(vhds.baothanhhoa.vn) - Không ồn ào, náo nhiệt như những trung tâm du lịch biển, hơn nữa chi phí cho một chuyến đi cũng không quá lớn, đặc biệt là tính trải nghiệm của loại hình du lịch cộng đồng cao, vì thế loại hình này ngày càng được đông đảo du khách lựa chọn khi đến xứ Thanh. Tuy nhiên, thực tế các hoạt động trải nghiệm tại điểm đến còn rất hạn chế, chưa nhận được sự đánh giá cao từ phía du khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng trải nghiệm để hút khách du lịch cộng đồng

Không ồn ào, náo nhiệt như những trung tâm du lịch biển, hơn nữa chi phí cho một chuyến đi cũng không quá lớn, đặc biệt là tính trải nghiệm của loại hình du lịch cộng đồng cao, vì thế loại hình này ngày càng được đông đảo du khách lựa chọn khi đến xứ Thanh. Tuy nhiên, thực tế các hoạt động trải nghiệm tại điểm đến còn rất hạn chế, chưa nhận được sự đánh giá cao từ phía du khách.

Với 11 huyện miền núi, diện tích rộng hơn 8.000 km2, chiếm đến 3/4 diện tích của cả tỉnh, nơi đây sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, với: rừng, hồ, núi, hang động, thác nước và nhiều cảnh quan, danh thắng... Đặc biệt, đây còn là vùng có tiềm năng, thế mạnh về văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc gắn với các lễ hội truyền thống... Nhờ đó xứ Thanh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó phải những địa điểm nổi tiếng hiện đang thu hút lượng lớn khách du lịch như: Khu BTTN Pù Luông (Bá Thước), bản Hang (xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa), bản Năng Cát (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh), thác Mây (xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành)... Chỉ tính đến cuối năm 2018, lượng khách du lịch đến các điểm du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn tỉnh ước đón 350.000 lượt, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Có thể nói sự phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch cộng đồng miền Tây của tỉnh đã mở ra hướng phát triển KT-XH mới cho người dân cũng như các địa phương nơi đây. Tuy nhiên, thành công không chỉ nằm ở những con số về lượng khách mà quan trọng là sự hài lòng cũng như lượng khách quay trở lại.

Hoạt động trải nghiệm chèo bè mảng, đánh cá trên sông tại xã Sơn Điện (Quan Sơn) thu hút du khách.

Nhắc đến du lịch cộng đồng, du khách thường nghĩ ngay tới những hoạt động mang tính tập thể như cùng ăn - cùng ngủ - cùng sinh hoạt. Đến với du lịch cộng đồng, du khách không chỉ được nghỉ ngơi, thư giãn, khám phá điểm đến mà còn được tham gia vào các hoạt động thường ngày của người dân như: bắt cá, gặt lúa, chế biến món ăn, chèo thuyền... Thế nhưng, không ít ý kiến cho rằng, hoạt động du lịch cộng đồng ở các khu, điểm miền Tây xứ Thanh đang dần trở nên “na ná” giống nhau. Chuyến du lịch chỉ đơn giản nghỉ ngơi tại những ngôi nhà sàn, thưởng thức ẩm thực địa phương, đi bộ khám phá thiên nhiên, giao lưu văn nghệ. Ngoài ra, việc để du khách tham gia vào những hoạt động thường ngày của người dân hầu như chưa được chú trọng, hướng dẫn cụ thể.

Cũng dễ hiểu khi mỗi điểm đến du lịch cộng đồng tại tỉnh Quảng Nam đều trở nên “đắt khách”. Bởi nếu du khách đã từng đến với làng rau Trà Quế hay làng gốm Thanh Hà, tại đây, du khách không chỉ được tham quan, khám phá điểm đến, được hướng dẫn viên giới thiệu cụ thể về quá trình ra đời, phát triển... mà còn được trực tiếp hướng dẫn quy trình sản xuất, tham gia vào hoạt động trồng rau, nặn các sản phẩm ở lò gốm... khiến cho du khách cảm thấy hào hứng, hấp dẫn và hiểu hơn về điểm đến. Từ đó mà mỗi điểm đến đều kéo dài thời gian tham quan, lưu trú của khách du lịch. Thế nhưng, với rất nhiều lợi thế, điều kiện thuận lợi nhưng dường như du lịch cộng đồng xứ Thanh còn rất hạn chế các hoạt động trải nghiệm, hoặc có chăng thì một số trải nghiệm vẫn còn để cho du khách “tự bơi”.

Anh Vũ Việt Trung - du khách đến từ Ninh Bình cho biết, tôi đã từng đi du lịch nhiều nơi ở vùng Tây Bắc, và tôi không nghĩ rằng ở Thanh Hóa lại sở hữu một Khu BTTN Pù Luông có cảnh quan đẹp, nguyên sơ đến như vậy. Về dịch vụ lưu trú tại đây, không gian gần gũi với thiên nhiên, dịch vụ cơ bản khá tốt. Tuy nhiên, các hoạt động khám phá, trải nghiệm cuộc sống thường ngày ở đây hầu như rất “mờ nhạt”, chúng tôi không hề biết ở đây có những hoạt động gì và tham gia như thế nào. Và nếu chỉ đơn giản đến nghỉ dưỡng, ngắm cảnh quan nơi đây, số ngày lưu trú của du khách sẽ rất ngắn.

Về phía các đơn vị lữ hành, một số ý kiến cho rằng, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần có trung tâm đón tiếp du khách, ở đó du khách cần được biết mình sẽ được tham quan, khám phá, trải nghiệm những gì tại điểm đến. Hoặc các địa phương cần xây dựng chương trình cụ thể, để từ đó các đơn vị lữ hành triển khai đến với du khách. Và quan trọng là các hoạt động trải nghiệm khi nào cũng phải đặt ở chế độ sẵn sàng phục vụ, xây dựng địa điểm trải nghiệm cụ thể, tránh tình trạng mặc dù có hoạt động trải nghiệm nhưng khi khách có nhu cầu mới bố trí.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]