(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi đời sống kinh tế được nâng lên, bà con có cơ hội quan tâm tới sự học và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, sự học của đồng bào dân tộc Dao có nhiều chuyển biến tích cực; các giá trị truyền thống được bà con khôi phục, gìn giữ và phát huy.

Đổi thay ở những thôn, bản người Dao: Vượt khó chinh phục “con chữ”, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống

Khi đời sống kinh tế được nâng lên, bà con có cơ hội quan tâm tới sự học và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, sự học của đồng bào dân tộc Dao có nhiều chuyển biến tích cực; các giá trị truyền thống được bà con khôi phục, gìn giữ và phát huy.

Đổi thay ở những thôn, bản người Dao: Vượt khó chinh phục “con chữ”, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thốngĐồng bào dân tộc Dao ở xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy), luôn quan tâm tới việc gìn giữ nghề thêu truyền thống.

Học “con chữ” góp sức xây dựng quê hương

Mặc dù đã tốt nghiệp THPT 28 năm, nhưng anh Triệu Minh Xiết vẫn không quên hành trình đi tìm con chữ đầy gian nan của mình. Sinh ra trong gia đình khó khăn, đông anh chị em nhưng từ nhỏ, anh lại có tinh thần hiếu học. Để không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ và có điều kiện để giúp bản làng thoát khỏi cái đói, cái nghèo, lạc hậu, anh Xiết đã nỗ lực băng rừng đi tìm con chữ. Năm 1994, tốt nghiệp THPT anh Xiết thi đỗ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, buộc anh phải tạm gác ước mơ trở thành sinh viên đại học. Sau đó, anh Xiết dự thi và trúng tuyển vào Trường Trung học Nông lâm Thanh Hóa. Năm 1996, anh được phân công làm việc tại Ban Định canh - Định cư Thanh Hóa. Đến năm 2005, anh được luân chuyển công tác tại UBND huyện Mường Lát. Rồi kinh qua các chức vụ Chủ tịch UBND xã Mường Chanh (2012); Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Lát (2014) và hiện đang là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát.

Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát Triệu Minh Xiết cho biết: “Dù thành tích đạt được còn khiêm tốn, song tôi luôn nung nấu và nuôi dưỡng khát vọng góp phần giúp quê hương, bản làng đổi thay. Trong quá trình công tác, tôi tự hứa với lòng mình không ngừng phấn đấu, học hỏi, cái gì có ích cho Nhân dân thì mình cố gắng làm”.

Cũng như anh Triệu Minh Xiết, anh Phùng Thanh Liêm, dân tộc Dao, thôn Hạ Sơn, xã Ngọc Khê - nay là khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc (Ngọc Lặc) hiện là Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thọ Xuân, một trong những người con thành đạt của đồng bào Dao. Nói chuyện với chúng tôi anh Liêm chia sẻ: “Nơi tôi sinh ra và lớn lên xung quanh chỉ là đồi núi bao phủ, tuổi thơ của tôi gắn liền với những con suối và ruộng nương. Cuộc sống thiếu trước, hụt sau, “cái nghèo đói” luôn đeo bám. Vì vậy, nhiều lần tôi muốn tạm gác công việc học tập để phụ giúp gia đình, nhưng bố tôi động viên “Nhà mình nghèo lắm, chẳng có gì cả nên con phải cố gắng học hành”. Từ đó, tôi không còn ý định nghỉ học, luôn nỗ lực để thay đổi cuộc sống bản thân, gia đình và đóng góp sức mình xây dựng quê hương”.

Không chỉ có 2 tấm gương ấy, quan niệm về việc học của bà con đã thay đổi. Trước đây, vì đời sống khó khăn mà tất cả trẻ em gái người Dao đều không được đến trường. Nay, đời sống khá hơn, cùng sự vận động của Đảng, Nhà nước, trẻ em nào cũng được đến trường đúng độ tuổi. Ở khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, nhận thấy ý nghĩa của việc học chữ, nhiều gia đình đã nỗ lực cho con đi học, và trong số đó không ít người đã tốt nghiệp đại học. Theo thống kê, khu phố Hạ Sơn hiện có 50 người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Trong đó, có 40 người tốt nghiệp đại học tốp đầu của cả nước, như: Học viện An ninh Nhân dân, Học viện Cảnh sát Nhân dân, các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Đại học Sư phạm... 100% trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo ở khu phố Hạ Sơn được đến trường học tập và ở lại bán trú. Ở các bậc học khác, không còn tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng.

