(vhds.baothanhhoa.vn) - Dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến đời sống, việc làm và thu nhập của người dân. Vì vậy, nhu cầu có được khoản vay để trang trải cuộc sống và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tăng cao. Nắm bắt được nhu cầu đó, tội phạm “tín dụng đen” núp bóng dưới nhiều hình thức, lén lút cho vay với lãi suất”cắt cổ".

Mùa dịch COVID-19 vẫn nóng “tín dụng đen"

Dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến đời sống, việc làm và thu nhập của người dân. Vì vậy, nhu cầu có được khoản vay để trang trải cuộc sống và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tăng cao. Nắm bắt được nhu cầu đó, tội phạm “tín dụng đen” núp bóng dưới nhiều hình thức, lén lút cho vay với lãi suất”cắt cổ".

Mùa dịch COVID-19 vẫn nóng “tín dụng đenCác đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi do Nguyễn Đình Văn cầm đầu, bị Công an Thọ Xuân bắt giữ.

“Tín dụng đen”... biến tướng trong mùa dịch

Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều tổ chức "tín dụng đen” cho vay với lãi suất “cắt cổ”, núp dưới danh nghĩa doanh nghiệp kinh doanh tài chính bị Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện, triệt phá, được dư luận cả nước ghi nhận và đánh giá cao. Điển hình như: Công ty Tài chính Nam Long do Nguyễn Đức Thành và Nguyễn Cao Thắng đều có địa chỉ thường trú tại TP Hồ Chí Minh cầm đầu. Công ty này có 26 chi nhánh hoạt động rộng khắp tại 63 tỉnh, thành phố, cho trên 500 “khách hàng” vay với lãi suất từ 182%/năm đến 195%/năm và có tổng số tiền giao dịch lên đến trên 700 tỷ đồng. Hay như vụ phá án, đấu tranh với các đối tượng cho vay nặng lãi và trốn thuế ở 5 công ty dịch vụ tài chính, cầm đồ có trụ sở chính tại TP Thanh Hóa (Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Đại Tín; Công ty TNHH Trường Cửu Đông Anh, Hà Nội; Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Thương Tín, Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Quyền Quý, Công ty TNHH Nam Tiến 36). Các công ty này có 32 điểm kinh doanh dịch vụ tài chính ở 14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã cho hàng nghìn khách hàng vay với lãi suất gần 200%/năm và có tổng số tiền giao dịch gần 100 tỷ đồng...

Việc triệt phá các tổ chức tài chính “khủng” với tổng số tiền giao dịch hàng trăm tỷ đồng đã góp phần kéo giảm tội phạm "tín dụng đen” hoạt động theo hình thức công ty tài chính trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động cho vay dưới các hình thức: cầm đồ, nhắn tin vay qua app, zalo, facebook... lại được loại tội phạm này sử dụng triệt để, nhất là khi dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp.

Đối tượng Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1967, ở xã Dân Lý (Triệu Sơn) từ lâu đã không còn xa lạ đối với người dân trong xã và các xã lân cận. Đối tượng này chuyên cho vay nặng lãi bằng hình thức dùng điện thoại nhắn tin, điều hành giao dịch việc cho vay và thu hồi nợ qua mạng xã hội zalo, facebook. Khi cho vay, Dũng yêu cầu các con nợ viết giấy vay tiền, không ghi lãi suất mà thỏa thuận trên mạng xã hội. Việc thu lãi cũng không thể hiện bằng giấy tờ mà thể hiện trên tin nhắn qua mạng xã hội. Với lãi suất “cắt cổ” là 6.000 đồng/triệu đồng/ngày, đối tượng đã thu lợi bất chính với số tiền lớn. Khi người vay không có khả năng chi trả, Dũng đã cho đàn em đến nhà, trực tiếp đe dọa, hoặc đón đường đánh đập, buộc những người nợ tiền phải trả cả gốc lẫn lãi. Đối tượng đã bị Công an huyện Triệu Sơn đấu tranh, bắt giữ vào ngày 22-12-2020 cùng nhiều tài liệu, sổ sách, điện thoại có liên quan đến việc cho vay nợ.

