(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Dọc theo QL47, từ TP Thanh Hóa qua cầu Thiều rẽ trái và xuôi theo đê sông Hoàng Giang gần 3 km, vườn cò Tiến Nông hiện ra trong không gian bát ngát.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về thăm vườn cò Tiến Nông

(VH&ĐS) Dọc theo QL47, từ TP Thanh Hóa qua cầu Thiều rẽ trái và xuôi theo đê sông Hoàng Giang gần 3 km, vườn cò Tiến Nông hiện ra trong không gian bát ngát.

Khu bảo tồn và đa dạng sinh học quý

Vườn cò Tiến Nông có diện tích 3,5 ha, trong đó có 2 ha mặt nước hồ bao quanh và 1,5 ha đất trồng gần 200 bụi tre cao từ 3-10m, là nơi cư trú và làm tổ của các loài chim. Theo nghiên cứu gần đây, vườn cò Tiến Nông có 6 bộ, 10 họ với 17 loài. Đây được xem là khu bảo tồn và đa dạng sinh học quý.

Theo như lời kể của những người cao tuổi ở làng Nga, xã Tiến Nông thì từ người già đến người trẻ ở đây, không ai biết chính xác các loài chim, cò tìm về mảnh đất lành này để làm tổ từ bao giờ. Chỉ biết được rằng từ khi họ sinh ra cò đã là hình ảnh quen thuộc.

Đa số các loài cò ở đây đều thuộc loài định cư, có yêu cầu sinh thái phức tạp, hoạt động quanh năm, hàng ngày kiếm ăn từ 5h đến 17 - 18h, phạm vi từ 1 - 10km. Tùy từng loài mà vị trí kiếm ăn và thức ăn của chúng khác nhau. Chiều chiều, từng đàn cò bay về sau một ngày kiếm ăn xa gần.

Mùa sinh sản của các loài cò thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5 và có thể kéo dài sang tháng 6 hàng năm. Thời gian sinh sản là thời gian cò đẹp nhất, những bộ lông trắng muốt rủ xuống, cùng những âm thanh đã làm rộn ràng cả vùng quê.

Thời điểm đàn cò, vạc đông đúc nhất là lúc trời chập tối. Cò, vạc ở đây không bao giờ ở chung với nhau, sáng sớm, khi đàn cò đi ăn là lúc đàn vạc bay về ngủ. Từ nhiều đời nay, chúng vẫn thay phiên nhau cư ngụ ở đây như thế.

Theo người dân làng Nga, cò đi hay ở là báo hiệu điềm lành, điềm gở của địa phương. Có thể nói trong vòng từ năm 2012 đến tháng 7/2015, có tới vài lần cò đi rồi lại về. Mỗi lần cò đi là sạch bách trắng đồng, không còn nổi một con. Cò về lúc nào là người dân biết ngay, lại ồn ào âm thanh quen thuộc. Thiếu những tiếng cò, như thiếu đi sự sống, thói quen và những thanh âm của cuộc sống.

Liệu có thể xây dựng thành điểm du lịch?

Theo ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết, nhiều người có hỏi chúng tôi tại sao không xây dựng đây là điểm du lịch. Nhưng nếu đã đến đây, mà không phải là nghe thì sẽ thấy được, dù có lợi thế nằm gần Am Tiên nhưng có nhiều nguyên nhân khiến đến nay chúng tôi vẫn chưa xây dựng được Vườn cò Tiến Nông thành điểm du lịch. Có điều là bằng bất cứ hình thức nào, chúng ta cũng phải bảo vệ vườn cò. Ý nghĩa về mặt sinh học là điều có thể khẳng định. Thực sự đến lúc này, các cấp chính quyền cũng chưa có kế hoạch cụ thể nào cho việc phát triển, sử dụng vườn cò.

Có thể nói với lợi thế cùng trên tuyến với khu vãn cảnh, đi lễ Am Tiên, nhưng nếu là khách đi lễ, đầu năm cuối năm du khách sẽ chọn tuyến kết hợp Cửa Đạt, Am Tiên, Phủ Na, hơn là chỉ đi Am Tiên rồi về vườn cò.

Theo ông Lê Xuân Bảy - Chủ tịch UBND xã Tiến Nông (Triệu Sơn): Từ năm 1994, Sở VH,TT&DL đã có quyết định công nhận quần thể di tích chùa Hòa Long, phủ Vạn, và Vườn cò Tiến Nông là quần thể di tích văn hóa cấp tỉnh. Đây là cơ hội để chúng tôi có thể quy hoạch và phát triển vườn cò. Tuy nhiên, nhiều năm đã trôi qua, nhưng đến nay vườn cò vẫn chưa có sự thay đổi gì đáng kể. Song có thể khẳng định kể từ ngày 15/7/2015 cò đã trở về đây rất nhiều. Đến tháng4/2016 có một đàn cò lạ, ngoài cò bợ, cò trắng, cò ruồi thì còn có vạc (cò ngốc), thậm chí còn xảy ra hiện tượng cò và vạc cùng đẻ.

Việc xây dựng vườn cò trở thành điểm du lịch có thể còn mất nhiều thời gian. Tuy không có dáng vẻ sôi động của điểm du lịch, nhưng với những người thích tham quan, khám phá đằm mình với thiên nhiên thì vườn cò này có thể là một địa chỉ để du khách có khoảng thời gian thật lý thú và bổ ích.

Liên Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]