(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Du lịch làng nghề hiện đang là loại hình du lịch mới có sức hút đối với nhiều du khách trong và ngoài nước. Sức hấp dẫn của du lịch làng nghề không chỉ đơn thuần là được ngắm nhìn những sản phẩm thủ công, tinh xảo được làm từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người dân bản địa mà quan trọng hơn, du khách như tìm được cảm giác bình yên và khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống ở các làng nghề.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển du lịch làng nghề - Tiềm năng còn bỏ ngỏ (Kì 1): Nếp cũ, hồn xưa ở những làng nghề truyền thống

(VH&ĐS) Du lịch làng nghề hiện đang là loại hình du lịch mới có sức hút đối với nhiều du khách trong và ngoài nước. Sức hấp dẫn của du lịch làng nghề không chỉ đơn thuần là được ngắm nhìn những sản phẩm thủ công, tinh xảo được làm từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người dân bản địa mà quan trọng hơn, du khách như tìm được cảm giác bình yên và khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống ở các làng nghề.

Về với những làng nghề truyền thống, chúng tôi như tìm về cảm giác bình yên, lắng đọng trong tâm hồn. Nếp cũ, hồn xưa vẫn còn lưu lại khá rõ nét ở những vùng quê hiền hòa ấy. Từ làng mây tre đan Đan Vĩ, dệt nhiễu Hồng Đô, làng mộc Đạt Tài... cho đến nghề đúc đồng ở Kẻ Chè đều lưu giữ được nét đẹp lâu đời.

Làng Đan Vĩ, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) từ lâu đã nổi tiếng bởi nghề mây tre đan. Ban đầu làng chỉ có vài gia đình làm nghề đan lát các sản phẩm thông dụng như rổ, rá, dần, sàng... phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con thôn xóm, sau nghề lan rộng ra cả làng, xã rồi vượt ra khỏi lũy tre làng để phục vụ nhu cầu bà con trong huyện, trong tỉnh.

Nghề mây tre đan đã có hơn 100 năm phát triển với bao biến cố thăng trầm nhưng nghề vẫn đứng vững nhờ người dân làng nghề đã mạnh dạn áp dụngtiến bộ KHKT đưa máy móc và cải tiến mẫu mã, tạo ra sản phẩm ngày càng phong phú, vừa mang tính giá trị sử dụng vừa có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao, đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống hiện đại. Sản phẩm mây tre đan không chỉ có mặt trong tỉnh, trong nước mà vươn ra nước ngoài, xuất khẩu sang các nước Nhật, Hàn, Trung Quốc...

Bên cạnh việc làm mới các sản phẩm truyền thống, các nghệ nhân đi sâu nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng, khách hàng. Các đồ vật trang trí nội thất như tranh phong cảnh, hoành phi, rèm cửa, chao đèn... Đặc biệt nhất là sản phẩm chao đèn (lồng chụp bóng đèn)được làm với ý tưởng độc đáo, cách tạo màu tự nhiên giúp cho sản phẩm thêm thân thiện với môi trường và trở thành món quà được nhiềudu khách lựa chọn khi có cơ hội ghé thăm.

Nghề mộc ở làng Đạt Tài (xã Hoằng Hà, Hoằng Hóa) có cách đây khoảng 400 năm. Nghề được truyền do một người thợ quê gốc ở Ý Yên, Nam Định. Ông là thợ cả của tốp thợ vào làng Đạt Tài làm nhà rồi lấy vợ và truyền nghề cho người Đạt Tài. Thợ mộc Đạt Tài không chỉ giỏi làm nhà, đình, chùa, nghè, miếu... mà còn kiêm cả nghề thợ trạm với các sản phẩm nổi tiếng như: hoành phi, cuốn thư, câu đối và các đồ thờ rất tinh xảo... Ngày nay, để bắt nhịp kinh tế thị trường, ngoài giữ vững và duy trì các nghề truyền thống, người làm nghề mộc ở Đạt Tài còn chuyển sang đóng bàn ghế, tủ... theo nhu cầu của khách hàng.

Dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) cũng là một trong những làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm tuổi. Người dân trong làng không rõ nghề được truyền từ đâu và tự bao giờ nhưng vào những năm trước 1945, tơ Nam Định, nhiễu Hồng Đô đã nổi tiếng khắp cả nước. Theo các cụ cao niên trong làng thì để có được những tấm nhiễu đẹp, mịn ngoài việc lựa chọn tơ tốt, sợi phải bóng, đòi hỏi người thợ dệt nhiễu phải ngồi thật cân đối, con thoi đưa qua, đưa lại phải đều tay, có sức bền và tâm huyết với nghề thì mới tạo ra những sản phẩm đẹp đến tay người tiêu dùng.

Nhiễu Hồng Đô được làm từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ. (Ảnh: Đăng Văn)

Tuy nhiên, ngày nay trong cơn lốc thị trường, với sự xuất hiện và cạnh tranh nhiều mặt hàng... dệt nhiễu Hồng Đô đã trải qua những thời điểm khó khăn tưởng chừng như mai một. Tạo điều kiện cho nghề phát triển, từ năm 2010 xã đã vận động người dân chuyển đổi giống dâu cũ đưa giống dâu mới có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Bên cạnh đó, người dân làng nghề cũng mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu, đồng thời tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đi tiên phong trong việc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm tơ Hồng Đô là Công ty TM&DV Thanh Đức, thôn Hồng Đô với giá trị hợp đồng tiêu thụ sản phẩm từ tơ tằm lên đến hàng chục tỉ đồng với thị trường tiêu thụ chủ yếu là Thái Lan, Lào, Campuchia...

Từ bao đời nay người Trà Đông (xưa gọi là Kẻ Chè) thuộc xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa vẫn còn lưu giữ và phát huy nghề đúc đồng thủ công truyền thống. Từ bàn tay tài hoa, óc sáng tạo và tình yêu nghề, các nghệ nhân đã khôi phục, phát triển ra nhiều loại sản phẩm truyền thống như đúc chuông, trống, tượng, đồ thờ, lư hương, con giống...và đỉnh cao nhất là nghệ thuật đúc trống đồng Đông Sơn với những chi tiết tinh xảo theo đúng hoa văn kiểu dáng xưa. Mặc dù nghề đúc đồng tốn nhiều sức lao động, tuy nhiên giá trị sản xuất đem lại từ nghề này rất cao. Vì vậy, nghề đúc đồng Trà Đông tồn tại phát triển từ đời này sang đời khác.

Dù đã tồn tại hàng trăm năm tuổi, người làm nghề đúc đồng ở Thiệu Trungvẫn đúc theo cách thủ công truyền thống.

Nghệ nhân Lê Văn Bảy người theo đuổi học nghề từ khi 7- 8 tuổi nhưng học hết lớp 7, anh mới dành toàn bộ thời gian của mình để học tập sản phẩm đúc đồng truyền thống. Nghề đã không phụ người, anh là người đã đúc thành công hàng trăm chiếc trống đồng. Theo anh Bảy, đúc trống đồng không đơn giản. Người làm nghề ngoài kinh nghiệm cần có tâm huyết để khi chế tác một sản phẩm có ý nghĩa lịch sử, văn hóa phải thực hiện không chỉ bằng từng cảm nhận qua vân ngón tay mà cả ở độ tinh của trí tuệ và tâm hồn người thợ. Nói không quá, mỗi khi đúc thành công một chiếc trống đồng,tôi có cảm giác như vừa khám phá một chi tiết rất nhỏ trong lịch sử nghìn năm của dân tộc. Ngoài đúc trống đồng theo phương pháp truyền thống, xưởng của anh Bảy còn đúc nhiều sản phẩm nổi tiếng như: Lư hương, cồng chiêng, đúc tượng bán thân thờ tổ tiên, ông bà... và những sản phẩm đã trở thành thương hiệu.

Qua đi thời gian và... qua bao biến cố thăng trầm, những làng nghề truyền thống vẫn khẳng định được giá trị trường tồn của mình. Cho dù, trong quá trình sản xuất, có những làng nghề phải thay đổi mẫu mã của một số sản phẩm để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, hoặc đầu tư mua thêm máy móc để nâng cao năng suất lao động thì cái nền của giá trị truyền thống với những tiếngđục đẽo, trạm khắc của chiếc dùi, đục ở làng mộc Đạt Tài hay cách đúc đồng theo phương pháp thủ công truyền thống ở Kẻ Chè và... ươm tơ, dệt nhiễu ở Hồng Đô cũng không thể mất đi những “Nếp cũ, hồn xưa” .

Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]