(vhds.baothanhhoa.vn) - Để có những đồng ngoại tệ gửi về, người lao động Việt phải đánh đổi tuổi trẻ, sức khỏe và cả thời gian bên gia đình để ra nước ngoài làm việc với mong muốn tìm kiếm cơ hội đổi đời sau khi trở về. Người ta nói đúng, Trung Quốc, Nhật Bản, Dubai… hay bất cứ một ngoại quốc nào khác không cho họ tiền. Đất nước ấy chỉ cho những người lao động Việt Nam cơ hội. Họ phải cố gắng thật nhiều, làm việc cật lực, bán mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu mới có tiền gửi về cho gia đình.

Góc khuất đằng sau những đồng ngoại tệ gửi về Việt Nam

Để có những đồng ngoại tệ gửi về, người lao động Việt phải đánh đổi tuổi trẻ, sức khỏe và cả thời gian bên gia đình để ra nước ngoài làm việc với mong muốn tìm kiếm cơ hội đổi đời sau khi trở về. Người ta nói đúng, Trung Quốc, Nhật Bản, Dubai… hay bất cứ một ngoại quốc nào khác không cho họ tiền. Đất nước ấy chỉ cho những người lao động Việt Nam cơ hội. Họ phải cố gắng thật nhiều, làm việc cật lực, bán mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu mới có tiền gửi về cho gia đình.

Góc khuất đằng sau những đồng ngoại tệ gửi về Việt Nam

Cuộc sống mưu sinh nơi xứ người không hào nhoáng như mọi người vẫn nghĩ.

Những giấc mơ vỡ vụn

Mâm cơm cúng rằm cũng là bữa cơm chia tay mà gia đình chuẩn bị cho anh N.V.T ở Hậu Lộc. Ngày mai, anh sẽ cùng mấy người bạn khác sang Trung Quốc làm ăn.

Nói “làm ăn” cho oai chứ thực ra là lao động “chui”, không giấy tờ thông hành. Anh T. chua chát: “Kiếm được đồng tiền đâu phải dễ, chúng tôi phải xa quê hương, xa gia đình, bán mồ môi, nước mắt, thậm chí để lại một phần máu thịt ở đó mới kiếm được vài chục triệu mỗi tháng gửi về nhà”.

40 tuổi đầu nhưng anh T. đã có gần 20 năm phiêu bạt nơi xứ người. Anh bảo, không biết đến khi nào đôi chân này mới được dừng nghỉ, bởi trên vai anh là gánh nặng cuộc sống của cha mẹ già, vợ trẻ và tương lai của hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.

Ở Trung Quốc, anh cũng đi biển. Cái nghề cha truyền, con nối từ bao đời nay trên mảnh đất Hậu Lộc. Vào những tháng mở biển, thu nhập mỗi tháng của anh T. lên đến 30 - 40 triệu đồng. Với mức thu nhập như thế, anh T. gửi về quê đều đặn cho gia đình. Cuộc sống ở quê tương đối ổn định nếu anh T. chăm chỉ làm việc.

Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên anh T. không thể “xuất ngoại” được. Ở nhà, anh đi vài kênh giã nhưng kênh được, kênh không. Khoảng tháng 8, tình hình dịch bệnh ổn, anh đánh liều đi “chui” sang Trung Quốc mong vớt vát lại mấy tháng cuối năm. Cả chặng đường gần 500 cây số về biên giới, anh T. nơm nớp lo lắng “thủ tục” vượt biên có suôn sẻ không. Chuyến xe gần 1.000 cây số xuyên màn đêm, từ Việt Nam sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, những phận người lao động “chui” như anh T. phó mặc mạng sống cho lái xe.

Sang Trung Quốc, anh được một chủ thuyền người bản địa nhận làm chân sai vặt trên thuyền. Người Việt khéo léo, chăm chỉ, giá thành rẻ nên được các chủ người Trung Quốc rất mến mộ, họ luôn ưu tiên tuyển dụng người Việt. Tuy nhiên “người tính không bằng trời tính”, anh trót lọt sang được nước bạn nhưng lại bị công an sở tại bắt giữ trong một đợt truy quét, khi anh vừa kết thúc kênh biển đầu tiên của năm 2020, còn chưa kịp nhận thù lao. Sau 3 tháng bị giam giữ anh được về nhà với những vết thương và một khoản tiền nộp phạt.

