(vhds.baothanhhoa.vn) - Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích "quả dưa hấu đỏ" đã trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt không chỉ của vùng quê biển Nga Sơn - Thanh Hóa mà còn cả dân tộc Việt thuở Vua Hùng dựng nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thăm đền thờ Mai An Tiêm ngẫm chuyện dưa hấu đỏ

Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích "quả dưa hấu đỏ" đã trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt không chỉ của vùng quê biển Nga Sơn - Thanh Hóa mà còn cả dân tộc Việt thuở Vua Hùng dựng nước.

Công cuộc khai hoang lấn biển của người dân Nga Sơn gắn liền với nhiều câu chuyện huyền thoại và cổ tích. Đặc biệt là truyền thuyết Mai An Tiêm và quả dưa hấu đỏ - biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, tinh thần lao động cần cù của người lao động nơi đây.

Theo truyền thuyết: Mai An Tiêm tên là Mai Yển - hiệu là An Tiêm, con nuôi Vua Hùng thứ 18. Lúc nhỏ, là cậu bé thông minh, lớn lên Mai An Tiêm khỏe mạnh, luôn chăm chỉ làm việc nên được Vua Hùng yêu quý và gả con gái nuôi làm vợ. Sau một thời gian sống chung với nhau, vợ chồng Mai An Tiêm đã xây cất được nhà cửa khang trang, thóc gạo đầy nhà. Vì thế, một số người ghen ghét tâu với Vua Hùng: An Tiêm coi thường ơn vua, cho rằng của cải làm ra đều là nhờ ơn trời và tài sức của hai vợ chồng hắn với các con đều nhờ ơn Vua. Nghe thế Vua Hùng giận, bèn truyền lệnh đầy cả gia đình Mai An Tiêm ra một hòn đảo hoang vắng ở Biển Đông.

Tại đây cuộc sống vô cùng khó khăn, hai vợ chồng Mai An Tiêm phải vật lộn với thiên nhiên, chọn hang đá làm nhà che mưa, che nắng, dùng cành cây nhọn đào đất tìm nước uống, mài đá để lấy lửa, xuống biển mò cua bắt ốc để ăn... Và có một ngày, một con chim trắng từ phía Tây bay tới làm rơi hạt cây màu đen xuống bãi cát trắng. Nghĩ rằng chim ăn được thì người cũng ăn được, do đó Mai An Tiêm đã đem hạt cây trồng thử. Không ngờ mấy tháng sau, cây lớn bò lan trên mặt đất, có nhiều quả xanh to. Khi bổ ra ăn thử, thấy ruột quả màu đỏ, hạt đen, mùi vị thơmngọt và chàng đã đặt tên cho quả lạ đó là Tây Qua.

Thấy giá trị của quả dưa này, Mai An Tiêm đem hạt dưa gieo trồng khắp đảo. Khi có nhiều dưa rồi, chàng dùng que nhọn vạch chữ vào, thả xuống biển cho trôi đi khắp nơi. Thuyền buôn qua lại, vớt được trái dưa, ăn thấy ngon, liền tìm đến. Rồi từ đó tiếng đồn đi xa là có một giống dưa rất ngon ở trên đảo. Các thuyền buôn tấp nập ghé đến đổi chác đủ thứ vật dụng. Nhờ đó cuộc sống gia đình Mai An Tiêm trở nên khá giả. Tiếng lành đồn xa đến tai nhà Vua. Vua Hùng đã sai người ra đảo xem thực hư và quả đúng vậy. Thấy tinh thần lao động không quản gian khổ của vợ chồng An Tiêm, nhà Vua đã cho mời về phục lại chức vị cũ. An Tiêm về dâng cho vua cha giống dưa hấu mà mình may mắn có được, rồi phân phát hạt dưa cho dân chúng trồng ở những nơi đất cát. Từ đó, nước Văn Lang có thêm trái cây danh tiếng và người dân đã tôn An Tiêm là ông Tổ nghề trồng dưa hấu.

Du khách về tham quan vãn cảnh đền thờ Mai An Tiêm.

Vùng đất đảo hoang xưa kia nay là xã Nga Phú, Nga Sơn đã trở thành địa danh gắn liền với truyền thuyết Mai An Tiêm và quả dưa hấu đỏ. Đây là sản vật nổi tiếng ở Nga Sơn. Trải qua nhiều biến cố thiên nhiên và thăng trầm của lịch sử, nhiều địa danh gắn liền với An Tiêm đã thay đổi. Ngôi đền thờ Mai An Tiêm bị đổ nát hoàn toàn. Đến năm 1990, thể theo nguyện vọng của nhân dân, mọi người đã góp công sức cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã xây dựng lại ngôi đền trên nền móng cũ để có quy mô kiến trúc chữ “Đinh” với 5 gian nhà tiền đường và 3 gian hậu cung.

Di tích Mai An Tiêm đã được xếp hạng cấp tỉnh và là một trong những di tích trọng điểm nằm trong quần thể di tích thắng cảnh phục vụ phát triển du lịch của Nga Sơn. Hiện khu di tích này đã được xây dựng tương đối hoàn thiện. Đền thờ Mai An Tiêm đã được tu bổ, tôn tạo khang trang với 5 gian tiền bái và 3 gian hậu cung phỏng theo kiến trúc đình đền Việt Nam. Cổng tứ trụ gồm 4 cột theo cổng tứ trụ truyền thống, trên đỉnh trụ đắp Phượng lật, bốn mặt lồng đèn đắp hoa văn trang trí hình Long - Ly - Quy - Phượng... Đền còn lưu giữ được 4 sắc phong cổ. Lễ hội Mai An Tiêm thường được tổ chức hằng năm vào ngày 12 - 15/3 âm lịch với nhiều hoạt động phong phú cả phần lễ và phần hội nhằm khơi dậy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, đức tính kiên trì, nhẫn nại và tình yêu quê hương của Mai An Tiêm, góp phần động viên các thế hệ hôm nay phát huy truyền thống của ông cha thuở trước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hồng Vân


Hồng Vân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]