(vhds.baothanhhoa.vn) - Mấy chục năm gắn bó với vùng đất Thanh - Nghệ - Tĩnh, nhất là xứ Thanh, không biết bao nhiêu lần đạp xe trên đê sông Mã tham gia chống lũ lụt khi thiên tai kéo về vào những tháng ngày bao cấp. Và, cũng không nhớ bao nhiêu lần đi qua cầu Hàm Rồng, cầu Hoàng Long, cầu Nguyệt Viên thời kỳ đổi mới, để ngắm nhìn dòng sông Mã, cầu Hàm Rồng - địa danh đã trở thành huyền thoại trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngược dòng sông Mã

Mấy chục năm gắn bó với vùng đất Thanh - Nghệ - Tĩnh, nhất là xứ Thanh, không biết bao nhiêu lần đạp xe trên đê sông Mã tham gia chống lũ lụt khi thiên tai kéo về vào những tháng ngày bao cấp. Và, cũng không nhớ bao nhiêu lần đi qua cầu Hàm Rồng, cầu Hoàng Long, cầu Nguyệt Viên thời kỳ đổi mới, để ngắm nhìn dòng sông Mã, cầu Hàm Rồng - địa danh đã trở thành huyền thoại trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Ghi chép của Cao Ngọ

Nghe theo lời rủ rê của đám bạn bè: hãy một lần “bơi” ngược dòng sông Mã anh hùng để đắm mình với dòng sông huyền thoại, tôi bồi hồi bước chân xuống tàu du lịch Hoàng Long (Trung tâm phát triển du lịch sông Mã), bến tàu nằm ngay dưới chân cầu Hàm Rồng. Nơi đây, 53 năm về trước dày đặc đạn bom và cũng là địa danh làm chấn động thế giới với chiến công của quân dân Nam Ngạn - Hàm Rồng - Yên Vực trong 2 ngày (3 - 4/4/1965) bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ.

Trước khi xuống tàu, tôi dừng lại đôi chút ngắm nhìn ngọn núi Cánh Tiên nơi có hai chữ “quyết thắng” sừng sững hiên ngang, tỏ rõ sức mạnh của quân dân vùng đất anh hùng trong những ngày khói lửa của cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước. Hai chữ "quyết thắng", được quân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn tranh thủ lúc không có máy bay địch đánh phá, nhặt từng viên đá “viết” trên sườn núi Cánh Tiên, nét chữ rộng lớn đến độ ở xa hàng chục cây số vẫn có thể nhìn thấy. Tác giả bài viết này có những kỷ niệm khó quên với hai chữ "quyết thắng, xin hầu bạn đọc vào dịp khác.

Khi đã yên vị, tàu du lịch Hoàng Long bắt đầu hành trình ngược dòng sông Mã. Con sông một thời đạn lửa, giờ sao bình yên và đẹp đến lạ thường. Phóng tầm mắt bao quát, dòng sông mênh mang hiền hòa, đôi bờ sông Mã, cây cối đâm chồi nẩy lộc ngút ngàn màu xanh. Phía bờ Nam gần cầu Hàm Rồng, dãy núi nhấp nhô hình con rồng đầu nhô cao đến gần núi Ngọc bờ Bắc. Tôi chợt nhớ lại huyền tích: Dãy núi Đông Sơn hùng vĩ cái nôi của nền văn hóa đồng thau Đông Sơn, núi tiếp núi như con rồng uốn mình vươn tới. Sông núi đến đây (Hàm Rồng ngày nay) gặp nhau tạo thành thế “Long Mã tranh châu”. Ngọn Châu Phong (thường gọi là núi Ngọc) ở bờ Bắc sông Mã. Bờ Nam là núi Đầu Rồng (Long Hạm hoặc Hàm Rồng) có 2 cửa hang như 2 con mắt đau đáu nhìn sang núi Ngọc. Huyền tích lưu truyền đến ngày nay kể rằng: Ngựa và rồng đuổi nhau đến vùng non nước này, Rồng vừa há miệng ra đớp ngọc thì ngựa chồm lên, đuôi ngựa quật ngang làm cho hòn ngọc rơi xuống dòng sông Mã... Từ rất xa xưa cho đến ngày nay vẫn truyền khẩu câu ca về vùng đất này: "Thanh Hóa thắng địa là nơi/ Rồng vờn hạt ngọc hạc bơi chân thành".

Cầu Hàm Rồng lịch sử nhìn từ động Long Quang.

Quả thật, nếu chưa một lần ngược sông Mã, có lẽ trong tôi cũng như bao người con xứ Thanh và du khách thập phương, cũng chưa thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp nơi này, nhất là khi bồng bềnh cùng tàu du lịch. Say phong cảnh sông nước hữu tình, chìm đắm trong không gian di tích, đền đài, hang động hiển hiện bên đôi bờ sông Mã. Nào là động Long Quang, còn có tên gọi khác là hang Mắt Rồng. Vượt qua 23 bậc đá tới cửa động Long Quang, nhìn toàn bộ cảnh núi Rồng - sông Mã, cầu Hàm Rồng, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh trí thiên nhiên của khu vực Hàm Rồng và trời đất xứ Thanh. Động Long Quangcòn lưu giữ được các bài thơ bằng chữ Hán được khắc trên đá do hai nhà vua Lê Thánh Tông và Lê Hiển Tông, ca ngợi thắng cảnh núi Rồng - sông Mã là bằng chứng sinh động về sức hấp dẫn đặc biệt của cảnh trí nơi đây.