Hay như vụ Nguyễn Đình Văn, sinh năm 1989, ở xã Xuân Tín (Thọ Xuân) là đối tượng có 2 tiền án núp bóng danh nghĩa dịch vụ cầm đồ, chuyên cho vay nặng lãi. Được biết, sau khi chấp hành án phạt tù, Văn nhờ người khác đứng tên mở Công ty TNHH Thương mại Văn Vũ, thực chất là hiệu cầm đồ núp bóng để hoạt động "tín dụng đen”. Nguyễn Đình Văn đã thu nạp các bạn tù dưới danh nghĩa làm nhân viên công ty để điều hành việc cho vay và thu hồi nợ. Đối tượng yêu cầu những người vay viết giấy vay tiền, không ghi lãi suất mà thỏa thuận bằng hình thức tín chấp để người vay ký nhận hoặc điểm chỉ và chụp ảnh lại vào máy điện thoại di động nhằm sử dụng vào việc: Hạ uy tín hoặc uy hiếp gia đình, người thân nếu các con nợ không trả đúng hạn. Lãi suất mà Văn cho vay là 5.000 đồng/triệu đồng/ngày. Đối tượng Văn đã bị Công an huyện Thọ Xuân bắt quả tang cùng 2 đàn em đang có hành vi cho vay nặng lãi ngay tại nhà vào tối ngày 15-5-2021. Khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc, lực lượng công an đã tạm giữ 30 hợp đồng cho vay tín chấp, 2 máy in màu phục vụ việc in ảnh và hợp đồng cho vay; 58 xe máy, 3 xe ô tô và gần 1 tỷ đồng tiền mặt.

Khó triệt tận gốc tội phạm “tín dụng đen”

Đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm "tín dụng đen”, thời gian qua - nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát, các lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm, Công an tỉnh đã vào cuộc ráo riết, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ. Đã có 59 vụ với 166 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” được lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh, bắt giữ và đưa ra khởi tố điều tra từ năm 2019 đến nay. Qua đó, góp phần giảm đáng kể loại tội phạm này, nhất là tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp. Điều đó được thể hiện một phần qua số vụ điều tra, phá án năm sau giảm hơn năm trước. Từ 26 vụ, 82 bị can (năm 2019), giảm xuống 22 vụ, 58 bị can (năm 2020) và 10 tháng năm 2021, số vụ giảm xuống còn 11 vụ với 26 bị can.

Công tác đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Song, để ngăn triệt tận gốc hoạt động “tín dụng đen”, theo ông Lê Văn Nguyên, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh và ông Hà Quang Hiếu, Phó Trưởng Công an huyện Thọ Xuân là điều rất khó. Bởi vì, nhu cầu được tiếp cận khoản vay “nóng”, vay gấp của người dân rất cao (nhất là các đối tượng học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp). Trong khi đó, để tiếp cận được khoản vay nóng trong thời gian ngắn thì không có tổ chức tín dụng chính thống nào đáp ứng và đó chính là khe cửa để “tín dụng đen” lách vào. Bên cạnh đó, việc tổ chức cho vay tiền với lãi suất cao, đem lại nguồn thu nhập lớn, nên các đối tượng không dễ dàng từ bỏ, mà sẽ chuyển sang các hình thức hoạt động tinh vi hơn nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Mặt khác, chế tài xử phạt còn thấp. Vì vậy, để giảm loại tội phạm này đến mức thấp nhất có thể, ngành công an tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo người dân bằng nhiều hình thức, giúp họ nắm được phương thức, thủ đoạn và tác hại của hoạt động “tín dụng đen”, không nên tiếp cận các gói vay “nóng”, vay nhanh mà không cần bất cứ tài sản nào thế chấp. Đồng thời, sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh triệt phá, xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen" trên địa bàn.

Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]