(vhds.baothanhhoa.vn) - Luật tục có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống xã hội, đặc biệt là sự ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách pháp luật. Nếu luật tục lạc hậu, phản tiến bộ sẽ trở thành lực cản trong việc thực thi chính sách, pháp luật. Còn luật tục phù hợp sẽ đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng tình đoàn kết nội bộ trong cộng đồng dân cư, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp một cách linh hoạt, kịp thời, có tình, có lý, phù hợp với điều kiện của từng địa phương bảo đảm ổn định trật tự xã hội. Đây vừa là nguồn bổ sung, vừa là môi trường đưa pháp luật vào cuộc sống.

Để luật tục hỗ trợ việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật

Luật tục có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống xã hội, đặc biệt là sự ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách pháp luật. Nếu luật tục lạc hậu, phản tiến bộ sẽ trở thành lực cản trong việc thực thi chính sách, pháp luật. Còn luật tục phù hợp sẽ đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng tình đoàn kết nội bộ trong cộng đồng dân cư, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp một cách linh hoạt, kịp thời, có tình, có lý, phù hợp với điều kiện của từng địa phương bảo đảm ổn định trật tự xã hội. Đây vừa là nguồn bổ sung, vừa là môi trường đưa pháp luật vào cuộc sống.

Để luật tục hỗ trợ việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật

Một buổi tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Trung Lý, Mường Lát. (Ảnh minh họa của Xuân Minh).

Theo Từ điển Luật học, “luật tục là những quy tắc ứng xử mang tính chất bắt buộc do cộng đồng làng xã xây dựng nên và được truyền từ đời này qua đời khác”. Luật tục chủ yếu được hình thành trong đời sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Luật tục có tác động mạnh mẽ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cá nhân và các cộng đồng xã hội. Trong một phạm vi nhất định, luật tục có vai trò quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội duy trì và ổn định trật tự xã hội của một cộng đồng. Luật tục bao hàm các chuẩn mực về đạo đức xã hội, tạo nên các giá trị văn hóa, tinh thần, truyền thống của dân tộc. Trong quá trình phát triển xã hội, luật tục luôn biến đổi cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi giai đoạn lịch sử. Vì vậy, nhiều quy ước luật tục đã trở thành thói quen, tập quán, lối sống khá ổn định.

Do các quan hệ xã hội luôn có sự biến đổi và rất phong phú, đa dạng nên pháp luật trong sự phản ánh của các quan hệ xã hội đó không thể dự liệu hết được các tình huống, các quan hệ mới nảy sinh để điều chỉnh các quan hệ xã hội đó, trong những trường hợp này luật tục đóng vai trò bổ sung và hỗ trợ cho pháp luật.

- Luật tục đối với đời sống đạo đức xã hội và trật tự xã hội

Các quy tắc, chuẩn mực, khuôn mẫu của luật tục đều mang các yếu tố đạo đức, chứa đựng quy tắc ứng xử có tính đạo lý, hướng tới cái đẹp, cái thiện… Chẳng hạn, khi bản, làng có người chết, mọi người giúp gạo, thực phẩm không lấy lại; các thành viên trong cộng đồng đều nghỉ việc nương rẫy… Luật tục có giá trị điều chỉnh các quan hệ xã hội bảo đảm sự ổn định và phát triển của cộng đồng.

Luật tục ra đời có nguồn gốc từ phong tục tập quán truyền thống. Do đó, những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp được khuyến khích phát triển; những luật tục tiêu cực, cản trở sự phát triển của đời sống cộng đồng sẽ dần dần bị đào thải. Hiện nay, những giá trị có tính bền vững từ luật tục đã góp phần quan trọng trong việc ổn định môi trường xã hội và sự phát triển của cộng đồng.

