(vhds.baothanhhoa.vn) - Vốn là miền đất cổ của nước ta, Thanh Hóa sở hữu nguồn vốn văn hóa đa dạng và đặc sắc. Đây được coi là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng, giữ vai trò chính trong việc thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hướng mở phát triển du lịch văn hóa

Vốn là miền đất cổ của nước ta, Thanh Hóa sở hữu nguồn vốn văn hóa đa dạng và đặc sắc. Đây được coi là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng, giữ vai trò chính trong việc thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.

Tiềm năng lớn

Không chỉ có lợi thế về vị trí địa lý, nằm trong không gian du lịch của trung tâm du lịch miền Bắc, Thanh Hóa còn có những ưu thế nổi trội trong vùng và khu vực về nguồn vốn văn hóa phong phú, đặc trưng, là điều kiện tốt để phát triển loại hình du lịch văn hóa. So với một số tỉnh lân cận, Thanh Hóa nổi lên như một quần thể di tích, không những có giá trị đặc trưng mà còn đa dạng về thể loại với trên 1.500 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có những di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Bên cạnh đó, xứ Thanh cũng là mảnh đất với nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc. Hàng năm, ở khắp các địa phương trong tỉnh đều tổ chức long trọng và trang nghiêm các lễ hội nhằm đáp ứng một phần đời sống tinh thần của người dân, mặt khác phục vụ mục đích phát triển du lịch văn hóa. Lễ hội ở Thanh Hóa rất phong phú, đa dạng, hình thành và phát triển theo 3 loại hình nổi trội: lễ hội tín ngưỡng, lễ hội văn hóa lịch sử và lễ hội dân gian gắn với truyền thuyết.

Ngoài ra, Thanh Hóa còn có thể khai thác các nguồn tài nguyên nhân văn khác phục vụ du lịch như văn hóa phi vật thể với các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống như: hò sông Mã, hát xẩm xoan, múa đèn, trò diễn Xuân Phả, múa sạp, múa xòe...

Du lịch văn hóa xứ Thanh ngày càng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Hướng mở cho phát triển du lịch văn hóa

Cùng với các giải pháp phát triển ngành công nghiệp không khói, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND (29/9/2017) về việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch này đã mở ra cơ hội và hướng phát triển thuận lợi cho loại hình du lịch văn hóa.

Theo nội dung kế hoạch, trong thời gian tới tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung đầu tư một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo, làng nghề truyền thống, du lịch văn hóa...

Trong đó, đối với lĩnh vực du lịch văn hóa, UBND tỉnh yêu cầu triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch văn hóa tâm linh; liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa với các vùng, miền, địa phương trong cả nước.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kinh doanh dịch vụ du lịch tại Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, các bảo tàng, nhà hát, thư viện, trung tâm chiếu bóng, làng nghề thủ công truyền thống, khu vui chơi giải trí. Đồng thời xúc tiến, quảng bá rộng rãi sản phẩm du lịch văn hóa trong và ngoài nước; tập trung thu hút khách du lịch văn hóa có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch.

Đặc biệt, chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa, đặc biệt đối với nhân lực quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực trực tiếp phục vụ khách du lịch. Mặt khác, cần phát triển công nghiệp văn hóa du lịch gắn với làng nghề, gắn hoạt động của một số làng nghề với phát triển du lịch, hình thành tuyến du lịch làng nghề có tính nhân văn.

Có thể nói rằng, cùng với sự đầu tư ngày càng thỏa đáng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đã và đang mở ra những cơ hội mới, hướng phát triển thuận lợi cho loại hình du lịch văn hóa. Song mấu chốt là phải xây dựng được sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng mang thương hiệu xứ Thanh. Cùng với đó là sự nhìn nhận đúng đắn, phát triển hài hòa giữa hoạt động du lịch với bảo tồn các giá trị văn hóa.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]