(vhds.baothanhhoa.vn) - Du lịch sinh thái đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, góp phần quan trọng trong việc cải thiện yếu tố mùa vụ trong hoạt động du lịch. Cho đến nay, một số khu, điểm du lịch sinh thái ngày càng chứng minh được sức hút đối với đông đảo du khách, đặc biệt là dòng khách quốc tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những tín hiệu vui

Du lịch sinh thái đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, góp phần quan trọng trong việc cải thiện yếu tố mùa vụ trong hoạt động du lịch. Cho đến nay, một số khu, điểm du lịch sinh thái ngày càng chứng minh được sức hút đối với đông đảo du khách, đặc biệt là dòng khách quốc tế.

Hiệu quả bước đầu

Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng, du lịch sinh thái đã và đang mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi có cảnh quan hấp dẫn. Cho đến nay, nếu chỉ ra một địa danh có thể đại diện cho thương hiệu du lịch sinh thái xứ Thanh, chắc hẳn sẽ là Pù Luông. Trong những năm qua, điểm đến này đã và đang được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình, dịch vụ để phục vụ du khách.

Với diện tích được quy hoạch lên đến 17.662 ha, nằm trên địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước, Pù Luông đã mang đến cho du khách nhiều sự lựa chọn như khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, hệ động thực vật và trải nghiệm văn hóa truyền thống... vô cùng độc đáo, hấp dẫn.

Du lịch cộng đồng bản Năng Cát, thác Ma Hao (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh) cũng là sản phẩm đang tạo được sự chú ý của khách du lịch bởi các giá trị văn hóa truyền thống và vẻ đẹp thiên nhiên ít nơi nào có được. Ngoài ra, với 2 vườn quốc gia và 3 khu bảo tồn thiên nhiên, cùng hệ thống hang động, sông hồ là điều kiện để Thanh Hóa xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng. Nổi bật nhất là du lịch sinh thái có sự tham gia tích cực của cộng đồng, trong đó, du khách có thể khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực, văn hóa địa phương.

Theo thống kê của Sở VH,TT&DL, năm 2017 loại hình du lịch sinh thái mới chỉ thu hút được 300 nghìn lượt khách. Đến hết 9 tháng đầu năm 2018, loại hình này đã thu hút tới 600 nghìn lượt khách tham quan (trong đó có 46 nghìn lượt khách quốc tế).

Du lịch sinh thái đang góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng.

Theo bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, thành công nhất của loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng chính là sự chuyển biến về nhận thức, từ lãnh đạo địa phương cho đến bà con tại các khu, điểm du lịch. Lãnh đạo các địa phương đã chủ động gặp gỡ nhà đầu tư, tham vấn nhà đầu tư cách thức làm du lịch như thế nào là hiệu quả mà vẫn không làm ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái. Về phía người dân cũng thay đổi rõ trong nhận thức, xác định làm du lịch để phát triển kinh tế và dần học cách làm du lịch một cách chỉn chu, bài bản.

Cần thêm nhiều giải pháp phát triển

Những năm gần đây, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đang được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cần được ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ... gắn với thực hiện thành công mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững khu vực miền núi. Đây là cơ sở để ngành VH,TT&DL phối hợp với chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai các đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng ở một số khu vực trọng điểm, như: Pù Luông (Bá Thước), Trí Nang (Lang Chánh), Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy)... Đồng thời, tiến hành nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại các huyện miền núi Thanh Hóa; trang bị kiến thức cho các hộ gia đình kinh doanh loại hình du lịch homestay tại một số khu, điểm... nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, trong tương quan với sản phẩm nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái cộng đồng hay tham quan vườn quốc gia vẫn là sản phẩm chiếm tỷ lệ không lớn trong cơ cấu lượng khách đến Thanh Hóa. Du lịch sinh thái còn phải chịu thị trường khách hẹp, khả năng cạnh tranh ở mức trung bình, có khả năng phát triển độc lập, nhưng việc liên kết và thúc đẩy các sản phẩm khác hạn chế... Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng khu vực miền núi còn thiếu, nhất là đường giao thông chưa đồng bộ; các dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, y tế, thông tin liên lạc, điện nước... còn nhiều hạn chế, bất cập; công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm ở các bản, làng, nhà sàn truyền thống phục vụ khách du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế về trình độ và kỹ năng nghề... là những hạn chế cơ bản khiến du lịch sinh thái chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Thiết nghĩ, để du lịch sinh thái trở thành một sản phẩm bổ trợ đắc lực cho sản phẩm mũi nhọn là nghỉ dưỡng biển, bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, trước hết cần tập trung nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá... Mặt khác, để tạo đòn bẩy cho du lịch sinh thái phát triển, thì việc kêu gọi đầu tư một số khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với trải nghiệm cộng đồng và các hoạt động tĩnh để tạo không gian đối lập, bổ trợ cho các khu du lịch nghỉ dưỡng biển sôi động là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, cần hình thành thêm một số điểm nhấn cho loại hình du lịch sinh thái như: Xây dựng các tuyến đi bộ, xe đạp xuyên rừng, các chòi vọng cảnh, các tuyến quan sát động thực vật, đầu tư hệ thống tàu thuyền chất lượng cao phục vụ du lịch khám phá, thưởng ngoạn lòng hồ... Ngoài ra, cần có sự liên kết giữa các địa phương lân cận trong việc ban hành chính sách khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch chung và thị trường khách du lịch.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]