(vhds.baothanhhoa.vn) - Du lịch cộng đồng không chỉ tạo ra hiệu ứng tích cực để thu hút khách đến với các bản, làng ở miền Tây xứ Thanh mà còn là một hướng chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp cho người dân, từ đó đóng góp tích cực vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Ngược lại xây dựng NTM cũng tạo ra hệ thống giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển du lịch trên vùng đất khó (Bài 3): Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch

Du lịch cộng đồng không chỉ tạo ra hiệu ứng tích cực để thu hút khách đến với các bản, làng ở miền Tây xứ Thanh mà còn là một hướng chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp cho người dân, từ đó đóng góp tích cực vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Ngược lại xây dựng NTM cũng tạo ra hệ thống giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện...

Khi nông dân làm du lịch

Một ngày đầu tháng 7/2018, chúng tôi trở lại thăm một số bản du lịch của huyện Bá Thước - điểm sáng trong phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM của khu vực miền núi. Những nếp nhà sàn rộn ràng du khách tham quan; người dân trong thôn vui vẻ đón tiếp, hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm những hoạt động thường nhật của thôn bản... tạo nên bức tranh đa sắc màu, hình ảnh về một cuộc sống mới khởi sắc và phát triển.

Gia đình anh Hà Thanh Lịch (bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước) trước đây vốn quanh năm quen với việc nương rẫy, nhiều năm gắn bó với rừng nhưng đời sống của gia đình anh luôn “thiếu trước hụt sau”. Kể từ khoảng năm 2010, gia đình anh bắt đầu đón được khách du lịch. Thời gian đầu khách đến chưa nhiều, nhiều thứ còn bỡ ngỡ, làm homestay cũng chỉ là việc “làm thêm”. Lâu dần, thông qua các đoàn khảo sát, gia đình anh kết nối được với một số công ty du lịch lữ hành ở Hà Nội và một số tổ chức hoạt động về du lịch, đến nay hoạt động dịch vụ du lịch homestay của gia đình anh ngày càng được quy mô, bài bản.

Anh Lịch chia sẻ, trước đây chúng tôi không nghĩ rằng những công việc, thực phẩm hàng ngày... của người dân miền núi lại trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. Chúng tôi phải mất một thời gian khá dài để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch. Tôi đã nhận ra rằng, homestay không chỉ đơn thuần là dịch vụ lưu trú mà còn phải biết kết nối và tổ chức sản phẩm, dịch vụ du lịch, tạo ra những trải nghiệm cho du khách. Chính vì vậy, chúng tôi đặc biệt coi trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa, môi trường để thu hút du khách, đảm bảo nguồn khách ổn định. Cũng từ đó chúng tôi có điều kiện để đóng góp xây dựng quê hương, làng bản.

Đó cũng chính là câu chuyện của nhiều hộ gia đình ở những khu, điểm du lịch khác trên địa bàn các huyện miền núi. Du lịch với họ không chỉ là hướng chuyển đổi nghề nghiệp mà còn giúp họ ngày càng có điều kiện tham gia vào việc xây dựng NTM ở địa phương.

Những kết quả bước đầu

Lang Chánh là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa có hệ thống rừng nguyên sinh phong phú, khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan sinh thái nguyên sơ, nhiều di tích lịch sử văn hóa và sự đa dạng của phong tục tập quán, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc. Với hơn 90% là dân tộc Thái, Mường sinh sống trên địa bàn, Lang Chánh có những lợi thế riêng để phát triển du lịch cộng đồng, là điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Đường giao thông vào khu vực thác Ma Hao (xã Trí Nang, Lang Chánh) thuận lợi cho du khách tham quan.

Trong những năm gần đây, huyện này chú trọng và tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái tại xã Trí Nang gắn với việc đẩy mạnh xây dựng NTM. Trong đó đặc biệt chú trọng gìn giữ, tôn tạo những giá trị văn hóa, lịch sử bản địa; bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn xã hội.

Kết quả đánh giá bình quân toàn huyện đạt 10,7 tiêu chí trong năm 2017. Cũng trong năm 2017, tổng kinh phí được phân bổ thực hiện xây dựng các công trình cơ bản thuộc Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện 38,2 tỷ đồng. Theo đó cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, tạo mọi điều kiện để thu hút du khách đến với các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện.

Việc gắn phát triển du lịch với xây dựng NTM, hệ thống đường giao thông và các công trình cộng đồng ở thôn, bản khu vực miền núi ngày càng được quan tâm đầu tư đầy đủ; người dân cũng tích cực tham gia đóng góp làm đường giao thông cũng như các công trình sinh hoạt cộng đồng, tự giác trong bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống để tạo sức hút đối với du khách.

Ông Lương Văn Thuân - Chủ tịch UBND xã Thành Lâm (Bá Thước) cho biết,xã Thành Lâm có bản Đôn được chọn là địa phương thí điểm xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định việc xây dựng NTM với phát triển du lịch là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, việc phát triển du lịch luôn được ưu tiên, gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135, đầu tư xây dựng NTM như: đường giao thông, môi trường... Mặc dù mới bắt đầu đón khách kể từ năm 2013, đến nay xã đã đạt được những kết quả khả quan. Đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng NTM. Đến nay xã đã đạt được 10/19 tiêu chí, bình quân thu nhập đầu người đạt 18 triệu đồng/ người/ năm... Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có hướng đề xuất mở rộng địa bàn hoạt động du lịch cũng như đưa thêm sản phẩm dịch vụ du lịch vào phục vụ du khách.

Không chỉ riêng Bá Thước hay Lang Chánh mà nhiều huyện miền núi khác như: Thường Xuân, Quan Hóa, Như Thanh, Như Xuân... đang ngày càng chứng minh được sức hút đối với du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Và tận dụng cơ hội này để chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân vùng khó cũng là một hướng đi bền vững trong xây dựng NTM.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]