(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn 20 năm kể từ khi cây mận hậu, cây đào từ Sơn La về “định cư” trên những triền đồi xã Pù Nhi, Nhi Sơn... (Mường Lát). Giống mận, đào quả to, mọng ngọt nức tiếng gần xa. Những tưởng đây sẽ là loại cây trồng chủ lực, là “cây thoát nghèo” của bà con vùng biên từ rất lâu rồi, thì bao năm qua, niềm hy vọng ấy giờ mới được nhen nhóm lại.

Để cây mận, cây đào trở thành cây trồng chủ lực ở dải đất vùng biên

Hơn 20 năm kể từ khi cây mận hậu, cây đào từ Sơn La về “định cư” trên những triền đồi xã Pù Nhi, Nhi Sơn... (Mường Lát). Giống mận, đào quả to, mọng ngọt nức tiếng gần xa. Những tưởng đây sẽ là loại cây trồng chủ lực, là “cây thoát nghèo” của bà con vùng biên từ rất lâu rồi, thì bao năm qua, niềm hy vọng ấy giờ mới được nhen nhóm lại.

Để cây mận, cây đào trở thành cây trồng chủ lực ở dải đất vùng biênMận hậu ở Pù Toong khi chín quả to, ngọt được nhiều người yêu thích.

Ngược Pù Nhi, Nhi Sơn mùa đào, mận chín, tâm trạng tôi không khỏi rạo rực, háo hức khi xe của đoàn chạm đến đất bản Pù Toong (xã Pù Nhi). Bản có tới cả trăm héc-ta loại mận hậu ngon nức tiếng. Từ cuối chân đồi, Thao Thị Dua, cô gái bản Mông trong bộ trang phục truyền thống, lưng đeo gùi đã chờ sẵn. Thấy chúng tôi, Dua tỏ vẻ hoài nghi: “Anh phóng viên ăn bận vậy leo đồi với Dua được không đấy! Đồi cao, leo sẽ mỏi cái chân, chùn cái đầu gối!”.

Từ trên rẻo cao nhìn xuống, trước mắt tôi là bạt ngàn những gốc mận hậu cổ thụ hơn chục năm tuổi, quả chín mọng. Trong khi tôi mãi ngắm nhìn, thì Dua đã thoăn thoắt leo lên cây, hái vài quả đưa tôi thưởng thức. “Anh ăn thử, mận năm nay được mùa, quả mọng và ngọt hơn năm trước”.

Dù trong tâm thức, tôi cũng khá tường về loại trái cây này. Mận hậu nức tiếng trồng ở một số tỉnh Tây Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Sơn La... Trong đó, mận hậu Sơn La được đánh giá là ngon nhất. Về đất Thanh, thì mận hậu ở Pù Toong (xã Pù Nhi) là ngon nhất. Đây cũng là giống mận được lấy từ Sơn La về trồng theo một đề án nông nghiệp từ hơn 20 năm trước.

Đặt gùi mận xuống mon đá, Dua nghe điện thoại đang réo. Có 1 đoàn du khách miền xuôi xin được vào thăm quan vườn mận, check-in, và đặt mua một ít làm quà khi xuôi bản. Nhìn mấy vị khách thích thú khi được trải nghiệm leo đồi, trèo lên những cây mận, tận tay hái, ăn thử tại vườn,... tôi lóe lên ý nghĩ: “Chẳng phải đây là du lịch, là kích cầu việc mua bán, quảng bá mận hậu?” Dua bật mí: “Em mới áp dụng, trưng cái biển ngay đầu vườn thế mà đắt khách hẳn ra. Khách đến họ vừa được trải nghiệm, vừa được ăn thử, họ đặt mua rất nhiều, đỡ công vận chuyển ra chợ”. Một cách làm hay, nhưng điểm lại, không phải hộ nào ở đất Pù Toong này cũng nghĩ và làm được như Dua. Đơn giản, vì chỉ có duy nhất mình Dua biết sử dụng điện thoại thông minh để bán mận trên zalo, facebook...

- Mỗi năm nhà Dua hoạch thu từ mận được bao nhiêu?, tôi hỏi. Dua đáp: “Cũng tùy thôi, bởi năm nào mận được mùa thì thường lại rớt giá, được giá thì lại mất mùa”.