Trở về với hai bàn tay trắng và một đống nợ, anh T. chẳng dám đi đâu. Bởi cuối năm 2019 vợ chồng anh T. tích góp được chút tiền, vay thêm ngân hàng và xây một căn nhà khang trang, bề thế. Người làng nhìn vào cơ ngơi đấy xuýt xoa, tấm tắc khen anh T. tài giỏi, đi nước ngoài rồi trở thành… đại gia. Nụ cười anh T. lắng vào trong, phận làm thuê xứ người nào ai thấu.

Nghĩ ở nhà làm đến bao giờ mới có tiền hết trả nợ, anh T. lại tặc lưỡi sắm sửa “xuất ngoại”. Buổi tối trước hôm đi, vợ anh bán chỉ vàng cuối cùng trong nhà, là của hồi môn cha mẹ cho ngày cưới, làm lộ phí. Nơi anh T. vẫn thường làm việc có nhiều người Việt, cùng quê Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhưng cảnh tha hương cầu thực, ai cũng lo thân mình, lo kiếm tiền, tình cảm là thứ gì đó xa xỉ lắm. Anh T. kể, trên thuyền anh làm có một thanh niên mới hơn 20 tuổi vừa sang làm việc được hơn một tháng thì bị mỏ vịt quất gẫy 2 chân. Người chủ đưa đi bệnh viện băng bó qua loa rồi cho ít tiền tàu xe, gọi người nhà sang mang về.

Ăn cơm chan nước mắt

Cũng trong bữa cơm chia tay ấy, tôi có dịp trò chuyện với chị P.T.T, 52 tuổi. Chị làm nghề giúp việc ở Macau, những người như thế chúng ta vẫn thường gọi bằng danh từ: Ôsin.

Bản thân tôi đã nghe quá nhiều chuyện về số phận của những người phụ nữ Việt Nam làm ôsin cho các gia đình ở nước ngoài. Có người bị đánh đập. Có người bị sỉ nhục. Có người bị lừa gạt. Và hình như, chúng ta ít thấy những câu chuyện đẹp. Bởi thế, câu chuyện mà chị kể về những tháng ngày làm thuê nơi xứ người đã thu hút tôi. Chị bảo, chị là một người may mắn vì giúp việc cho một gia đình tử tế. Cứ ba tháng gia đình Macau trả lương cho chị một lần. Chị lại ra ngân hàng gửi vào tài khoản. Chị cảm thấy mãn nguyện với những gì mình nhận được vì ở Việt Nam chị không bao giờ kiếm được một việc làm với số lương như vậy. Và vui hơn nữa, chị tìm thấy niềm tin và tình người trong gia đình Macau ấy.

Gia đình chủ của chị chỉ có 2 vợ chồng già khoảng 60 tuổi. Chị ở được 2 năm thì ông chủ mất, chỉ còn bà chủ. Cứ bữa trưa (tức khoảng 3 giờ chiều), 2 người con gái của bà về ăn cơm. Nhiệm vụ của chị là lo cơm nước, dọn dẹp, làm việc nhà. Nói nghe có vẻ nhàn hạ, nhưng chị kể: “Nhà bà to gấp 4 lần nhà chị bây giờ. Mỗi buổi sáng quét dọn phải mất khoảng 2-3 tiếng. Nhưng không phải ngày nào cũng dọn dẹp tất cả các phòng. Hôm nay dọn phòng này thì mai dọn phòng khác. Vẫn có thời gian nghỉ ngơi sau khi ăn trưa. Tối 6-7 giờ là chị được nghỉ rồi”.

Trước khi sang Macau, chị T. đã có 5 năm làm việc ở Đài Loan. Ngày đó, để sang Đài Loan, chị mất gần 30 triệu đồng cho công ty môi giới - số tiền rất có giá thời ấy. Chị được đưa vào làm giúp việc cho một gia đình 3 thế hệ. Ngoài cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chị còn phải chăm em bé, người già, cộng thêm phụ giúp chủ nhà công việc ở cửa hàng ăn. Công việc vất vả gấp đôi, gấp ba các gia đình khác, nhưng chị vẫn kiên trì làm đủ 3 năm cho hết hợp đồng, nhất quyết không xin đổi chủ hay trốn ra ngoài làm.

