(vhds.baothanhhoa.vn) - Xác định phát triển du lịch là động lực phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả. Trong những năm gần đây, Như Xuân đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào phát triển du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Như Xuân: Tận dụng lợi thế, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng

Xác định phát triển du lịch là động lực phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả. Trong những năm gần đây, Như Xuân đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào phát triển du lịch.

Là một trong những huyện miền núi của xứ Thanh, Như Xuân cách trung tâm TP Thanh Hóa gần 60 km về phía Tây Nam. Nơi đây lại là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc như Mường, Thái, Kinh... tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc về văn hóa xã hội. Cùng với đó, đây còn là địa phương sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên đa dạng gồm núi, rừng, sông, hồ và hang động như: núi Bù Mùn, thác Đồng Quan, thác Cổng Trời, hang Dơi... Tuy nhiên, trong những năm qua việc phát huy tiềm năng, lợi thế này trong phát triển du lịch khá hạn chế; hầu hết các điểm đến chưa có sự đầu tư một cách bài bản nhằm phục vụ hoạt động du lịch.

Xác định rõ những hạn chế trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong những năm gần đây huyện Như Xuân đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, phấn đấu đến năm 2020 du lịch Như Xuân được đưa vào tour, tuyến du lịch của tỉnh. Cụ thể, chỉ trong 2 năm (2016 và 2017), huyện đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hạ tầng cơ bản, cải tạo cảnh quan tại thác Đồng Quan (xã Hóa Quỳ), thác Cổng trời (xã Xuân Quỳ) và nhanh chóng đưa vào khai thác, phát triển thành điểm du lịch hấp dẫn. Dù mới đưa vào khai thác chưa lâu, nhưng với lợi thế đường giao thông thuận lợi, hạ tầng cơ bản nên từ khi đưa vào khai thác đến nay, các điểm du lịch này đã đón được gần 30 nghìn lượt khách.

Bên cạnh đó, huyện còn đặc biệt chú trọng xây dựng phương án giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: các trò chơi, trò diễn dân gian, nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu men lá, đan lát... Các sản phẩm ẩm thực truyền thống như: gà nướng, vịt nấu canh chua, cơm lam, canh bồi... Cùng với đó là các loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu như: khua luống, khặp thái, múa bắt nhái, cồng chiêng, hát xường... nhằm mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách và tạo nên sự đặc sắc, hấp dẫn trong bức tranh du lịch của huyện.

Ngoài ra, huyện Như Xuân còn quan tâm phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch cộng đồng. Với nguồn kinh phí của địa phương và sự huy động từ nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân, doanh nghiệp nhiều di tích trên địa bàn đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để trùng tu tôn tạo trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn như: đền Chín Gian (xã Thanh Quân), chùa Di Lặc (thị trấn Yên Cát)...

Cánh đồng hoa tam giác mạch (xã Thanh Quân) bắt đầu đón khách.

Bà Phạm Hoài Thương - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Eagle (TP Thanh Hóa) cho biết: “Qua nhiều lần khảo sát thực tế, chúng tôi thấy trên địa bàn huyện Như Xuân có rất nhiều điểm phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng. Được sự ủng hộ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, chúng tôi quyết định phối hợp cùng với một số hộ dân trên địa bàn xã Thanh Quân, xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Sau một thời gian tích cực triển khai, hiện nay tại khu vực thung lũng hoa tam giác mạch chúng tôi đã bắt đầu mở bán tour và đón khách từ tháng 11, với nhiều trải nghiệm thú vị như nghỉ tại home stay, nhảy sạp, khua luống, đốt lửa trại, uống rượu cần... Đặc biệt là sự kiện Lễ hội hoa tam giác mạch lần đầu tiên được tổ chức tại thung lũng vào trung tuần tháng 11. Chúng tôi tin tưởng, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương cũng như sự ủng hộ của người dân địa phương, trong thời gian tới Như Xuân sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư và phát triển du lịch một cách mạnh mẽ”.

Có thể nói, việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng là mỗi địa phương tìm ra nét độc đáo, huy động cộng đồng cùng tham gia, tạo nên những sản phẩm mà ở đó du khách được trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của cộng đồng, được thụ hưởng, cảm nhận những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. Theo đó, việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại thung lũng hoa tam giác mạch trên địa bàn xã Thanh Quân không chỉ giúp đề cao, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch, mà còn giúp du khách có thêm hiểu biết đối với văn hóa, môi trường, phong tục, nếp sống... của người dân huyện Như Xuân.

Ông Đàm Văn Thông - Trưởng phòng VHTT huyện Như Xuân cho biết: Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, bên cạnh sự hỗ trợ các nguồn vốn của tỉnh, Trung ương, huyện cũng chú trọng công tác xã hội hóa phát triển du lịch, đồng thời tăng cường quảng bá, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa - tâm linh, làng nghề truyền thống. Mặt khác, huyện Như Xuân cũng đã đề nghị với các cấp, ngành tạo điều kiện cho huyện tiếp cận với các nguồn vốn từ chương trình đề án quốc gia về phát triển du lịch ở các huyện miền núi. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Như Xuân”. Hướng tới mục tiêu phát triển du lịch một cách bài bản và bền vững, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]