(vhds.baothanhhoa.vn) - Với số lượng cơ sở lưu trú (CSLT) xếp thứ 9 toàn quốc, đã phản ánh phần nào tốc độ phát triển dịch vụ du lịch của Thanh Hóa. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng, đặc biệt là đối với “dàn sao” đã được xếp hạng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quản lý ‘dàn sao’ cơ sở lưu trú: Chuyện không hề dễ

Với số lượng cơ sở lưu trú (CSLT) xếp thứ 9 toàn quốc, đã phản ánh phần nào tốc độ phát triển dịch vụ du lịch của Thanh Hóa. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng, đặc biệt là đối với “dàn sao” đã được xếp hạng.

Tốc độ phát triển CSLT tăng mạnh

Theo thống kê của Sở VH,TT&DL, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 760 CSLT du lịch, với tổng số 27.300 phòng, trong đó có 245 khách sạn tương đương 12.590 phòng được xếp hạng từ 1 - 5 sao. Thanh Hóa có các loại hình lưu trú tương đối phong phú, đa dạng, từ loại hình lưu trú cao cấp như khách sạn nghỉ dưỡng (resort), căn hộ du lịch, biệt thự du lịch bảo đảm tiêu chuẩn... đến khách sạn, nhà nghỉ nhỏ... phù hợp với nhu cầu của nhiều phân khúc khách du lịch.

Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, đã có 130 CSLT được đầu tư xây dựng, với tổng giá trị khoảng 1.500 tỷ đồng và khoảng 8.800 phòng mới đưa vào sử dụng, tập trung chủ yếu tại Khu du lịch Hải Tiến, TP Sầm Sơn, TP Thanh Hóa và một số trung tâm huyện, thị khác. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến các khách sạn Centrer, Sao Mai, Lam Kinh, Royal, Hoàng Gia Luxury, Dragon Sea...

Có thể nói, việc đa số các CSLT được đầu tư mới có quy mô và trang thiết bị hiện đại, dịch vụ bổ trợ phong phú, đầu tư cải tạo, nâng cấp theo hướng mở rộng quy mô và chất lượng dịch vụ, không chỉ cho thấy năng lực đón tiếp, phục vụ du khách của du lịch Thanh Hóa, mà còn góp phần đổi mới hình ảnh du lịch Thanh Hóa theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. Cũng nhờ đó mà tính đến hết năm 2017, Thanh Hóa xếp thứ 9 toàn quốc về số lượng CSLT và thứ 10 về số phòng lưu trú.

Tuy nhiên, thực tế với tốc độ phát triển một cách nhanh chóng của các loại hình CSLT, khó có thể phủ nhận, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực lưu trú du lịch sẽ gặp phải không ít khó khăn, hạn chế. Trong khi, việc lành mạnh hóa môi trường du lịch lại cần bắt đầu từ việc siết chặt quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ của các CSLT trên địa bàn.

Với số lượng CSLT trên địa bàn tỉnh gây không ít khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch.

Quản lý “sao”, chuyện không dễ

Thực tế có những CSLT sau khi được thẩm định và công nhận đã sao nhãng việc duytrì chất lượng, loại, hạng. Trong đó, hạn chế lớn nhất là chất lượng, thái độ phục vụ và nguồn nhân lực. Lý giải cho điều này, không thể không nhấn mạnh đến sự “thiếu hụt” trong lối tư duy kinh doanh của chủ một số CSLT. Bên cạnh đó là những hạn chế trong khâu quản lý, gồm cả năng lực quản lý của từng cơ sở và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Theo kết quả thanh, kiểm tra các CSLT trên địa bàn tỉnh của ngành VH,TT&DL, trong 2 năm 2016 và 2017, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra gần 100 cơ sở kinh doanh lưu trú và lữ hành. Qua đó, phát hiện và nhắc nhở đối với 18 cơ sở, tiến hành xử lý 10 cơ sở vi phạm các quy định kinh doanh liên quan đến công tác báo cáo thống kê, niêm yết giá dịch vụ, không làm hồ sơ đăng ký thẩm định xếp hạng CSLT, chấn chỉnh việc treo biển hiệu quảng cáo không đúng loại hạng... với tổng số tiền phạt 70 triệu đồng. Ngoài ra, tại các khu, điểm du lịch trọng điểm như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, UBND các huyện, thành phố cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra các điều kiện đón tiếp, phục vụ khách, qua đó, tiến hành xử lý 100/500 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt gần 600 triệu đồng...

Gần đây nhất, liên quan đến sự việc Khách sạn Cát Đại Lợi (TP Sầm Sơn) bị khách hàng tố “đuổi khách ngay trong đêm”, Tổng cục Du lịch (TCDL) đã ban hành Công văn số 905/TCDL - KS gửi Sở VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa về việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch tại Sầm Sơn. Về vấn đề này, phía Sở VH,TT&DL Thanh Hóa cũng đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra và xác minh thông tin, nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.

Liên quan đến việc thẩm định, xếp hạng các CSLT, từ năm 2017 trở về trước, đây được xem là một “cây gậy” pháp lý quan trọng, nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương thực hiện việc quản lý, kiểm tra, đánh giá chất lượng và nắm bắt các điều kiện kinh doanh tại các CSLT.

Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2017, ngành VH,TT&DL đã phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương thực hiện thẩm định và tái thẩm định đối với 480 CSLT, trong đó có 110 khách sạn được công nhận hạng từ 1 đến 5 sao và 370 nhà nghỉ được công nhận đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Du lịch 2017 thì việc xếp hạng các CSLT là do các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch tự nguyện đăng ký xếp hạng CSLT với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sự “tự nguyện” này đang phần nào ảnh hưởng đến việc nắm bắt và đánh giá chất lượng các CSLT của ngành chức năng và các địa phương. Mặt khác, nếu nhận thức của các chủ cơ sở kinh doanh chưa cao, chưa đồng bộ và chưa thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng ký xếp hạng như một sự cam kết về chất lượng cho CSLT, thì khi ấy họ sẽ chưa thể có được một sự bảo đảm cũng như tin tưởng của khách hàng.

Cũng việc xếp hạng các CSLT được trao “quyền tự quyết” cho chính cơ sở kinh doanh, cho nên công tác thanh tra, kiểm tra trở thành một giải pháp khả thi và hữu hiệu trong việc quản lý hoạt động và kiểm tra chất lượng các CSLT hiện nay.

Thiết nghĩ, sự tăng trưởng về số lượng hay quy mô các CSLT là một phương diện phản ánh tốc độ phát triển hoạt động du lịch Thanh Hóa hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó yêu cầu về chất lượng và quản lý hoạt động của các CSLT cũng đang đặt ra cho ngành chức năng và chính quyền một số địa phương nhiều vấn đề cần quan tâm. Bởi trong thực tế, bên cạnh những CSLT được đầu tư đồng bộ, hiện đại cả về cơ sở vật chất, nhân lực và xây dựng uy tín, thương hiệu... vẫn còn tồn tại không ít “sao” kém chất lượng.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]