(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi người dân có thể là một hướng dẫn viên giới thiệu, quảng bá hiệu quả về văn hóa, lịch sử của địa phương với du khách. Do đó, việc phát triển du lịch cần có sự tham gia tích cực của người dân. Và chính thái độ, cách ứng xử của cộng đồng là yếu tố quan trọng dẫn đến sự hài lòng của du khách, đóng góp tích cực trong việc phát triển du lịch bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa đẩy mạnh cải thiện môi trường du lịch (Bài 2): Phát huy vai trò của cộng đồng

Mỗi người dân có thể là một hướng dẫn viên giới thiệu, quảng bá hiệu quả về văn hóa, lịch sử của địa phương với du khách. Do đó, việc phát triển du lịch cần có sự tham gia tích cực của người dân. Và chính thái độ, cách ứng xử của cộng đồng là yếu tố quan trọng dẫn đến sự hài lòng của du khách, đóng góp tích cực trong việc phát triển du lịch bền vững.

Điều nhỏ bé làm nên thương hiệu

Nhắc đến du lịch, trước hết phải nói đến “điểm nóng” Sầm Sơn. Trước đây không ít du khách “khiếp vía” với cách làm du lịch của một bộ phận người dân nơi đây. Không chỉ bởi tình trạng ép giá, ép khách, chèo kéo mà chính là biểu hiện thiếu văn minh, lịch sự trong cách ứng xử. Mặc dù chỉ xảy ra ở một bộ phận nhỏ người dân địa phương cũng như đơn vị kinh doanh du lịch, song đã để lại những hậu quả nghiêm trọng, khiến du khách “tẩy chay” ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, uy tín của du lịch Sầm Sơn nói riêng và du lịch Thanh Hóa nói chung.

Trước những tồn tại, hạn chế, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt vào cuộc để ngăn chặn “vấn nạn” đang được dư luận quan tâm. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3771 ngày 29/5/2013 về việc chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp, thực hiện văn minh du lịch Sầm Sơn, đồng thời lấy năm 2013 là “Năm chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp, thực hiện văn minh du lịch”. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo lấy chất lượng môi trường du lịch làm công cụ kích cầu, tập trung thực hiện phong trào “Cảnh quan đẹp, môi trường sạch, ứng xử văn minh”.

Sau một thời gian triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt, đặc biệt là sự nhận thức, vào cuộc của người dân, đến nay Sầm Sơn đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Không còn tình trạng ăn xin, ăn mày, cách ứng xử của cộng đồng cũng trở nên thân thiện... Từ chỗ đứng trước nguy cơ bị tẩy chay, đến nay Sầm Sơn đang vươn lên trở thành một trong những đô thị du lịch trọng điểm của cả nước.

Cộng đồng ngày càng được đào tạo bài bản về kỹ năng, nghiệp vụ du lịch.

Cùng với Sầm Sơn, trong những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng như: Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa... Mà trong đó Bá Thước là ví dụ điển hình. Với cách làm, phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch, gắn quyền lợi với trách nhiệm trong bảo vệ nguồn tài nguyên, chia sẻ lợi ích từ du lịch cho cộng đồng. Đến nay, một số bản như: bản Đôn, bản Hiêu... của huyện đã trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hồng Đăng (du khách đến từ Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi cảm thấy cực kỳ dễ chịu và thư giãn khi đến bản Đôn. Ở đây môi trường sạch sẽ, đặc biệt là người dân ở đây nấu ăn rất ngon. Nhưng hơn tất cả, chúng tôi cảm thấy vui vì người dân ở đây đón tiếp chúng tôi như người thân của mình”.

Theo như chia sẻ của vị khách đến từ Hà Nội cho thấy, cũng dễ hiểu khi du khách đến đây ngày càng đông, và đặc biệt là các khu, điểm du lịch cộng đồng miền Tây chưa từng để xảy ra sự việc nào “đáng tiếc” trong hoạt động du lịch. Bởi đến đây du khách không chỉ được tận hưởng khí hậu mát mẻ, thiên nhiên trong lành mà hơn cả chính là sự đón tiếp nồng hậu, thái độ chân thành của người dân bản địa.

Cần cách làm bài bản

Ngày 1/1/2018, Luật Du lịch có hiệu lực, trong đó có quy định về sự tham gia và trách nhiệm phát triển du lịch của cộng đồng. Vấn đề không mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động du lịch có sự chung tay của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, để phát huy tốt vai trò của họ, hướng đến sự phát triển bền vững thì cần cách làm bài bản.

Theo TS Vũ Văn Tuyến - Trưởng khoa Du lịch, Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa, cộng đồng dân cư chính là trung tâm của phát triển du lịch, mỗi người dân có thể là một hướng dẫn viên giới thiệu, quảng bá hiệu quả về văn hóa, lịch sử của địa phương với du khách. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch cần có sự tham gia tích cực của người dân. Tuy nhiên, thực tế tại Thanh Hóa hiện nay, đa số cộng đồng dân cư khá bị động khi tham gia hoạt động du lịch. Do đó, để phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch, cần xây dựng những mô hình bài bản, khoa học.

TS Vũ Văn Tuyến đề xuất, mỗi khu, điểm du lịch cộng đồng nên thành lập một ban quản lý du lịch để tổ chức hoạt động, phân bổ nguồn lực, đưa ra tiêu chí phục vụ khách, phối hợp với chính quyền và các công ty du lịch xây dựng sản phẩm tốt, tránh khai thác tài nguyên quá đà, bảo đảm quyền lợi từng thành viên.

Ông Lò Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, trong những năm gần đây trên địa bàn huyện đã và đang phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào hoạt động du lịch, địa phương cũng đã đưa ra nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch miễn phí cho cộng đồng... Và cho đến nay chúng tôi cũng chưa thu bất kỳ loại thuế nào đối với các hộ làm du lịch. Hiện nay chúng tôi đã xây dựng kế hoạch về công tác quản lý hoạt động dịch vụ, xây dựng khung giá dịch vụ... để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm tạo ra sự thống nhất trong hoạt động du lịch, theo đó quyền lợi của cộng đồng vừa được đảm bảo và hoạt động du lịch cũng trở nên bài bản.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia lĩnh vực du lịch, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích người dân tham gia, tạo điều kiện để người dân phát huy giá trị các loại hình văn hóa, nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống để phục vụ du khách. Nhờ đó, họ không chỉ có thêm thu nhập mà còn góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống. Và quan trọng nhất là giúp người dân nhận thức được vai trò của phát triển du lịch đối với địa phương, hiểu cách làm du lịch, từ đó tự giác tham gia. Có như vậy mới có thể phát triển du lịch bền vững.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]