(vhds.baothanhhoa.vn) - Cũng tất bật, nhộn nhịp như bao làng nghề khác trong dịp cuối năm, nghề truyền thống làm hương đang làm việc với công suất tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường trong năm.

Làng nghề vào tết: Ngào ngạt làng hương

Cũng tất bật, nhộn nhịp như bao làng nghề khác trong dịp cuối năm, nghề truyền thống làm hương đang làm việc với công suất tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường trong năm.

Làng nghề vào tết: Ngào ngạt làng hươngCác cơ sở hương Quán Giò tăng hết công suất cho đơn hàng tết.

Con ngõ Hàng Hương, nơi lưu giữ nghề làm hương Quán Giò truyền thống (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) có khoảng 50 hộ dân sinh sống vẫn luôn yên bình, vắng lặng vào ngày thường. Nhưng những ngày này luôn tấp nập, đông đúc bởi kẻ bán, người mua nườm nượp. Vào ngõ, ấn tượng đầu tiên của mọi người là hương thơm thanh nhẹ đặc trưng của hương Quán Giò.

Điểm đặc biệt của con ngõ là các nhà đều treo biển “Hương Quán Giò, chính hiệu” như lời khẳng định, niềm tự hào về một thương hiệu truyền thống 200 năm tuổi vẫn được các thế hệ gìn giữ và phát huy. Cộng hưởng cùng với mùi thơm đậm đà khi vào sâu trong ngõ cho ta thấy vị tết truyền thống đang đến rất gần.

Theo các cụ cao niên, làng có nghề làm hương gia truyền đã mấy trăm năm tuổi, nổi tiếng khắp vùng, thương hiệu hương Quán Giò. Trải qua hàng trăm năm biến thiên của lịch sử, nghề làm hương vẫn được duy trì và phát triển ở đây. Nghề làm hương Quán Giò diễn ra quanh năm nhưng những tháng cuối năm là quãng thời gian tất bật, nhộn nhịp nhất. Bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, các cơ sở sản xuất đã chuẩn bị nguyên vật liệu, tập trung nhân lực, tăng cường công suất để phục vụ sản xuất. Trong khoảng thời gian này, nhà nhà trong ngõ Hàng Hương lại hối hả vào vụ để có đủ hương cung cấp cho hàng nghìn đơn hàng trong và ngoài tỉnh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Nghề làm hương rất vất vả. Để cho ra một que hương phải trải qua rất nhiều công đoạn từ pha chế, tẩm ướp đến xe sợi, nhúng que, quấn vòng, phơi hương, đóng gói… mà chủ yếu được thực hiện bằng tay. Hầu hết các hộ sản xuất ở đây đều là kế nghiệp cha ông, hộ ít thì 3 đời làm hương, hộ nhiều là 4, 5 đời. Làm hương truyền thống theo cách cha ông vất vả, công phu và hoàn toàn thủ công. Vì vậy, ngày nay còn rất ít hộ làm hương bằng tay, các hộ đã đầu tư máy móc, hiện đại hóa một số công đoạn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Bác Cao Văn Long, 70 tuổi, bí thư chi bộ tổ dân phố Bà Triệu, là người am hiểu và đã từng gắn bó với nghề một thời gian, nhớ lại: “Với người làm hương, những tháng giáp tết là những ngày vui nhất. Xưa, cứ đến dịp này là già trẻ, lớn bé trong làng đều tham gia làm hương, mỗi người mỗi việc, người nhỏ làm việc nhỏ, người lớn đảm nhận việc quan trọng. Không khí càng náo nhiệt chứng tỏ làng có nhiều đơn hàng đặt. Bán được hàng trẻ con có quần áo mới, nhà có bánh chưng xanh. Giữ được cái không khí tấp nập của nghề truyền thống những ngày giáp tết chính là giữ được nghề. Bây giờ còn khoảng 30 hộ sản xuất và kinh doanh hương Quán Giò”.