Nào là động Tiên Sơn, đền thờ các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ, đồi C4 anh hùng. Nào là Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng, núi Ngọc, núi Cánh Tiên... Và không thể không ngắm nhìn từ sông nước cây cầu Hàm Rồng lịch sử đẹp, hùng vĩ, sừng sững hiên ngang bắc qua dòng sông anh hùng. Cầu Hàm Rồng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của sức mạnh Việt Nam, sức mạnh của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Ấn tượng về cảnh, sắc ở khu vực Hàm Rồng, tôi nhớ đến những vần thơ “rặt” ngôn ngữ xứ Thanh:

Bên ni (này) núi Ngọc, bên tê (kia) núi Rồng

Hiên ngang cầu bắc ngang sông

Đẹp thay hai tiếng Hàm Rồng quê hương.

Du thuyền đưa khách ngược dòng sông Mã từ từ cập điểm dừng chân đầu tiên của hành trình ngược dòng sông Mã, nơi có ngôi chùa mang tên chùa “Sùng Nghiêm” thuộc làng Yên Vực, phường Tào Xuyên TP Thanh Hóa. Chùa Sùng Nghiêm nằm bên bờ sông Mã rợp bóng cây xanh. Không gian trong lành, cảnh quan hư hư thực thực, chìm đắm trong tiếng mõ tụng kinh, niệm phật. Không gian tâm linh như làm cho mỗi người đến chiêm bái được an lành, thư thái, tâm hồn thêm tao nhã, tĩnh tâm để tận hưởng huyền sử vị thần Tam Kỳ Ngu Giang, người có công giúp vua Lý Thái Tổ vượt sông đánh giặc.

Bồng bềnh trên dòng sông Mã, ngắm nhìn dòng sông hiền hòa, lững lờ trôi, đôi bờ cây xanh bóng mát, xóm thôn rộn rã tiếng cười, cuộc sống yên bình càng làm cho nơi đây thêm hương sắc. Bất chợt trong tôi lại nhớ về những năm tháng đầy gian lao vất vả. Những lúc thiên tai gầm rú, dòng sông sôi lên sùng sục, nước đỏ ngầu cuồn cuộn đổ về dòng sông trở nên hung dữ lạ thường. Thế rồi, những năm tháng ấy cũng qua, cuộc sống mới đâm hoa kết trái để đến hôm nay ngược dòng sông trên con tàu du lịch tương đối hiện đại, thỏa sức ngắm nhìn, tận hưởng không gian, trời đất, sông nước, núi non với bao kỷ niệm cứ hiện về. Và, không phải “chờ gió lên đưa thuyền về...” mà hôm nay, tất cả những gì trong cuộc sống thường nhật, con người có thể chủ động để đưa tàu, thuyền ngược xuôi theo ý muốn, theo tour, tuyến, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đang miên man suy ngẫm, tàu du lịch Hoàng Long đã cập bến điểm tham quan cuối cùng - đền cô Bơ, trong chuyến hành trình ngược dòng sông Mã. Đền cô Bơ ở ngã ba Bông - nơi sông Mã chia dòng đổ về Lèn rồi ra biển theo cửa lạch Sung, còn dòng sông Mã vẫn xuôi về Hàm Rồng. Nếu ai chưa một lần thưởng thức hầu đồng thì đến đền cô Bơ để được chiêm nghiệm, được “lên đồng” để bỏ lại trần gian những ưu phiền lo lắng.

Người viết bài báo này cũng đôi lần đến công tác ở vùng đất này, nhưng cảm giác bước chân từ tàu du lịch lên đền cô Bơ ở Ngã Ba Bông là lần đầu tiên. Vì thế, bài thơ “Sông Mã” của nhà thơ Huy Trụ, đồng nghiệp của tôi nếu được diễn ca ở chốn này sẽ làm say đắm lòng người:

Em có về quê anh

Vượt thác ghềnh một lần trên sông Mã

Không phải ông cha xưa đặt tên cho lạ

Bao cuộc đời từng ngẫm nghĩ trước mênh mông

Một tiếng gà giữa Ngã Ba Bông

Dân sáu huyện cùng nghe, người sáu làng cùng thức...

Trải nghiệm, khám phá những gì mà thiên nhiên ban tặng, con người dựng xây hiện diện bên bờ sông Mã bằng đường thủy, mới thấy được vẻ đẹp của những dòng sông xứ Thanh. Nếu như trên dòng Hương Giang, em buông mái chèo, trời trong veo, nước trong veo, em buông mái chèo thơ mộng, dịu dàng bao nhiêu, thì trời trong xanh, nước trong xanh, rừng xanh xanh ở hai bờ dòng sông Mã anh hùng, để được nghe điệu hò sông Mã hào sảng, nồng nàn, thôi thúc con người vượt thác ghềnh của cuộc sống đời thường, càng thấy thiên nhiên gần gũi thân thiện bấy nhiêu.

Xin được viết đôi dòng về sảnphẩm du lịch “ngược xuôi sông Mã” của Trung tâm phát triển du lịch sông Mã ở xứ Thanh, ngõ hầu du khách trong và ngoài nước hãy một lần trải nghiệm...

Cao Ngọ


Cao Ngọ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]