“Chẳng biết đổi chủ có khá hơn không, hay lại tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Thế nên, tôi vẫn cố gắng kiên trì làm việc cho đúng hợp đồng”, chị T. kể.

Nhà chủ có cửa hàng ăn uống nên rửa bát là công việc hằng ngày của chị. Rửa nhiều đến mức da tay chị bong tróc hết ra. Mới sang, tất cả mọi thứ đều lạ lẫm với chị. Mặc dù đã học tiếng, lại là người nhanh nhẹn, tinh ý nhưng ngôn ngữ vẫn là một rào cản giữa chị và gia đình nhà chủ. Không những thế, thời gian đầu chị còn phải ăn đói.

“Mình nhà nông ăn nhiều, sang đấy người ta ăn ít. Đến bữa người ta nấu ít thì mình cũng phải ý tứ. Lúc ở Đài Loan, chủ ngồi trên ghế, tôi phải ngồi dưới đất. Đi với chủ cũng không được đi ngang hàng hay đi trước, mà phải đi sau. Gần nhà tôi ở cũng có một chị, ban đầu không biết cũng ra ngồi chung với chủ. Nhưng chủ nói không được, rồi để riêng cho một bát cơm, thêm mỗi thứ thức ăn một tí, rồi chỉ tay vào góc bếp bảo chị vào đó ngồi ăn. Chị ấy kể, nhìn bát cơm mà 2 hàng nước mắt lã chã rơi. Ở Macau thì lại khác, lần đầu tiên chị ngồi dưới đất, bà chủ vội vàng gọi chị lên ngồi cùng. Thậm chí, họ ngồi, mình nằm bên cạnh cũng chẳng sao”, chị T. nhớ lại..

Chị kể, khi chị đang ở Macau thì con trai cả nằng nặc đòi mẹ cho con sang. Chị đã khuyên con ở nhà làm ăn, thu nhập thấp nhưng đỡ vất vả hơn. Nếu sang Macau, đàn ông thì làm công nhân xây dựng hoặc đi cắt cỏ. Công việc phải làm liên tục từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, ăn trưa qua quýt rồi lại làm tiếp, không được nghỉ ngơi tí nào. Nhất là vào mùa hè nắng cháy thì đám thanh niên sẽ không chịu nổi. Chính vì thế mà khi con trai nằng nặc đòi đi xuất khẩu lao động, chị đã cho con sang Trung Quốc làm cơ khí. Lúc mới sang, cậu cả đã thốt lên: “Biết thế này con ở nhà. Sang đây, đến ăn cũng đói”. Nhưng sau quen dần, con trai chị trụ được hơn 2 năm ở Trung Quốc, vừa về quê lấy vợ được gần 3 tháng nay.

Đầu tháng 9-2021 hợp đồng giữa chị và gia đình Macau kết thúc, họ vẫn mong muốn chị ở lại. Chị tính sẽ về Việt Nam thăm gia đình chừng một tháng và sau đó quay trở lại Macau. Chị cần có một thu nhập tốt và hơn nữa chị đã có nhiều sâu nặng với gia đình Macau mà chị giúp việc. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị vẫn chưa thể thực hiện lời hứa sẽ quay trở lại.

Với kinh nghiệm gần 20 năm lao động ở nước ngoài, chị T. khuyên các bạn trẻ nếu xác định đi xuất khẩu lao động, thứ nhất cần phải xác định đi để làm việc, sẽ có gian khổ, vất vả, cần trang bị kiến thức, học tiếng của nước mình sẽ sang, học văn hoá của đất nước đó. Bởi khi mới sang nếu tiếng không biết, văn hoá không thể hoà nhập thì sẽ rất khó để làm việc lâu dài. Tiếp theo, cần lựa chọn những tổ chức hướng dẫn, tư vấn xuất khẩu lao động uy tín, không tin những lời hứa hẹn, đường mật của những đơn vị không rõ ràng. Họ sẽ vẽ ra những cuộc sống toàn màu hồng cho các bạn trẻ và để bạn bỏ ra số tiền không nhỏ cho chuyến đi, nhưng không biết tương lai sẽ ra sao.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]