(vhds.baothanhhoa.vn) - “Trạng nguyên tiếng Việt” – một sân chơi bổ ích, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại các trường tiểu học. Thông qua đó, giúp học sinh thêm yêu tiếng Việt, hiểu rõ về địa lý, lịch sử, văn hóa quê hương, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhìn lại cuộc thi “Trạng nguyên tiếng Việt”

“Trạng nguyên tiếng Việt” – một sân chơi bổ ích, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại các trường tiểu học. Thông qua đó, giúp học sinh thêm yêu tiếng Việt, hiểu rõ về địa lý, lịch sử, văn hóa quê hương, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhìn lại cuộc thi “Trạng nguyên tiếng Việt”Ban giám hiệu Trường TH&THCS Newton TH (TP Thanh Hóa) trao thưởng cho học sinh đạt giải cuộc thi “Trạng nguyên tiếng Việt” cấp tỉnh. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Nâng cao việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt

Tại kỳ thi Hội (cấp tỉnh) năm học 2021 - 2022, Trường TH&THCS Thiệu Châu (Thiệu Hóa) có 40 học sinh khối 4 và 5 tham gia, có 1 em đạt giải. Ngoài ra, tại cuộc thi “Trạng nguyên toàn tài” thì nhà trường có 1 học sinh đạt giải Nhì quốc gia.

Dù số lượng giải còn khiêm tốn nhưng qua cuộc thi “Trạng nguyên tiếng Việt”, giúp học sinh nhà trường củng cố kiến thức đã được học, hiểu thêm ý nghĩa việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Theo bà Nguyễn Thị Dụng, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Thiệu Châu thì cuộc thi nào cũng có giá trị và “Trạng nguyên tiếng Việt” đã tạo sự hứng thú riêng đối với học sinh bởi trong cấu trúc đề, có các câu thành ngữ, tục ngữ. Bà cho biết: “Nếu khi giáo viên dạy cho học sinh hiểu nghĩa của câu thành ngữ, tục ngữ đấy để rồi trong cuộc sống hàng ngày, khi giao tiếp với nhau, có thể sẽ không tạo điểm nhấn nhưng khi minh chứng bằng câu thành ngữ, tục ngữ lại có sức thuyết phục đối với người đang nghe mình nói. Về phía nhà trường rất hoan nghênh cuộc thi này để học sinh phát triển toàn diện hơn, hiểu biết rộng hơn và thêm kỹ năng thi trên máy tốt hơn”.

Trong mùa thi năm nay, Trường TH&THCS Newton TH (TP Thanh Hóa) có 5 học sinh đạt giải cấp tỉnh với 3 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Là giáo viên có 2 học sinh đạt giải, cô giáo Phạm Thị Hải Yến, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A4 lúc này vẫn chưa hết phấn chấn vì những thành tích của học trò. Cô nói: “Đây là một sân chơi hay và bổ ích. Ngoài những giờ học trên lớp, “Trạng nguyên tiếng Việt” với các hình thức mới lạ đã tạo sức hấp dẫn cho học sinh như điền từ ngữ thích hợp vào ô trống, trắc nghiệm chọn đáp án đúng... Đối với các bạn nhỏ, việc kết hợp vừa học vừa chơi rất hiệu quả, nhất là với các em học sinh lớp 1 vừa chuyển tiếp từ cấp học mầm non lên tiểu học”.

“Nếu làm tốt mới có giá trị”

“Trạng nguyên tiếng Việt” là sân chơi giáo dục trực tuyến trên internet do Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam và Công ty Đầu tư giáo dục Trạng Nguyên tổ chức. Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các nhà trường để học sinh có đủ máy tính làm bài thì không tránh khỏi những hạn chế. Theo chia sẻ của bà Doãn Thị Cúc, Phó hiệu trưởng Trường TH&THCS Newton TH (TP Thanh Hóa): “Nhà trường cũng huy động giáo viên mang máy tính xách tay để dự phòng cho học sinh. Khó khăn lớn nhất đấy chính là đường truyền không ổn định nên một số học sinh khi đăng nhập gửi bài thường bị thoát ra ngoài, ghi nhận kết quả không kịp thời”. Bà Nguyễn Thị Dụng, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Thiệu Châu (Thiệu Hóa) cho rằng: “Số học sinh đạt giải của nhà trường ít vì kỹ năng thi trực tuyến trên máy của những em này chưa thành thạo. Ở nhà các em không có máy tính để rèn luyện, đây là điểm thiệt thòi của học sinh nông thôn so với các học sinh thành phố, thị xã".

Không chỉ xoay quanh khó khăn về phương tiện, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, cuộc thi “Trạng nguyên tiếng Việt” còn đặt ra một số vấn đề liên quan đến gói ôn luyện và tính khách quan... Ông Lê Thành Đồng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Thanh Hóa cho biết: “Gói ôn luyện của trang web giá thành cao, nhiều học sinh khó khăn không mua được, ảnh hưởng đến kết quả thi. Trong khi đó, giáo viên hướng dẫn còn hạn chế về tài liệu ôn thi. Ban tổ chức cần tăng cường tương tác để hỗ trợ kịp thời, trực tiếp cho các nhà trường khi vướng mắc và sự cố cho học sinh”. Còn theo ông Lê Duy Quang, chuyên viên Tiểu học, phòng GD&ĐT Thiệu Hóa: “Dư luận cho rằng, độ tin cậy về kết quả cuộc thi không cao vì thanh tra, giám sát của cấp quản lý không có”.

Nói về điều này, ông Nguyễn Hồng Phong, chuyên viên phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT thẳng thắn nhìn nhận: “Nhìn chung có một số đơn vị làm tốt nhưng tốt với kết quả cuối cùng thôi, trong cả quá trình không thể giám sát được họ làm như thế nào vì đó là thi online. Không thể khẳng định đơn vị nào hoàn toàn làm tốt. Tốt ở đây có nhiều nghĩa, là cả quá trình làm bài bằng thực lực của học sinh, sử dụng thành thạo công nghệ... Nếu làm tốt thì rất hay, tuy nhiên còn phải phụ thuộc vào cơ sở vật chất, kinh phí, sự giám sát đầu tư thì mới có giá trị...”.

Năm học 2021 - 2022, Thanh Hóa có 6.440 học sinh tham gia kỳ thi Hội (cấp tỉnh), có 390 học sinh đạt giải và có 6 thí sinh xuất sắc của khối 4 và 5 được chọn dự kỳ thi Đình (cấp quốc gia) và cả 6 học sinh đều đạt giải (trong đó có 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 2 giải Khuyến khích).

Anh Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]