(vhds.baothanhhoa.vn) - Điểm đến du lịch “văn minh, thân thiện” được xác định vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp góp phần phát triển du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây cũng chính là mục tiêu được tỉnh đặt lên hàng đầu, trước các mục tiêu về phát triển các chỉ số khác trong hoạt động du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa đẩy mạnh cải thiện môi trường du lịch (Bài cuối): Hướng tới một xứ Thanh văn minh, thân thiện

Điểm đến du lịch “văn minh, thân thiện” được xác định vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp góp phần phát triển du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây cũng chính là mục tiêu được tỉnh đặt lên hàng đầu, trước các mục tiêu về phát triển các chỉ số khác trong hoạt động du lịch.

Lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử

Tôi từng được đọc câu chuyện của một du khách người Đức sau chuyến thăm Việt Nam, đăng trên báo Nhân Dân, trong đó có đoạn: “...Khoảng năm 1993, chúng tôi gặp một vài du khách Mỹ lần đầu tiên sang Việt Nam và được chứng kiến những giọt nước mắt cảm động của họ trước thịnh tình của người nông dân Việt Nam. Có người Mỹ đã ứa nước mắt nói rằng cuộc chiến tranh mà họ từng gây ra ở Việt Nam khiến họ xấu hổ và chuyến đi Việt Nam là để sám hối, song không thể ngờ rằng họ được người Việt Nam đón tiếp lịch sự đến vậy”.

Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ, song thiết nghĩ, việc xây dựng hình ảnh du lịch “văn minh, thân thiện” không phải được bắt nguồn từ điều gì đó quá khó khăn, lớn lao, mà được bắt nguồn từ những cử chỉ, nụ cười, từ những câu nói cảm ơn sau khi du khách sử dụng hàng hóa, dịch vụ của mình.

Cho đến nay, tại Thanh Hóa, sau một thời gian “cải tổ”, hoạt động du lịch đã bắt đầu cải thiện theo hướng tích cực. Tại Sầm Sơn, Sở VH,TT&DL đã tiến hành cuộc khảo sát đối với khách du lịch, kết quả 315/700 phiếu của khách du lịch (45%) công nhận là cộng đồng dân cư Sầm Sơn nhiệt tình, cởi mở. Cho thấy, sự tăng trưởng về lượng khách mà xa hơn là chất lượng du lịch của Sầm Sơn trong những năm gần đây, một phần quan trọng là do thay đổi về hành vi, nhận thức và thái độ phục vụ du khách của cộng đồng cũng như các đơn vị kinh doanh.

Chị Nguyễn Lan Hương (du khách đến từ Hà Nội) cho rằng: “Bản chất của người Thanh Hóa đó là nhiệt tình, cởi mở trong giao tiếp với khách du lịch. Tất cả thắc mắc của chúng tôi tại các điểm dừng chân đều được mọi người giải đáp rất nhiệt tình. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mặt, một bộ phận người dân, đơn vị kinh doanh đã thiếu suy nghĩ trong cách làm du lịch dẫn đến việc hành xử còn hạn chế. Tuy nhiên, cũng phải nói về phía du khách. Một bộ phận du khách cũng tự cho mình cái quyền làm “thượng đế”, có những đòi hỏi cũng như có thái độ quá đáng. Trong khi đó ở hầu hết các khu, điểm đều có ban quản lý, đặc biệt là Sầm Sơn có niêm yết số điện thoại đường dây nóng... để tiếp thu ý kiến phản hồi của du khách. Thế nhưng du khách lại chưa có biện pháp xử lý một cách tích cực, đôi khi đẩy mọi chuyện đi quá xa”.

Tạm gác lại những câu chuyện “lùm xùm” diễn ra trong hoạt động du lịch trong những năm trước đây. Thực tế hiện nay ở hầu hết các khu, điểm du lịch, việc cần phải ứng xử văn hóa, thân thiện với khách đã bắt đầu đi vào tiềm thức, suy nghĩ và được thể hiện bằng hành động tích cực của cộng đồng. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi cho các ngành, các cấp trong việc triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng văn hóa giao tiếp, ứng xử của cộng đồng dân cư tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Hướng tới xây dựng hình ảnh du lịch Thanh Hóa văn minh, thân thiện.

Lượng khách đến các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm gần đây Thanh Hóa ta đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng. Nhiều công trình giao thông, sân bay được cải tạo và đầu tư mới, cơ sở vật chất các khu, điểm du lịch được đầu tư, nâng cấp... từng bước tạo điều kiện cho hoạt động du lịch phát triển. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng thì thực tế bức tranh du lịch xứ Thanh vẫn còn nhiều hạn chế về “chất”. Trong đó, yếu tố “văn minh, thân thiện” tại mỗi điểm đến là vấn đề cần được đặc biệt chú trọng.

Xác định, việc ứng xử có văn hóa và thân thiện với khách du lịch là một hành vi không phải lúc nào cũng đến từ tinh thần tự nguyện, mà phải có biện pháp từ phía các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương. Theo đó tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới và Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, vấn đề nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch là một trong những nội dung trọng tâm được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền các nội dung về xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh đến người dân, du khách cũng như các đối tượng tham gia hoạt động kinh doanh du lịch cũng ngày càng đi vào chiều sâu. Đối với công tác quản lý Nhà nước, tỉnh đã có chủ trương thiết lập các số điện thoại đường dây nóng từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời phối hợp với các đơn vị như: Trung tâm cấp cứu 115, cảnh sát cơ động 113, quản lý thị trường, các lực lượng chức năng nhằm tiếp nhận và xử lý các tình huống khẩn cấp mà du khách gặp phải. Bên cạnh đó, thành lập trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp, tư vấn và giới thiệu việc làm cho các đối tượng lang thang, bán hàng rong, ăn mày, ăn xin... trên địa bàn toàn tỉnh. Tập huấn công tác quản lý và nghiệp vụ cho công chức nhà nước, cán bộ quản lý du lịch tại các địa phương, các khu, điểm du lịch... Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, giờ đây những tồn tại, yếu kém trong cách hành xử, kinh doanh “chộp giật” đều được đưa vào bộ “quy tắc ứng xử” và được xử lý một cách kịp thời.

Có thể nói, xây dựng thành công hình ảnh du lịch Thanh Hóa “văn minh, thân thiện”, các mục tiêu còn lại vấn đề chỉ còn là thời gian. Để làm được điều đó, cùng với các cấp, các ngành và lãnh đạo địa phương, mỗi người dân cần thể hiện mình là một tuyên truyền viên xuất sắc trong quá trình xây dựng thương hiệu du lịch “văn minh, thân thiện”. Và hơn cả, du lịch Thanh Hóa cũng rất cần có sự đóng góp tích cực từ phía du khách.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]