(vhds.baothanhhoa.vn) - Có nhiều “điểm nghẽn” dẫn đến tình trạng nhiều dự án du lịch chậm tiến độ, trong đó chủ yếu tập trung vào một số lý do như: Chậm giải phóng mặt bằng (GPMB), chất lượng quy hoạch, năng lực nhà đầu tư... Trong đó vấn đề quan trọng được xác định là năng lực chuyên môn và năng lực tài chính của nhà đầu tư.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Vấn nạn” dự án du lịch chậm tiến độ (Bài 2): “Nghìn lẻ một” điểm nghẽn

Có nhiều “điểm nghẽn” dẫn đến tình trạng nhiều dự án du lịch chậm tiến độ, trong đó chủ yếu tập trung vào một số lý do như: Chậm giải phóng mặt bằng (GPMB), chất lượng quy hoạch, năng lực nhà đầu tư... Trong đó vấn đề quan trọng được xác định là năng lực chuyên môn và năng lực tài chính của nhà đầu tư.

“Mẫu số chung” chậm GPMB

Khu đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang (Quảng Xương) đến nay sau cả chục năm được cấp phép đầu tư, nhưng giấc mơ về một khu du lịch “đáng sống” dường như vẫn còn “mơ hồ”. Dự án có tổng diện tích quy hoạch 100,92 ha, thuộc địa giới hành chính các xã: Quảng Thái, Quảng Lợi và Quảng Thạch. Đây là khu đô thị du lịch, nghỉ mát, vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng, dịch vụ công cộng, được quy hoạch xây dựng một số phân khu chức năng như: Khu dân cư liền kề; khu du lịch sinh thái; khu nhà ở kiểu biệt thự; khu dịch vụ hỗn hợp; quảng trường trung tâm; khu thu mua, bảo quản thủy sản... do Công ty TNHH SOTO làm chủ đầu tư. Trong đó được chia làm 2 dự án: Dự án Khu đô thị du lịch biển Tiên Trang tại các xã Quảng Lợi, Quảng Thạch và Quảng Thái, theo Quyết định số 616/QĐ-UBND ngày 2/3/2011, với diện tích 448.631 m2 và Dự án Khu du lịch thể thao sinh thái Tiên Trang được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 tại các xã Quảng Lợi, Quảng Lĩnh và Quảng Thạch với diện tích 427.000 m2 chủ yếu là đất nông nghiệp và lâm nghiệp ven biển.

Thực tế đến nay nhà đầu tư mới chỉ thi công các ki ốt, lát đá đường đi các ki ốt, quảng trường và vài ba điểm kinh doanh dịch vụ, hồ tiên cảnh, khu tắm tráng...

Trao đổi về vấn đề này ông Bùi Xuân Tiến - Phó Trưởng phòng VHTT huyện Quảng Xương cho biết, trước thực trạng dự án Khu đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang chậm tiến độ, huyện đã nhiều lần làm việc với phía công ty, trong đó yêu cầu khẩn trương thi công dự án trên diện tích đất đã được bàn giao. Tuy nhiên, lý do cốt lõi của nhà đầu tư đó là vấn đề mặt bằng “sạch”. Thực tế hiện nay phần mặt bằng để thi công dự án còn vướng 1 số hộ trên địa bàn xã Quảng Lợi, trong đó vướng mắc nhất là hộ ông Lê Văn Thập (thôn Hồng Phong).

Cũng theo ông Tiến, nhằm tránh tình trạng nhà đầu tư xây dựng theo kiểu ngẫu hứng, mặt khác để không còn lý do để chậm trễ dự án, chúng tôi mong muốn sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của tỉnh trong công tác GPMB, yêu cầu nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng tiến độ, có phương án rõ trong việc dành bao nhiêu phần trăm để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp.

Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang (Quảng Xương) vẫn còn dang dở sau cả chục năm cấp phép đầu tư.

Cùng chung nguyên nhân với Khu đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang, Dự án biệt thự Hùng Sơn (xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn) cũng đang trong diện chờ mặt bằng “sạch”. Đại diện phía Công ty CP Văn Phú - Invest cho biết, mặc dù dự án đã được phê duyệt cách đây gần 15 năm, song đến nay nhà đầu tư mới được cấp GCN quyền sử dụng đất gần 6 ha, trong khi đó tổng diện tích đất quy hoạch trên 26 ha, theo cam kết với tỉnh, nhà đầu tư chỉ tiến hành xây dựng khi đã có mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ.

Cùng chung “điểm nghẽn” mặt bằng với 2 dự án nêu trên còn phải kể đến một số dự án khác như: Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân (Công ty CP Tập đoàn T&T); tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Hải Hòa (Công ty CP Hiền Đức); du lịch biển Golden coast resort (Công ty CP Xi măng Công Thanh)...

Rối trong mớ lý do dự án chậm tiến độ

Ngoài vấn đề GPMB, khi tìm hiểu về một số dự án du lịch chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi như bị bủa vây bởi cả nghìn lẻ một lý do. Trong đó, một số dự án chậm tiến độ lại có nguyên nhân từ chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch. Thực tế, không ít quy hoạch du lịch đang phải “chạy theo” dự án, do sự hạn chế về chất lượng và tính dự báo, khiến các quy hoạch sau khi phê duyệt phải điều chỉnh nhiều lần.

Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến là một ví dụ điển hình. Dự án này được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt mặt bằng quy hoạch số 71/QĐ-CT ngày 16/10/2003; đến năm 2004, khi có thêm các dự án mới, UBND huyện Hoằng Hóa tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết và được phê duyệt tại Quyết định số 1314/QĐ-UBND ngày 21/4/2004. Quá trình triển khai, để phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư mới, huyện lại tiếp tục lập quy hoạch chung và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2750/QĐ-UBND ngày 14/8/2009. Đến nay, các quy hoạch trước đã không còn phù hợp, nên UBND tỉnh đã giao cho huyện Hoằng Hóa lập lại quy hoạch đô thị Hải Tiến trên diện tích 1.600 ha. Thế nhưng, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần ở Hải Tiến không phải là trường hợp cá biệt, nhiều quy hoạch khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: quy hoạch Khu du lịch sinh thái Quảng Cư (TP Sầm Sơn) phải điều chỉnh lần thứ 3; quy hoạch Khu du lịch sinh thái biển Tiên Trang (huyện Quảng Xương) phải điều chỉnh lần thứ 2; quy hoạch chi tiết 1/2.000 Khu du lịch biển Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia) điều chỉnh lần thứ 2... Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án nằm trong quy hoạch.

Bên cạnh đó, một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch cần được ưu tiên triển khai dứt điểm nhưng chậm hoàn thành do chưa được bố trí đủ vốn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc các nhà đầu tư tiếp cận, khai thác điểm đến. Trong số này phải kể đến Dự án đường giao thông vào khu du lịch suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy); Dự án đường giao thông vào khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa)...

Theo nhận định của một số ngành chức năng, thì sự chậm trễ trong triển khai các dự án có nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng là năng lực chuyên môn và năng lực tài chính, tinh thần trách nhiệm và mong muốn thực sự của nhà đầu tư. Thực tế đến nay, trong số gần 70 dự án đã được chấp thuận chủ trương, số dự án có quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại chỉ đếm trên đầu ngón tay; còn đa phần là các dự án có quy mô nhỏ. Chưa kể, cơ cấu đầu tư cũng mất cân đối, khi hầu hết các dự án tập trung ở khu vực ven biển và vào lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng, mà thiếu những dự án tổ hợp nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, nhằm tạo ra nét “chấm phá” cho bức tranh du lịch Thanh Hóa.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]