(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong tổng số hàng triệu lượt khách đến với Thanh Hóa hàng năm, chủ yếu vẫn là khách nội tỉnh và các tỉnh phía Bắc. Riêng thị trường khách đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vẫn còn rất ít. Đây được coi là điểm hạn chế và kém năng động của các đơn vị lữ hành.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa tìm giải pháp thu hút khách du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Trong tổng số hàng triệu lượt khách đến với Thanh Hóa hàng năm, chủ yếu vẫn là khách nội tỉnh và các tỉnh phía Bắc. Riêng thị trường khách đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vẫn còn rất ít. Đây được coi là điểm hạn chế và kém năng động của các đơn vị lữ hành.

Phát huy vai trò của các đơn vị lữ hành

Thanh Hóa với lợi thế về phát triển cơ bản đầy đủ các loại hình giao thông như: đường hàng không, đường sắt, đường bộ... Đây là một trong những điều kiện quan trọng trong việc thu hút du khách, trong đó có thị trường khách đến từ các tỉnh ĐBSCL như: An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang... Tuy nhiên thực tế lượng khách này đến xứ Thanh còn ở mức “khiêm tốn”.

Và một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này đó là việc liên kết, phối hợp giữa Thanh Hóa với các đơn vị lữ hành còn hạn chế. Thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có một lượng lớn doanh nghiệp lữ hành, tuy nhiên “vai trò” chủ yếu của các đơn vị này là khai thác thị trường khách trong tỉnh để đưa khách đi các điểm ngoại tỉnh và quốc tế. Đối với các doanh nghiệp lữ hành các tỉnh ĐBSCL, việc tiếp cận, cung cấp thông tin khu, điểm du lịch Thanh Hóa đến các đơn vị này còn khá hạn chế. Do đó thông tin điểm đến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do các doanh nghiệp lữ hành các tỉnh ĐBSCL cung cấp cho khách hàng còn mờ nhạt, thậm chí chưa mặn mà trong việc tạo ra các tour đến xứ Thanh.

Để đẩy mạnh các hoạt động khảo sát du lịch, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch đến với thị trường này, vừa qua, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức chương trình khảo sát một số điểm đến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đồng thời có chương trình ký kết hợp tác phát triển du lịch Thanh Hóa - An Giang - Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng - Hậu Giang. Đây được xác định là cơ hội để các địa phương kết nối, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và đặc biệt mỗi bên có thể tuyên truyền, quảng bá điểm đến cho nhau, là thị trường khách của nhau và cùng thúc đẩy nhau phát triển.

Cơ hội có được nguồn khách 4 mùa

Theo ông Trần Đình Sơn - Phó Chủ tịch HHDL Thanh Hóa cho rằng, đối với dòng khách này chúng ta cần mang đến cho họ những thông tin quảng bá đặc sắc về các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái rừng, du lịch di sản... đặc biệt là đẩy mạnh phát triển hành trình qua các kinh đô Việt cổ mang đến cho họ những sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của xứ Thanh. Mặt khác, khí hậu đặc trưng của mùa lạnh lại chính là thế mạnh để hút dòng khách này. Bởi đây chính là nét đặc trưng rất riêng của miền Bắc, trong đó có Thanh Hóa. Do đó, việc thực hiện tốt các giải pháp thu hút dòng khách này sẽ mang đến cho xứ Thanh cơ hội có được nguồn khách 4 mùa trong thời gian tới.

Để làm được điều này chắc chắn các đơn vị lữ hành cần có cả một chiến lược quảng bá chuyên nghiệp. Cụ thể là hoàn thiện khâu cung cấp thông tin du lịch cho du khách thông qua các website, trang mạng phổ biến... Ngoài ra, tổ chức các đoàn farmtrip với đối tượng tham gia là đại diện nhiều hãng lữ hành đến từ các tỉnh này, từ đó thu hút khách du lịch thông qua các nguồn tin đáng tin cậy.

Có thể nói, con đường để “kéo” khách du lịch từ ĐBSCL về với Thanh Hóa tuy có dài, nhưng không phải không làm được. Rõ ràng với những lợi thế riêng, du lịch Thanh Hóa không chỉ có khách trong tỉnh và các vùng phụ cận. Thanh Hóa cần phát triển du lịch theo hướng đa dạng với nhiều đối tượng. Vì thế, du khách đến từ ĐBSCL là một lối ngỏ để thay đổi cả về số lượng và chất lượng khách du lịch đến với xứ Thanh.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]