- Luật tục đối với phát triển kinh tế cộng đồng

Luật tục truyền thống của đồng bào các dân tộc ít người ở nước ta được hình thành trên cơ sở những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Xét về mặt lịch sử, luật tục ra đời từ điều kiện của một nền sản xuất có tính nguyên thuỷ, khép kín, tự cung tự cấp, phân công lao động xã hội ở trình độ thấp, hình thức phân phối theo hiện vật và lối sống du canh du cư. Do vậy, việc vận dụng những quy định của pháp luật sẽ khó phát huy tác dụng. Chính trong điều kiện đó, luật tục có giá trị điều chỉnh các quan hệ kinh tế cụ thể như: việc đốt nương, làm rẫy, bán đất rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ rừng thiêng… Chẳng hạn như Luật tục của người Khơ Mú, Mông, Dao... đa số đều cho rằng rừng đầu nguồn là “rừng thiêng”, rừng “ma” do thần linh cai quản, tất cả mọi người đều có trách nhiệm cai quản, ai vi phạm sẽ bị phạt trâu, bò, dê, lợn, rượu, gạo để cúng thần xin tha tội, cá biệt có người bị đuổi ra khỏi làng, bản.

Hiện nay, do sự biến đổi cơ cấu kinh tế, luật tục cũng biến đổi cả về nội dung và hiệu lực của nó. Một số luật tục không phù hợp đã tự tiêu vong, một số khác, nội dung biến đổi bị giảm hiệu lực ở mức độ nhất định. Có thể nói, luật tục có một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoặc kìm hãm phát triển kinh tế cộng đồng, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào nội dung của luật tục.

Ngoài ảnh hưởng từ tác động của luật tục với đời sống xã hội như đã nêu, luật tục và pháp luật có mối quan hệ mật thiết với nhau và cùng có mục đích chung là điều chỉnh các quan hệ xã hội. Chúng ta đều biết, luật tục và pháp luật là những yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng, bị quy định bởi cơ sở kinh tế nhất định, nhưng luật tục và pháp luật luôn bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong quá trình điều chỉnh hành vi con người, hướng vào mục đích điều chỉnh, điều hoà các quan hệ xã hội.

- Luật tục đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật

Pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn, bởi pháp luật có tính giai cấp, được bảo đảm thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước, thống nhất về nội dung, tính phổ biến rộng rãi. Do đó phạm vi áp dụng, khi luật tục khác biệt mục tiêu điều chỉnh, thì luật tục phải tôn trọng, phải điều chỉnh theo pháp luật. Trong mọi trường hợp hiệu lực áp dụng của pháp luật là tuyệt đối và sự điều chỉnh của luật tục buộc phải tuân theo. Mặt khác, pháp luật có vai trò hướng dẫn luật tục.

Tuy nhiên, thực tế luật tục trong một phạm vi, điều kiện nhất định có khả năng điều chỉnh những quan hệ mà pháp luật chưa quy định. Vì trình độ phát triển ở từng vùng là khác nhau, còn chênh lệch cả về đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần, do đó không phải lúc nào pháp luật cũng phát huy hết tác dụng điều chỉnh. Chẳng hạn, đối với các đồng bào dân tộc ít người, những quy định của pháp luật trong nhiều khía cạnh trở nên xa lạ. Trong điều kiện đó, luật tục với giá trị tích cực của nó sẽ đóng vai trò quan trọng và chủ yếu điều chỉnh các quan hệ xã hội cụ thể. Thực tiễn hiện nay, ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực, vai trò của luật tục là rất quan trọng trong quản lý xã hội. Điều đó chứng tỏ, luật tục có vai trò bổ sung các quy định còn thiếu cho pháp luật trong những điều kiện nhất định.

Một quốc gia có nhiều dân tộc với những trình độ khá chênh lệch tạo ra cơ sở thực tiễn để pháp luật không thể điều chỉnh tỉ mỉ, cụ thể chi tiết trong các mối quan hệ của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc là một thực tế. Bởi vậy, nhiều cộng đồng có những hệ thống luật tục được đúc kết, sàng lọc qua nhiều thế hệ, đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn có vai trò điều chỉnh các quan hệ trong nội bộ dân tộc đó từ lâu đời và đã khẳng định được vai trò xã hội. Điều đó chứng tỏ, luật tục bổ sung các quy định của pháp luật, có thể áp dụng trong cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu khách quan trong việc điều chỉnh các quan hệ phát sinh.

