(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Từ xa xưa, cây đa, bến nước, sân đình, những cánh đồng bát ngát cò bay thẳng cánh, những lễ hội dân gian độc đáo, những làng nghề truyền thống... được xem là nét đặc trưng ở làng quê Việt. Xứ Thanh cũng không nằm trong ngoại lệ, từ miền biển đến miền núi, hay giữa chốn thị thành ồn ào, náo nhiệt vẫn có những ngôi làng thanh bình, yên ả tạo nên sức hấp dẫn lạ kỳ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những làng quê bình dị, hấp dẫn

(VH&ĐS) Từ xa xưa, cây đa, bến nước, sân đình, những cánh đồng bát ngát cò bay thẳng cánh, những lễ hội dân gian độc đáo, những làng nghề truyền thống... được xem là nét đặc trưng ở làng quê Việt. Xứ Thanh cũng không nằm trong ngoại lệ, từ miền biển đến miền núi, hay giữa chốn thị thành ồn ào, náo nhiệt vẫn có những ngôi làng thanh bình, yên ả tạo nên sức hấp dẫn lạ kỳ.

Làng Quảng Xá bình yên giữa lòng thành phố

Làng Quảng Xá là một trong những làng Việt cổ thuộc phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa. Cứ ngỡ hình ảnh bến nước, sân đình chỉ trong những câu chuyện cổ tích hay miền quê đâu xa, thế nhưng giữa lòng thành phố tấp nập vẫn còn hình ảnh thân thương ấy, khiến người đi cảm thấy xao lòng. Về làng Quảng thăm ngôi đình 5 gian bằng gỗ lim xanh, tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi hài nằm trong khung cảnh phong quang, có sân đình, giếng nước đã được dân làng đóng góp công sức, tiền của để trùng tu, tôn tạo ngày một khang trang, trở thành nơi sinh hoạt tâm linh của người dân. Vào những dịp diễn ra lễ hội, tại sân đình, nhiều tiết mục văn nghệ múa hát, ngâm thơ, hát chầu văn được diễn ra, tất cả đều do con cháu hậu duệ làng Quảng Xá thể hiện.

Nằm gần kề với đình làng Quảng Xá, chúng tôi tìm đến ngôi nhà cổ có niên đại 120 năm tuổi của gia đình cụ Nguyễn Văn Mạch - ngôi nhà là nơi thờ tự của dòng họ Nguyễn Văn. Hiếm có biết bao, giữa bốn bề xung quanh những mái nhà cao tầng cao vút, khang trang là ngôi nhà cổ giản dị, bình yên ghi dấu bao thế hệ sinh ra và lớn lên. Nếp nhà gỗ 5 gian nguyên bản của người Việt cổ xưa bằng gỗ lim và gỗ xoan, mái lợp ngói mũi hài vẫn vững chãi theo thời gian. Phía ngoài là sân lát gạch chỉ, bức bình phong và cái giếng cổ xây bằng đá ong. Ngôi nhà đã trải qua 13 đời thờ cúng, hiện nay vẫn giữ cuốn gia phả bằng gỗ của tổ tiên để lại. Hằng năm vào ngày 2/3 âm lịch, con cháu dòng họ Nguyễn Văn ở khắp mọi miền Tổ quốc lại về đây giỗ tổ.

Về Quảng Xá thăm mái đình, giếng nước, nếp nhà cổ đơn sơ và có một thứ nổi tiếng xưa nay mà bất cứ người sành về ẩm thực nào cũng biết - rượu làng Quảng nức tiếng mọi thời. Để có rượu ngon người dân làng Quảng đã làm nên thứ men riêng - men thuốc bắc làm nên hương vị đặc trưng của rượu làng Quảng. Về với làng Quảng còn đó là hội làng với những trò chơi dân gian, cờ tướng, cờ người, kéo co, say xưa với làn điệu chầu văn mượt mà, thăm di tích Thái miếu Nhà hậu Lê và Đại Bi tự Mật Sơn du khách sẽ cảm thấy bình yên đến lạ.

Ngôi làng bên bờ sông Mã

TP Thanh Hóa còn là nơi nổi tiếng với làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng. Ngôi làng bình yên dựa lưng vào núi Rồng, núi Voi, núi Hùm, trước mặt là sông Mã ôm ấp, bao bọc tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình. Từ xa xưa, làng đã có đủ ruộng sâu, ruộng cạn trồng lúa; đất đồi, đất bãi trồng màu; núi đất, núi đá chăn thả gia súc. Người dân chịu thương, chịu khó, cần cù lao động nên cuộc sống no đủ, yên bình. Ở giữa thiên nhiên tươi đẹp, cuộc sống ấm no nên con người nơi đây đã gây dựng cho mình một đời sống tinh thần, tâm linh vô cùng phong phú. Đông Sơn, cái làng quê điển hình thuần Việt ấy còn lưu giữ cả một hệ thống các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đủ khiến ai sinh ra từ đây cũng tự hào, ai qua đây cũng cảm phục và yêu mến. Đặc biệt, hội làng diễn ra vào 3/3 âm lịch hằng năm là dịp để tưởng nhớ công ơn người khai sinh xóm làng, cháu con sum họp. Các bà, các mẹ, các chị náo nức trẩy hội làng, các anh rủ nhau chơi cờ tướng, chọi gà. Ngày thường làng Đông Sơn chỉ phần đông người già, trẻ em còn thanh niên trai tráng đều lên phố đi làm hoặc ở nơi xa, chỉ đến khi hội làng mới tụ hội đông đủ.

