(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thiên nhiên ban tặng cho miền núi xứ Thanh cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo cùng với bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng, đây chính là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển và bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Miền Tây xứ Thanh du lịch sinh thái cộng đồng có nhiều khởi sắc

(VH&ĐS) Thiên nhiên ban tặng cho miền núi xứ Thanh cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo cùng với bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng, đây chính là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển và bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên.

Vài năm trở lại đây miền núi xứ Thanh đã hình thành các điểm du lịch sinh thái như: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên (Bá Thước), Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), làng Năng Cát, thác Ma Hao (Lang Chánh)... Hoạt động du lịch đã được các tổ chức phi chính phủ và chính quyền các cấp, các nhà đầu tư hỗ trợ, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Lang Chánh được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng nổi tiếng như thác Ma Hao, chùa Mèo, làng văn hóa truyền thống Năng Cát... Các địa danh này, hội tụ đầy đủ những yếu tố văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương và sắc thái văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Lang Chánh đã tổ chức nhiều hoạt động gắn với cuộc sống hằng ngày của người dân vào khai thác du lịch như: Xây dựng nhà nghỉ với kiến trúc nhà sàn truyền thống để phục vụ du khách nghỉ ngơi; khuyến khích du khách tham gia các hoạt động sản xuất như làm nương, lội suối bắt cá, dệt vải, nấu các món ăn truyền thống và tham gia các hoạt động đậm sắc thái văn hóa bản địa. Vào buổi tối được đắm mình trong tiếng khặp Thái, hát đối đáp của những cặp nam thanh, nữ tú trao duyên bên đống lửa bập bùng.

Bước đầu thực hiện phát triển du lịch cộng đồng ở Lang Chánh đã mang lại những thành công nhất định, tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc nơi đây.Những người dân quanh năm gắn bó với nương rẫy, nay đã được biết thêm nghề mới, đó là nghề “làm” dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, xóa nghèo nhanh, bền vững.

Khu Retreat tại bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước).

Cũng như Lang Chánh, huyện Bá Thước cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng. Đến với Bá Thước du khách sẽ được đắm mình trong những khu du lịch sinh thái như Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, suối cá xã Văn Nho, thác Hiêu, thác Muốn, hang Dơi, Kho Mường, thưởng thức nét văn hóa ẩm thực như cơm lam, canh đắng, măng đắng, các món ăn được chế biến từ vịt Cổ Lũng... Với những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, một số hộ dân nằm trong các khu du lịch đã biết cách “làm” du lịch để mang lại thu nhập cho gia đình mình. Tại bản Hiêu, xã Cổ Lũng (Bá Thước) đã có 8 nhà nghỉ phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng, trung bình mỗi tháng có 3.260 lượt khách đến tham quan, trong đó khách nước ngoài 260 lượt người, khách trong nước 3.000 lượt người. Với giá 220.000 đồng/ ngày đối với khách du lịch nước ngoài và 70.000 đồng/ngày đối với khách trong nước thì mỗi hộ gia đình có thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, một số hộ thu nhập cao từ 15 đến 25 triệu đồng/tháng.

Ngoài việc khuyến khích người dân bản địa “làm” du lịch, huyện Bá Thước còn chú trọng thu hút đầu tư để phát triển du lịch của địa phương. Hiện nay, tại Bản Đôn, xã Thanh Lâm một doanh nghiệp ở Hà Nội đã đầu tư xây dựng Retreat.Pù Luông Retreat được xây dựng theo mô hình sinh thái, ngay sát những thửa ruộng bậc thang uốn lượn và những dãy núi trùng điệp. Từ đây, du khách có thể di chuyển đến bản Lác Mai Châu, rừng Cúc Phương Ninh Bình tham quan, vãn cảnh trong ngày.

Toàn bộ khu Retreat có 9 Bungalow, đều có dạng nhà sàn, hướng ra phía ruộng bậc thang, xung quanh là cảnh quan, cây cối. Điểm nhấn lớn nhất của Pù Luông Retreat là bể bơi lộ thiên vươn ra không gian núi rừng rộng lớn, nước bể không có clo và được dẫn từ mạch nước ngầm. Phòng nghỉ có thiết kế hiện đại, sạch sẽ nhưng không có điều hòa, không tủ lạnh và internet... để du khách có thời gian thư giãn tận hưởng vẻ đẹp và không khí trong lành nơi đây.

Tại huyện Quan Hóa năm 2001, Chính phủ Thụy Điển đã hỗ trợ cho huyện xây dựng thí điểm Khu du lịch sinh thái cộng đồng liên núi đá vôi Pù Luông tại một số bản ở các xã Phú Lệ, Phú Thanh gắn với vùng Cúc Phương (Ninh Bình). Tại bản Hang, xã Phú Lệ nhờ dự án phát triển du lịch cộng đồng, nhiều gia đình người Thái đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà sàn truyền thống làm nơi ăn nghỉ, phục vụ khách tham quan, du lịch. Mỗi năm có hàng trăm lượt khách quốc tế đã về với bản Hang. Phần lớn du khách rất ấn tượng và thích thú khi thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên và khám phá những nét văn hóa mang đậm sắc thái dân tộc.

Đề án phát triển loại hình du lịch cộng đồng giai đoạn 2011 - 2015 của UBND tỉnh giúp nhiều điểm du lịch trên địa bàn các huyện miền núi đã được đưa vào quy hoạch như: Phát triển sản phẩm du lịch trên sông Mã; du lịch cộng đồng văn hóa sinh thái ở Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên - Cửa Đạt, động Bo Cúng - Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, Vườn Quốc gia Bến En... Đây là điều kiện để các huyện miền Tây xứ Thanh phát huy hết tiềm năng, thế mạnh để đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần quan trọng vào chương trình mục tiêu quốc gia xóa nghèo nhanh và bền vững.

Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]