(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước các cấp thông qua nhiều chương trình, chính sách, cơ chế, tiềm năng du lịch ở miền Tây Thanh Hóa đang dần được đánh thức, trở thành động lực quan trọng, góp phần phát triển KT-XH, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững trên vùng đất khó đang còn không ít việc phải làm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển du lịch trên vùng đất khó (Bài 1): Đánh thức đại ngàn

Những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước các cấp thông qua nhiều chương trình, chính sách, cơ chế, tiềm năng du lịch ở miền Tây Thanh Hóa đang dần được đánh thức, trở thành động lực quan trọng, góp phần phát triển KT-XH, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững trên vùng đất khó đang còn không ít việc phải làm.

Nhờ đánh thức tiềm năng phát triển du lịch, cuộc sống người dân ở nhiều huyện miền núi Thanh Hóa dần được nâng cao, bức tranh KT-XH ngày càng trở nên khởi sắc, đưa miền Tây trở thành địa bàn trọng điểm về du lịch của tỉnh.

Sức hút từ đại ngàn

Nếu bạn là người yêu thích du lịch khám phá, trải nghiệm hay đơn giản đã từng có những ngày nghỉ hiếm hoi ở bất kỳ điểm đến nào trên mảnh đất miền Tây xứ Thanh, chắc chắn bạn sẽ quay trở lại. Theo chia sẻ của một số phượt thủ thì hiếm có nơi nào hấp dẫn như khu vực này.

Với 11 huyện miền núi, diện tích rộng hơn 8.000 km2, chiếm đến ¾ diện tích Thanh Hóa, nơi đây sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, với: rừng, hồ, núi, hang động, thác nước và nhiều cảnh quan, danh thắng... Đến đây, du khách sẽ được thỏa sức với niềm đam mê khám phá thiên nhiên hoang dã, tận hưởng không khí trong lành ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên; được tham quan những điểm đến ly kỳ, hấp dẫn như suối cá thần Cẩm Lương, hang Ma; và được đắm mình trong những dòng thác nước hùng vĩ, nên thơ...

Đặc biệt về mặt địa hình, cảnh quan miền núi phía Tây hoàn toàn có những lợi thế để phát triển đầy đủ các loại hình du lịch, như: thể thao nước, leo núi mạo hiểm, du lịch tham quan nghỉ dưỡng, sinh thái, nhất là loại hình du lịch cộng đồng.

Nói đến miền Tây xứ Thanh cũng là nói đến vùng có tiềm năng, thế mạnh về văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc gắn với các lễ hội truyền thống. Nơi đây có 6 dân tộc thiểu số chiếm số lượng lớn của tỉnh là: Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao và Khơ Mú vẫn lưu giữ được gần như nguyên vẹn nét sinh hoạt văn hóa. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển các sản phẩm và loại hình du lịch đặc trưng, hấp dẫn khi kết hợp với vốn tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Du lịch miền Tây xứ Thanh ngày càng thu hút sự đầu tư.

Không chỉ dừng lại ở đó, miền Tây xứ Thanh còn hấp dẫn du khách bởi khí hậu đặc trưng của khu vực vùng miền núi, mang đến cảm giác dễ chịu, thư thái và những trải nghiệm thú vị về thời tiết chỉ trong một ngày. Có những nơi được ví như Sa Pa thứ 2 - khu vực Son Bá Mười (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước), với kiểu khí hậu lạnh đặc trưng hoàn toàn khác biệt với các điểm đến khác, thuận lợi cho phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm.

Khơi dậy một vùng tiềm năng

Nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình giảm nghèo nhanh và bền vững, trong quá trình tập trung phát triển KT-XH nói chung và du lịch nói riêng của khu vực miền núi, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt thông qua nhiều nghị quyết, chương trình, chính sách phát triển như: Nghị quyết 37/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và đảm bảo QP - AN vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; Nghị quyết 39/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010; Quyết định số 253 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN miền Tây tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Nghị quyết số 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020...

Cùng với đó phải kể đến sự vào cuộc tích cực của các địa phương, như Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân, Lang Chánh, Bá Thước... đã tập trung khai thác, phát triển một số loại hình du lịch bước đầu phát huy hiệu quả, thu hút khách tham quan, du lịch. Mặt khác, nhận thức rõ những tiềm năng to lớn được thiên nhiên ban tặng, đặc biệt là vai trò của phát triển du lịch, đến nay các huyện miền núi đã xây dựng Đề án phát triển du lịch của địa phương, trong đó nhiều địa phương đã xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, khai thác các giá trị tiềm năng phục vụ phát triển du lịch.

Nhờ sự quan tâm, đẩy mạnh phát triển du lịch, trong những năm gần đây nhiều khu, điểm du lịch khu vực miền Tây xứ Thanh đã được đầu tư, khai thác có hiệu quả, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Cũng nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận người dân ngày càng được nâng cao, góp phần phát triển KT-XH địa phương và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của “ngành công nghiệp không khói” xứ Thanh.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]