Hội làng Đông Sơn được tổ chức vào dịp tháng 3 hằng năm.

Đặc biệt, làng Đông Sơn còn bảo tồn các di tích văn hóa thuộc dấu tích văn hóa Đông Sơn, đình, chùa đã trở thành những địa danh nổi tiếng điển hình cho làng quê đất Việt. Đến làng Đông Sơn, du khách còn được tham quan hang Mắt Rồng, Động Tiên, cầu Hàm Rồng, đền thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sỹ, Thiền viện Trúc Lâm....

Đắm say làng dệt nhiễu Hồng Đô, chiếu cói Nga Sơn

Về xứ Thanh ngắm nhìn những cánh đồng xanh mướt, cò bay thẳng cánh, về với hội làng, với làng cổ xưa còn có những địa điểm không thể bỏ qua chính là những làng nghề truyền thống, làm nên những nét đặc trưng riêng. Làng nhiễu Hồng Đô (xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa) vang danh cả nước với những bí quyết làng nghề thủ công truyền thống đặc trưng và quý hiếm. Từ những thập niên 40 của thế kỷ trước, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu ở Hồng Đô đã có tiếng vang như lụa Hà Đông, dệt Nam Định. Ngắm nhìn những thửa dâu xanh mướt, những bàn tay thoăn thoắt, khéo léo của người thợ dệt để thấy trải qua năm tháng, nghề dệt nhiễu đã “hồi sinh” và nên hồn cốt của làng quê này.

Làng dệt nhiễu Hồng Đô hấp dẫn bởi làng nghề thủ công truyền thống. (Ảnh: Xuân Tứ)

Xứ Thanh còn nổi tiếng với nghề trồng cói và dệt chiếu cói ở các xã ven biển huyện Nga Sơn. Về Nga Sơn, trong ánh nắng chiều bảng lảng, đi trên triền đê ngắm nhìn cảnh làng trù mật với ruộng cói xanh mướt, trải dài, lượn sóng tít tắp tận chân trời, cảm nhận vùng quê đẹp, trù phú biết bao.Không ở đâu hơn ngoài Nga Sơn lại có sợi cói nhỏ, dài và mềm mại đến thế. Qua bàn tay tài hoa của người thợ dệt tạo nên những sản phẩm độc đáo với muôn hình dạng, sắc màu. Đó là màu chiếu biêng biếc, vàng mơ ánh lên sắc đỏ của những chiếc chiếu hoa, chiếu cưới, chiếu lễ hội sân đình... Muôn màu chiếu tạo nên vẻ đẹp cho một làng nghề không trộn lẫn với bất cứ làng nghề nào khác đó là vẻ đẹp riêng, đặc sắc Nga Sơn.

Son Bá Mười trong mây

Ngược ngàn lên miền Tây xứ Thanh, giữa bốn bề núi non hùng vĩ, hiện lên trong làn khói mây mờ ảo là Cao Sơn đẹp cuốn hút ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển. Mùa đông thường có tuyết rơi, ấy vậy nên nhiều người thường ví Son Bá Mười là “Sapa xứ Thanh”. Son Bá Mười(hay còn gọi là khu Cao Sơn) là 3 bản vùng cao của xã Lũng Cao, huyện Bá Thước. Son Bá Mười với những bản làng dựa lưng vào núi, với những thửa ruộng bậc thang, xen kẽ những khu rừng nguyên sinh xanh mướt một màu. Du khách còn được đắm chìm trong sắc thắm của những nhánh đào rừng, vườn quýt vàng ươm trong nắng, những giàn bầu, bí lúc lỉu quả, cảm nhận cuộc sống an yên của con người, cảnh vật nơi đây. Đặc biệt, Son Bá Mười khá biệt lập với bên ngoài nên đến nay còn lưu giữ nhiều tập tục của người Thái cổ, nhà sàn, món ăn đặc sản truyền thống người Thái là điều rất riêng níu chân bất cứ du khách nào đến với Cao Sơn.

Son Bá Mười với nếp nhà sàn xinh xắn dựa lưng vào núi.

Sẽ còn nhiều làng quê thanh bình, yên ả và đẹp đến nao lòng vẫn cuốn hút khách phương xa, hay những vị khách ở nơi phố phường trở về để trải nghiệm. Bởi vậy, làng quê xứ Thanh đang là tài nguyên vô giá để phát triển du lịch.

Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]