(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, Bộ VHTTDL cũng xin ý kiến Chính phủ về một số vấn đề mới, có tác động đến nhiều lĩnh vực, đơn vị liên quan, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương hoặc còn có ý kiến khác nhau.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều nội dung mới ưu tiên phát triển du lịch

Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, Bộ VHTTDL cũng xin ý kiến Chính phủ về một số vấn đề mới, có tác động đến nhiều lĩnh vực, đơn vị liên quan, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương hoặc còn có ý kiến khác nhau.

Điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch

Trong đó, về điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch (Chương II), có ý kiến cho rằng việc quy định đối tượng điều tra (Điều 3) như trong dự thảo: “Tài nguyên du lịch tự nhiên chủ yếu gồm: Khu di sản thiên nhiên thế giới, công viên địa chất, khu dự trữ sinh quyển, khu Ramsa, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn các loài sinh vật quý hiếm; Hang động, bãi biển, đảo, hồ nước, nguồn nước khoáng, thác nước, ghềnh, sông, suối; Các địa điểm có giá trị về cảnh quan, sinh thái, khí hậu, đa dạng sinh học khác có khả năng khai thác phát triển du lịch. Tài nguyên du lịch văn hóa chủ yếu gồm: Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được quy định tại Luật Di sản văn hóa; Làng nghề truyền thống; Bảo tàng; Hoạt động trình diễn văn hóa, nghệ thuật; Sự kiện thể thao; Các lễ hội; Công trình sáng tạo của con người; Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể khác” là rộng, có thể trùng lặp với một số hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành khác.

Ban soạn thảo Nghị định nhấn mạnh du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Trên thực tế, có nhiều trường hợp tài nguyên du lịch đồng thời là tài nguyên của các ngành, lĩnh vực khác, được giao cho một cơ quan, tổ chức thuộc các ngành, lĩnh vực khác quản lý. Việc điều tra để đánh giá mức độ hấp dẫn của tài nguyên đối với du lịch là cần thiết nhưng không nhất thiết là phải tổ chức điều tra độc lập mà ngành Du lịch có thể sử dụng một phần hoặc toàn bộ kết quả điều tra có liên quan đến tài nguyên du lịch do các Bộ, ngành khác đã thực hiện. Như vậy, hoạt động này vừa đảm bảo yêu cầu chuyên môn của du lịch, vừa đáp ứng yêu cầu tiết kiệm thời gian, nguồn lực và kinh phí.

Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo

Về Chính sách phát triển sản phẩm du lịch, theo quan điểm của Ban soạn thảo, sản phẩm du lịch là yếu tố cơ bản, quan trọng để thu hút khách du lịch, bảo đảm khả năng cạnh tranh của ngành du lịch mỗi quốc gia. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị đã xác định “Tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao” là một trong những nhiệm vụ và giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các điểm đến, quốc gia, khu vực, sản phẩm du lịch chủ đạo của quốc gia, của vùng cần được Thủ tướng Chính phủ quyết định, làm cơ sở cho việc ưu tiên, tập trung nguồn lực từ Trung ương đến địa phương trong một khoảng thời gian phù hợp để tạo nên những sản phẩm du lịch đủ sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Điều 7 Nghị định quy định: “Căn cứ chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng VHTTDL công bố danh mục sản phẩm du lịch chủ đạo của quốc gia và của vùng trong giai đoạn 10 năm. Bộ VHTTDL tập trung nguồn lực xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch chủ đạo. Bộ Giao thông vận tải ưu tiên nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách ưu đãi đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ VHTTDL trong việc phát triển, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm du lịch chủ đạo. Chính quyền địa phương các cấp tập trung nguồn lực phát triển hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng du lịch; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản phẩm du lịch tại địa phương”.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến khác nhau về vấn đề như thế nào là “chủ đạo” và thời gian xác định một sản phẩm du lịch là chủ đạo. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lấy ý kiến và tiếp thu để hoàn thiện dự thảo.

Đưa hoạt động quản lý khu du lịch quốc gia vào nề nếp, đạt hiệu quả

Điều 13 quy định: Điều kiện để được công nhận Khu du lịch quốc gia gồm: Có tài nguyên du lịch đa dạng, đặc biệt hấp dẫn với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên hoặc giá trị văn hóa, có ranh giới xác định. Thuộc danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có kết nối hệ thống hạ tầng giao thông liên tỉnh; hệ thống thông tin liên lạc quốc gia; có hệ thống cung cấp điện, nước sạch và phòng chống cháy nổ. Có cơ sở vật chất kỹ thuật quy định tại điểm c khoản 2 Điều 26 Luật Du lịch (Hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ đảm bảo phục vụ nhu cầu tham quan tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm, trong đó hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn, đảm bảo phục vụ tối thiểu 300.000 lượt khách mỗi năm; Có hệ thống nhà hàng, cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí và các dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Cung cấp dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn du lịch). Đáp ứng đủ các điều kiện về đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự, vệ sinh môi trường quy định tại điểm d khoản 1 Điều 29 Luật Du lịch (Có bộ phận cung cấp thông tin hỗ trợ khách du lịch; có đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin của khách du lịch; Có nội quy, hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo về giao thông và các dịch vụ, các điểm tham quan; Có bộ phận cứu hộ, cứu nạn; Có nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn; Có hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý nước thải, chất thải rắn).

Về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia: Hiện nay, trên thực tế đã hình thành khu du lịch có quy mô quốc gia tại nhiều tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Để quản lý các khu du lịch này, một số địa phương đã thành lập ban quản lý, có nơi trực thuộc UBND cấp tỉnh, có nơi trực thuộc UBND cấp huyện hoặc Sở Du lịch, Sở VHTTDL. Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia chưa thống nhất. Căn cứ yêu cầu thực tiễn về quản lý khu du lịch quốc gia, Ban Soạn thảo thấy cần phải thành lập đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia thống nhất trên phạm vi toàn quốc tương tự như Ban quản lý khu kinh tế.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị và Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10.12.2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, không quy định về tổ chức bộ máy trong các văn bản luật chuyên ngành. Vì vậy, để đưa hoạt động quản lý khu du lịch quốc gia vào nền nếp, phát huy hiệu lực, hiệu quả, dự thảo Nghị định quy định phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia căn cứ vào tính chất, quy mô, yêu cầu phát triển du lịch của địa phương, theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và quy định thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia trên địa bàn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý.

(Theo baovanhoa.vn)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]