Dua nhớ lại những năm đầu thu hoạch sau khi được vận động trồng loại cây này. Thời điểm đó, cán bộ bảo cây mận là cây thoát nghèo, bà con ai cũng phấn khởi. Có ai mà chẳng muốn thoát nghèo. Và phong trào trồng mận hậu trên đất Pù Toong ngay lập tức diễn ra sôi động. Nhà nào ít cũng vài chục gốc, nhiều thì vài trăm. Thế rồi, mồ hôi, nước mắt đổ xuống những gốc mận, đến kỳ thu hoạch không biết bán cho ai, nhà nào cũng trồng. Mận chín nhanh, rụng ngập gốc, bà con mất niềm tin, chặt bỏ dần để trồng ngô, sắn...

Vài năm trở lại đây, giao thông thuận lợi, việc bán mận, bán đào dễ dàng hơn khi có thương lái dưới xuôi lên bao tiêu sản phẩm. Vụ mận, đào này, hộ ít thì cũng thu được mươi, mười lăm triệu đồng. Bán được nhiều như nhà Dua thì đôi, ba chục triệu. Thấy được hiệu quả, xã, huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn, khuyến khích nhằm khôi phục lại diện tích. Gia đình Dua cũng hăng hái, ngoài việc duy trì hơn 60 gốc mận, 30 gốc đào hơn chục năm tuổi đang cho thu hoạch thì gia đình cũng đã trồng thêm 300 gốc mới.

Nhìn vào những gốc mận hậu, gốc đào, chỉ một vài năm nữa thôi là bắt đầu cho thu hoạch. Thay vì vui mừng, tôi lại cảm nhận được sự lo lắng của Dua qua ánh mắt xa xăm và những tiếng thở dài né tránh. Dua lo là phải. Không chỉ ở Pù Toong, ở Pha Đén của xã Pù Nhi, còn Pá Hộc (xã Nhi Sơn) và nhiều bản, xã khác cũng trồng loại cây này. Trồng nhiều, trong khi đó, đầu ra sản phẩm thì chưa có doanh nghiệp nào bao tiêu, sẵn sàng nhập số lượng lớn cho bà con.

Thống kê cho thấy, xã Pù Nhi có khoảng gần 100 ha cây mận hậu (trong đó có khoảng hơn 40 ha đang cho thu hoạch), chủ yếu ở các bản Pù Toong, Pha Đén; gần 30 ha cây đào. Nói như ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi thì, phát triển loại cây trồng này là một chuyện, để bà con có thu nhập từ nó lại là một chuyện khác. Đó là việc tìm đầu ra cho nông sản.

Trước đây, phần lớn đồng bào Mông chỉ biết trồng cây ngô, cây lúa... cho thu nhập thấp. Được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cây mận, đào, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích, đem lại ít nhiều hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, giống mận hậu hay đào lai ở Pù Toong, Pha Đén đều rất hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên cho quả to, ngọt, bán được giá.

“Xã cũng đang xây dựng vùng chuyên canh cây mận, cây đào là hai loại cây trồng tiềm năng chủ lực của địa phương. Mục tiêu của xã là thương hiệu (hướng đến sản phẩm OCOP), có liên kết bao tiêu và được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch... chứ không phải là gùi bán tự do” - ông Nhân khẳng khái nói về mục tiêu.

Cũng xoay quanh câu chuyện để cây mận, cây đào Pù Nhi, Nhi Sơn... phải làm sao để trở thành cây trồng chủ lực, người trồng mận, trồng đào được hưởng niềm vui trọn vẹn. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho rằng: “Vấn đề nuôi con gì, trồng cây gì để phát triển, tăng thu nhập cho bà con luôn là những trăn trở của huyện vùng biên. Với đặc thù địa lý xa xôi khiến cho việc mời gọi doanh nghiệp, hợp tác xã vào liên kết bao tiêu sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Trong khi cây xoan, cây ngô, sắn... hiệu quả và năng suất đem lại thấp thì cây mận hậu, cây đào là hướng đi phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tôi tin rằng, với những nỗ lực trong tìm kiếm thị trường, doanh nghiệp, tới đây những khó khăn về địa lý, vùng miền sẽ được khắc phục. Đặc biệt, giao thông, giao thương kết nối vùng ngày càng thuận lợi sẽ thu hẹp dần khoảng cách”.

Với khoảng gần 200 ha trồng mận, đào, nhiều hộ gia đình vùng biên Mường Lát đã biết ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào việc lai tạo, cắt ghép để nâng cao hiệu quả. Không những cho thu hoạch chính vụ mà còn tạo ra những giống mận, đào trái vụ cho năng suất, chất lượng. Đây là những hàng hóa đặc sản, có tính cạnh tranh, đã và đang được thị trường biết đến.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]