tốt cho hoạt động du lịch. Bởi, việc đổi mới công tác trưng bày cần được đi đôi với đảm bảo về điều kiện hạ tầng, đáp ứng công năng để phục vụ du khách. Cần phải có đủ các điều kiện về công nghệ, đổi mới cách trưng bày, cần có sự liên hệ gần gũi giữa nhân vật lịch sử, hiện vật tại bảo tàng với thực tế. Các hoạt động của bảo tàng phải giúp cho công chúng tiếp cận lịch sử dưới mọi hình thức thì mới thu hút được khách tham quan”.

Được biết, cùng với việc mở cửa phục vụ người dân và du khách tham quan tất cả các ngày trong tuần, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa còn thường xuyên tổ chức các chương trình theo dòng lịch sử với chủ đề như: “Âm vang hào khí Lam Sơn”, “Giáo dục lịch sử từ hiện vật Bảo tàng”; tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian trong khuôn viên bảo tàng... Thông qua các chương trình thu hút hàng ngàn học sinh tham gia, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh các cấp học.

Thực tế nhiều bảo tàng trong cả nước đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách, trực tiếp góp phần cho phát triển du lịch như: Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội), bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội), Bảo tàng điêu khắc Chăm (Đà Nẵng), Bảo tàng Quảng Ninh... Có thể thấy, đây đều là những công trình có kiến trúc khá ấn tượng, sự đa dạng và độc đáo trong các khu trưng bày... khiến du khách không cảm thấy nhàm chán khi tham quan.

Chị Hoàng Thu Cúc (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) cho biết, trong suy nghĩ của nhiều người, bảo tàng là một điểm đến khá khô khan và thường không có gì thú vị, thế nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với bảo tàng Quảng Ninh. Nó không chỉ là nơi mang đến cho du khách cái nhìn đầy đủ nhất về thiên nhiên và con người Quảng Ninh mà còn là công trình kiến trúc độc đáo, ấn tượng. Với không gian khá đẹp và rộng rãi, cách sắp xếp, tông màu, ánh sáng... khiến cho nơi đây thực sự là nơi “sống ảo” lý tưởng, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.

Nhiều người cũng cho rằng, cùng với việc đầu tư, đổi mới cơ sở hạ tầng, kiến trúc... các bảo tàng ở Thanh Hóa nên có khu lưu niệm sản phẩm đặc trưng hoặc khu làm đồ thủ công, cho du khách trực tiếp chứng kiến, tham gia sản xuất thủ công một số hiện vật có trong bảo tàng. Qua đó không chỉ tạo nên sức hấp dẫn mà còn khiến cho du khách có thể nhớ được những câu chuyện lịch sử một cách dễ dàng.

Có thể nói, việc đổi mới để gia tăng mối quan hệ giữa bảo tàng và du lịch còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. “Chìa khóa để giải quyết triệt để mọi vấn đề chính là tư duy của người làm công tác quản lý, nhận thức của người dân và kinh phí. Cần phải có kinh phí để “nâng cấp”, quảng bá hình ảnh bảo tàng, di tích, để trả công xứng đáng cho cán bộ, nhân viên hoạt động lĩnh vực này, giúp họ có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, tận tâm với công việc” - TS.KTS Dương Đình Hiền - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khẳng định.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]