(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa có 22 khu, điểm du lịch có thể khai thác, phục vụ phát triển du lịch; trên 760 cơ sở lưu trú và gần 70 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành. Đây được xem là thị trường tiêu thụ lý tưởng cho các sản phẩm lưu niệm. Tuy nhiên, đến nay con số chi tiêu mua sắm các sản phẩm lưu niệm của du khách tại các khu, điểm du lịch vẫn ở mức rất thấp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lưu niệm

Thanh Hóa có 22 khu, điểm du lịch có thể khai thác, phục vụ phát triển du lịch; trên 760 cơ sở lưu trú và gần 70 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành. Đây được xem là thị trường tiêu thụ lý tưởng cho các sản phẩm lưu niệm. Tuy nhiên, đến nay con số chi tiêu mua sắm các sản phẩm lưu niệm của du khách tại các khu, điểm du lịch vẫn ở mức rất thấp.

Sản phẩm lưu niệm chưa “rút” được “hầu bao” của khách

Thông thường, những sản phẩm du lịch gắn liền với dấu ấn của một địa phương, vùng miền mà du khách ghé qua. Nhiều sản phẩm, đồ lưu niệm tạo nên nét đặc trưng, không thể bị trộn lẫn cho mỗi điểm đến. Ví như, du khách đến Đà Nẵng sẽ nhận được các sản phẩm chế tác đá Ngũ Hành Sơn, hay gốm sứ Bát Tràng của Hà Nội, bánh Cu đơ của Hà Tĩnh, kẹo dừa Bến Tre... Nhìn vào những sản phẩm, đồ lưu niệm ấy, nhiều người sẽ nhận ra vị du khách vừa đến điểm du lịch nào.

Thanh Hóa có 1 đô thị du lịch và hàng chục khu, điểm du lịch ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế, thế nhưng để tìm được ở đó một vài mặt hàng lưu niệm đặc trưng, mang dấu ấn của mỗi điểm đến hay của thương hiệu du lịch xứ Thanh, thì thực sự không hề dễ.

Trong khi đó, về đồ mỹ nghệ, Thanh Hóa có hàng trăm làng nghề, nghề truyền thống lâu đời, với nhiều sản phẩm từ lâu đã nức tiếng khắp cả nước và hiện đã xuất khẩu sang một số thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN, châu Âu... Về ẩm thực, xứ Thanh là nơi giao thoa của 2 miền Bắc - Trung, nên vốn ẩm thực cũng vô cùng phong phú, nổi tiếng với các các món đặc sản như: bánh gai Tứ Trụ, nem chua, chè lam Phủ Quảng, nước mắm Ba Làng,... Thế nhưng hành trình của các sản phẩm này đến tay du khách vẫn là còn nan giải. Trong khi đó, các mặt hàng được bày bán chủ yếu tại các khu, điểm du lịch hiện nay chỉ đơn giản là quần áo thổ cẩm, đồ trang sức, đồ chơi cho trẻ em (chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc)... những thứ rất dễ bắt gặp ở bất cứ nơi đâu.

Các sản phẩm lưu niệm tại các khu, điểm du lịch chủ yếu là mặt hàng quần áo, đồ chơi trẻ em... đơn điệu và trùng lặp với các địa phương.

Bà Nguyễn Thị Đức - Giám đốc Khách sạn Hoa Hồng 1 (TP Sầm Sơn) chia sẻ: “Rất nhiều đoàn khách du lịch đến lưu trú tại đây có hỏi tôi nơi này có sản phẩm gì nổi tiếng có thể mua về làm quà cho người thân, bạn bè. Thực sự tôi cũng chỉ biết giới thiệu cho khách đến các cơ sở buôn bán hải sản. Đồ lưu niệm làm từ vỏ trai, vỏ ốc của người dân Sầm Sơn thực sự cũng chưa nổi tiếng và cũng chưa thu hút du khách”.