Dẫu cuộc sống còn rất khó khăn, nhiều người con của bản Con Dao, xã Quang Chiểu (Mường Lát) đã không quản khó khăn, vất vả theo học con chữ, để có kiến thức, rồi quay về góp một phần công sức để cho bản làng ngày càng đổi thay. Tiêu biểu như thầy giáo Tặng Văn Lộ (42 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Quang Chiểu 2.

Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, thầy Lộ đã trúng tuyển và tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Thanh Hóa. Với mong muốn mang kiến thức đã học được ở nhà trường về bản truyền đạt lại cho lũ trẻ nơi mình sinh sống, thầy Lộ đã xin về giảng dạy tại huyện Mường Lát. Năm 2018, thầy được luân chuyển về Trường Tiểu học Quang Chiểu 2 và hiện là giáo viên dạy lớp 3 điểm lẻ ở bản Con Dao – nơi thầy sinh ra và lớn lên. Bằng tấm lòng yêu nghề, mến trẻ thầy đã tích cực trau dồi kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học Trường Tiểu học Quang Chiểu 2.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết: Những năm qua, đồng bào dân tộc Dao đã nhận thức được rằng, học hành không chỉ giúp con người ta biết nói lời hay, làm việc tốt mà còn biết tính toán làm ăn để thoát nghèo. Vì thế, đến nay tại các thôn, bản, khu phố đồng bào dân tộc Dao 100% trẻ em đã đến trường đúng độ tuổi, tình trạng bỏ học giữa chừng đã được hạn chế; 100% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ăn bán trú... Để đạt được kết quả này, bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước còn có bóng dáng, hình mẫu những người Dao tiên phong đi đầu trong học tập, rèn luyện, trở thành tấm gương sáng để cho thế hệ trẻ dân tộc Dao học và làm theo. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các huyện miền núi.

Chung sức gìn giữ giá trị văn hóa

Đồng bào Dao có tiếng nói, chữ viết riêng. Tuy nhiên, do các yếu tố chủ quan, khách quan, những “báu vật” văn hóa ấy có giai đoạn bị bỏ quên. Khi có của ăn của mặc, người Dao lại hướng về cội nguồn, làm hồi sinh những giá trị văn hóa truyền thống.

Hiện nay, nhiều lớp học chữ Nôm Dao tại các thôn, bản, khu phố liên tục sáng đèn, người dân háo hức tham gia học tập. Từ ngày có lớp học chữ Dao ở các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát số lượng học viên ngày càng đông, từ đó người biết viết chữ Dao cũng tăng theo. Ông Phùng Thanh Khang, thôn Phú Sơn, xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy) cho biết: Mất đi chữ viết là mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Việc học chữ Nôm Dao, giúp tôi hiểu rõ hơn về nguồn gốc tổ tiên, dòng họ, gia đình, tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán, lễ tết, để truyền lại cho anh em, con cháu trong dòng họ, để những giá trị văn hóa của ông cha không bị thất truyền.

Theo thống kê của Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh, từ năm 2017 đến nay, hội đã phối hợp với các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát mở 27 lớp học chữ Nôm Dao với gần 1.000 học viên tham gia. Từ những lớp học này, chữ Nôm Dao ở Thanh Hóa đang từng ngày được hồi sinh trong cộng đồng.

Cùng với việc gìn giữ chữ Nôm Dao, đồng bào dân tộc Dao đang từng bước khôi phục, gìn giữ và phát huy các phong tục tập quán, lễ hội, nghề thủ công truyền thống. Những ngày này, đi đến các thôn, bản, khu phố của người Dao rất dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, phụ nữ Dao đang miệt mài thêu những bộ trang phục truyền thống; tổ chức lễ cấp sắc tại các gia đình, hay những buổi tập luyện văn nghệ với những bài dân ca, dân vũ của người Dao… Có được “tín hiệu” vui ấy, một phần nhờ đời sống kinh tế phát triển, cộng với ý thức của người dân, còn có sự quan tâm của Nhà nước, và sự tâm huyết của những người nghệ nhân đang ngày đêm gìn giữ “hồn cốt” văn hóa truyền thống. Tiêu biểu đó là nghệ nhân dạy chữ Dao Phùng Quang Du ở khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc (Ngọc Lặc); nghệ nhân vẽ tranh thờ Triệu Hùng Cường, thôn Thạch An, xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy); nghệ nhân thêu Triệu Thị Hợp, thôn Bình Yên, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy)…

Đó không còn là những tín hiệu mà là kết quả của quá trình nỗ lực vươn lên, chinh phục “con chữ”, giữ gìn văn hóa truyền thống khẳng định sức sống mới của đồng bào dân tộc Dao đang bừng sắc, góp phần tô điểm cho “bức tranh” miền Tây xứ Thanh thêm những gam màu tươi sáng.

Bài và ảnh: Xuân Cường - Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]