Thực tế cho thấy, luật tục có khả năng hỗ trợ cho pháp luật trong nhiều trường hợp, như: mặc dù đã có các quy định cụ thể của pháp luật, đã có quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền song chưa hẳn áp dụng trong một cộng đồng dân tộc ít người. Song, nếu có sự hỗ trợ của luật tục, tạo khả năng gắn kết cộng đồng, khả năng truyền cảm, thì có thể dễ dàng được thực hiện với hiệu lực hiệu quả cao.

Có thể nói, đối với đất nước có nền văn hóa lâu đời như Việt Nam thì các luật tục có những ảnh hưởng nhất định tới việc thực hiện pháp luật trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Tại khoản 2, Điều 5 của Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi rõ, “Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự”. Điều đó cho thấy trong một số trường hợp luật tục có vai trò thay thế, bổ sung cho pháp luật để đảm bảo tốt hơn quyền và nghĩa vụ chính đáng của người dân, giúp cho người dân thực hiện pháp luật một cách dễ dàng hơn. Như vậy, luật tục tạo ra tính tự giác trong việc thực hiện pháp luật thông qua dư luận xã hội, như ca ngợi, khuyến khích cái thiện, cái tốt; lên án, phê phán cái xấu. Luật tục có tính răn đe nghiêm khắc. Những luật tục ăn sâu, bén rễ trong nhận thức của mỗi con người, giúp cho họ kiềm chế hành vi trái với quy định của luật tục đã góp phần củng cố ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.

Do luật tục tồn tại bất thành văn, thường chỉ được hiểu một cách ước lệ có tính tản mạn ở một vùng, miền hay một cộng đồng dân tộc, khó có thể đảm bảo thực hiện thống nhất trong một phạm vi rộng. Do đó nếu phụ thuộc vào các luật tục này sẽ gây trở ngại cho việc thực thi pháp luật. Các luật tục lạc hậu trong hôn nhân, bình đẳng giới, trong việc cưới, việc tang... đã gây cản trở không nhỏ cho việc thực hiện các chính sách, pháp luật của nhà nước như Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, các quy định về xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng...

Từ mối quan hệ và sự ảnh hưởng của luật tục tới việc thực hiện chính sách pháp luật cho thấy:

- Nếu giá trị và vai trò của luật tục trong mối quan hệ với pháp luật hiện hành mang tính khách quan thì việc tiếp thu, kế thừa và phát huy giá trị đó là cần thiết và cũng mang tính khách quan.

- Vai trò và giá trị thay thế, bổ sung, hỗ trợ của luật tục dù lớn đến đâu cũng không vượt qua vai trò chủ đạo của pháp luật. Vì vậy, việc tiếp thu, kế thừa và phát huy giá trị của luật tục phải đảm bảo không mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật.

- Do tính ưu việt, tiên tiến của pháp luật nên quá trình tiếp thu, kế thừa, và phát huy giá trị của luật tục cần phát triển theo hướng từng bước chuyển tải nội dung của pháp luật và hình thức của nó vào trong đời sống cộng đồng các dân tộc. Nghĩa là, “pháp luật hóa luật tục” có thể được thực hiện cả về hình thức lẫn nội dung, còn theo hướng ngược lại là “luật tục hóa pháp luật” thì chỉ có thể thực hiện về mặt hình thức (cách thức biểu hiện).

Phải khẳng định, luật tục có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống xã hội, đặc biệt là sự ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách pháp luật. Nếu luật tục lạc hậu, phản tiến bộ sẽ trở thành lực cản trong việc thực thi chính sách, pháp luật. Ngược lại, nếu luật tục phù hợp sẽ đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng tình đoàn kết nội bộ trong cộng đồng dân cư, giải quyết các mâu thuẫn, các tranh chấp một cách linh hoạt, kịp thời, có tình, có lý, phù hợp với điều kiện của từng địa phương bảo đảm ổn định trật tự xã hội. Đây vừa là nguồn bổ sung, vừa là môi trường đưa pháp luật vào cuộc sống, đồng thời là chất liệu quý để hoàn thiện một nền pháp luật tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc ghi nhận và bảo vệ phong tục, tập quán tốt đẹp là một tất yếu khách quan trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay.

Ths. Phùng Thị Quyên


Ths. Phùng Thị Quyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]