Gia đình chị Cao Thị Minh, chủ cơ sở sản xuất hương Quán Giò Minh Long, một trong những cơ sở sản xuất hương lâu năm nhất ở đây. Bản thân chị Minh biết làm hương từ khi còn là một đứa trẻ 6, 7 tuổi. Đến nay chị đã gần 50 năm theo nghề, đã mở một cơ sở sản xuất riêng, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức lương 4 - 7 triệu đồng/tháng. Riêng trong 3 tháng tết, cơ sở xuất bán từ 10 – 15 vạn hương bài, hương đen chiếm 2/3 tổng sản lượng cả năm. Để kịp thời vụ chị Minh đã phải thuê thêm 10 lao động, máy móc trong nhà chạy hết công suất.

Tương tự, cơ sở sản xuất hương Quán giò Minh Thu của anh Cao Thanh Minh cũng đang tận dụng hết nguồn nhân lực hiện có và chạy đua với thời gian cho kịp các đơn hàng. Anh Minh cho biết: “Từ thời gian này trở đi cơ sở sáng đèn gần như cả đêm, 3 máy làm hương được thợ thay nhau ngồi liên tục. Chúng tôi chỉ dành ít thời gian để ngủ, nghỉ ngơi bởi người làm hương chỉ trông chờ vào vụ tết. Vì vậy dù mệt nhưng mọi người đều cố gắng để có một cái tết thơm như hương”. Cơ sở của anh cũng đã thuê thêm nhân công và tăng ca nhằm đáp ứng hết các đơn hàng trong dịp tết này.

Người làm hương Quán Giò cho rằng, nghề làm hương liên quan đến thế giới tâm linh, người làm phải có tâm, không được cẩu thả, dối trá. Mỗi mẻ hương, trước khi đóng gói, người thợ đều cẩn thận đốt thử kiểm tra xem hương có cháy đều, cháy hết không, mùi thơm ra sao, có đảm bảo chất lượng.

Làng nghề vào tết: Ngào ngạt làng hươngNgười làm hương tất bật cho vụ tết.

Nghề hương Đông Khê (Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa) được truyền nối đến nay đã gần 300 năm, lúc cao điểm có khoảng 2/3 hộ dân trong làng theo nghề. Năm 2015 làng được công nhận là làng nghề truyền thống xứ Thanh, tuy nhiên những năm tiếp theo với nhiều nguyên nhân khác nhau nghề có phần mai một, từ chỗ gần 100 hộ làm hương đến nay, chỉ còn 1 hộ làm thường xuyên và 2 hộ làm thời vụ. Hộ duy nhất trong làng vẫn giữ nghề là gia đình ông Đoàn Văn Mậu.

Có kinh nghiệm làm hương đã hơn 30 năm, ông Mậu cho biết, để cho ra mẻ hương tốt phải chú ý đến khâu chọn nguyên liệu. Hương liệu trước đây phải là rễ cây trầm, nhưng bây giờ, rễ trầm ngày càng khan hiếm nên người ta thường thay thế bằng rễ cây trám, rồi trộn lẫn với các vị thuốc Bắc như nụ hồi, đinh hương, cam thảo… tạo mùi thơm rất dễ chịu. Mỗi gia đình lại có cách phối trộn khác nhau tạo nên hương thơm riêng, chính điều này tạo nên sự khác biệt, lưu lại hương thơm trong tâm trí người tiêu dùng để họ nhớ mà gắn bó.

Và ông Mậu vẫn giữ cách làm hương thủ công từ công đoạn pha chế màu nhuộm đến xe hương, với mong muốn giữ nét riêng và cũng là đặc trưng của hương Đông Khê. Được biết, mỗi dịp tết gia đình ông sản xuất khoảng 500.000 que hương, trong đó chủ yếu là hương tăm và hương sào.

Sự tấp nập, rộn ràng của làng nghề cuối năm chính là biểu hiện của “sự sống”. Tuy rằng, một số làng nghề đang dần bị mai một do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, khó khăn trong xây dựng thương hiệu sản phẩm, yêu cầu mới của người tiêu dùng… Nhưng, trong sâu thẳm tâm hồn của người Việt nói chung và người dân xứ Thanh nói riêng vẫn luôn yêu mến và tin dùng những sản phẩm truyền thống, nhất là vào dịp tết đến xuân về. Vì vậy, việc đổi mới hoạt động, tư duy sản xuất cùng sự hỗ trợ của các cấp, ngành, sẽ là điều kiện để nghề truyền thống, làng nghề truyền thống phát triển trong cuộc sống hiện đại.

Bài và ảnh: V.A



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]