Đẩy mạnh kết nối sản xuất với tiêu thụ sản phẩm

Vài năm trở lại đây, bên cạnh các cơ chế chính sách nhằm định hướng phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lưu niệm, thủ công, mỹ nghệ, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá các sản phẩm làng nghề, nhất là khảo sát để đưa một số làng nghề tiêu biểu vào các chương trình tour, tuyến du lịch.

Mặt khác, trong định hướng phát triển, các đơn vị lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cũng rất chú trọng đến vấn đề xây dựng, chào bán các tour liên kết đến làng nghề truyền thống cũng như giới thiệu sản phẩm lưu niệm đặc trưng khi đến với xứ Thanh, nhằm giữ chân du khách và tăng khả năng chi tiêu, đặc biệt là hướng đến sự quay trở lại của du khách.

Có thể nói rằng, việc phát triển các làng nghề truyền thống gắn với sản xuất các mặt hàng lưu niệm sẽ tạo ra một sản phẩm bổ trợ đắc lực cho việc phát triển hoạt động du lịch tại các khu, điểm, tạo ra sự đa dạng, hấp dẫn cho chuyến tham quan, nghỉ dưỡng của du khách. Mặt khác, chính sản phẩm lưu niệm là vấn đề then chốt góp phần tạo nên thương hiệu và định vị du lịch xứ Thanh trong lòng du khách.

Trung tuần tháng 11/2018, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Thanh Hóa đã phối hợp với một số doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn, lữ hành trong và ngoài tỉnh tiến hành khảo sát thực tế một số cơ sở sản xuất đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ trên địa bàn TP Thanh Hóa. Qua khảo sát, nhiều sản phẩm đá quý, đồ đồng, đồ gỗ mỹ nghệ, nem chua, thực phẩm sạch... đã nhận được phản hồi tích cực từ phía đơn vị tổ chức và các doanh nghiệp tham gia khảo sát.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cho rằng, việc sản xuất tại các làng nghề, các cơ sở cho thấy không ít bất cập, hạn chế như: mẫu mã chưa thích ứng nhu cầu thị trường; các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung; sản phẩm bán ra thụ động; chưa bố trí nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến khách du lịch... Điều đáng nói hơn cả là việc tiếp cận và kết nối giữa các cơ sở sản xuất, làng nghề với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và các khu, điểm du lịch trong việc giới thiệu, quảng bá hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Ông Nguyễn Đức Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Thanh Hóa, cho biết: Với lượng khách đến Thanh Hóa ngày càng tăng, nhu cầu chi tiêu ngày càng lớn thì sự thiếu vắng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm đã làm thất thoát đi một nguồn thu không nhỏ. Đó là chưa kể đến việc để tuột mất cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch. Trong thời gian qua, nhiều giải pháp đã và đang được các ngành chức năng đề ra, trong đó có bàn đến việc tạo cơ chế nhằm tăng cường mối liên kết giữa các bên liên quan từ sản xuất đến kinh doanh - tiêu thụ các mặt hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ.

Tuy nhiên, để tạo ra sản phẩm phù hợp làm quà lưu niệm, với giá cả hợp lý, các đơn vị tiêu thụ cũng cần phối hợp với các nhà sản xuất chuyên nghiệp nhằm bảo đảm yếu tố chính xác, mỹ thuật, bền vững và tiện lợi. Đồng thời đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ cho các mặt hàng lưu niệm này. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đồ lưu niệm... Có như vậy, sản phẩm hàng lưu niệm của tỉnh mới sớm xây dựng được hình ảnh, dấu ấn riêng và phục vụ du khách một cách rộng rãi.

Thiết nghĩ, việc sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch vừa giúp giải quyết đầu ra bền vững, vừa góp phần quảng bá và định vị thương hiệu du lịch xứ Thanh. Qua đó, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp sản phẩm lưu niệm đến từ các làng nghề truyền thống tham gia vào hoạt động du lịch, đồng thời tạo ra điểm khác biệt cho du lịch xứ Thanh thông qua các mặt hàng lưu niệm độc đáo và có bản sắc.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]