(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu như một số năm trước đây, nhất là dịp đầu xuân năm mới, chúng ta dễ bắt gặp hình ảnh rác thải bừa bãi trong khuôn viên của không ít điểm đến. Nhưng giờ đây hình ảnh này ngày càng ít hơn, thay vào đó là khuôn viên khang trang, sạch đẹp. Đó là kết quả của một phần đóng góp từ ý thức bảo vệ môi trường của khách du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng lượng khách là tăng lượng rác?

Nếu như một số năm trước đây, nhất là dịp đầu xuân năm mới, chúng ta dễ bắt gặp hình ảnh rác thải bừa bãi trong khuôn viên của không ít điểm đến. Nhưng giờ đây hình ảnh này ngày càng ít hơn, thay vào đó là khuôn viên khang trang, sạch đẹp. Đó là kết quả của một phần đóng góp từ ý thức bảo vệ môi trường của khách du lịch.

Bảo vệ môi trường ngày càng được du khách quan tâm

Chúng tôi có mặt tại khu di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đặt (Thường Xuân) vào những ngày đầu xuân năm mới, lượng khách đổ về đây so với những năm trước tăng một cách đột biến. Theo ghi nhận của phòng VHTT huyện Thường Xuân, nếu như năm 2018 toàn huyện thu hút được 82 nghìn lượt khách thì chỉ trong những ngày đầu năm mới (từ mùng 1 đến mùng 10 tháng Giêng), các điểm du lịch đã thu hút khoảng 81 nghìn lượt khách, chủ yếu tập trung tại khu di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt. Điều đáng mừng là lượng khách lớn song khuôn viên di tích luôn được đảm bảo sạch sẽ.

Bà Lê Thị Ngà (TP Thanh Hóa) cho biết, chúng tôi rất phấn khởi vì môi trường tại đây trong sạch, không khí thoáng đãng, tạo tâm lý thoải mái, phấn khởi cho người dân khi đến đây hành hương. Trước không gian sạch đẹp, chúng tôi cũng tự ý thức được cần phải bảo vệ môi trường, bỏ rác và đốt vàng hương đúng nơi quy định.

Khu di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đặt (Thường Xuân) luôn được đảm bảo sạch đẹp.

Cùng với các điểm đến văn hóa, tâm linh trên địa bàn huyện Thường Xuân, năm nay Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) cũng đón một lượng lớn du khách. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi ngay lối vào khu di tích, đường sá được quét dọn sạch sẽ, các thùng rác được bố trí dọc lối ra vào và nhiều điểm trong khuôn viên di tích, du khách đến tham quan chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy định của điểm đến, bỏ rác đúng nơi quy định, không để xảy ra tình trạng rác thải bừa bãi.

Ngoài ra, các điểm đến khác như: Phủ Na (Như Thanh); Am Tiên (Triệu Sơn); đền Độc Cước, đền Cô Tiên (TP Sầm Sơn), khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)... trong dịp đầu xuân năm nay cũng có những chuyển biến tích cực trong vấn đề môi trường, điểm đến luôn được đảm bảo khang trang, sạch đẹp.

Tăng lượng khách là tăng lượng rác?

Theo bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Vietravel chi nhánh Thanh Hóa cho biết, thực tế, trong những năm gần đây Thanh Hóa là một trong những địa phương có chỉ số tăng trưởng về lượng khách khá nhanh, do đó để bảo vệ điểm đến xanh - sạch - đẹp một cách bền vững, hạn chế tình trạng tăng một lượng khách là tăng một lượng rác, cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, du khách thì các cấp, ngành chức năng cần có những động thái nhằm đưa ra những giải pháp thiết thực.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hà, tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh cần được đặt thêm thùng rác, điểm thu gom rác, thường xuyên dọn dẹp, nhất là vào các ngày cao điểm. Tiếp đó cần có những khuyến cáo, bảng nội quy, quy định du khách tại những nơi không được phép xả rác, bố trí nhân viên kiểm soát, nhắc nhở du khách trong việc bảo vệ môi trường... Đặc biệt, các quy định về đánh giá tác động môi trường phải được tiến hành trong tất cả các quy hoạch phát triển du lịch.

Mặt khác, cần phát triển các chương trình giáo dục toàn dân và giáo dục trong các trường học về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Có thể lồng ghép đào tạo và giáo dục về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch trong chương trình giảng dạy của hệ thống đào tạo các cấp về du lịch, cũng như giáo dục nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường du lịch cho khách du lịch, cộng đồng dân cư thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong những năm gần đây Thanh Hóa đã và đang khuyến khích áp dụng mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, mô hình này sẽ thực hiện kinh doanh du lịch dựa trên cơ sở chia sẻ lợi ích với cộng đồng dân cư - nơi có tài nguyên du lịch, trang bị cho cộng đồng những kiến thức cơ bản về du lịch và bảo vệ môi trường du lịch, giúp cộng đồng dân cư vừa duy trì được lối sinh hoạt truyền thống của mình, vừa bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao thu nhập.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]