(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi công nghệ phát triển, cũng là lúc những sạp báo trên các tuyến phố ở TP Thanh Hóa dần dần vắng bóng…

Nhớ thương sạp báo vỉa hè

Khi công nghệ phát triển, cũng là lúc những sạp báo trên các tuyến phố ở TP Thanh Hóa dần dần vắng bóng…

Nhớ thương sạp báo vỉa hè

Trên địa bàn TP Thanh Hóa chỉ còn lác đác vài sạp báo.

Từ món ăn… tinh thần

Những năm trước đây, báo in như một món ăn tinh thần, là thứ “đặc sản” không thể thiếu của người dân thành thị sau mỗi sáng thức giấc. Bởi hầu hết ai cũng có thói quen tìm cho riêng mình một vài tờ báo “tủ”.

Ngày ấy, đi quanh các tuyến phố vào mỗi buổi sáng, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh mọi người chờ chực, chen lấn nhau quanh các sạp báo. Hay hình ảnh các bác xe ôm ngồi vắt vẻo trên chiếc xe máy dựng dưới gốc cây, nhâm nhi từng dòng chữ còn thơm mùi mực mỗi khi vắng khách. Đâu đó trong các góc quán những người đàn ông chậm rãi với từng ngụm café, rồi ngấu nghiến số báo mới xuất bản… Họ bàn tán một cách rôm rả chuyện bóng đá, chuyện về một diễn viên, người mẫu nổi tiếng, chuyện ông nọ, bà kia bị bắt...

Ông Đặng Huấn ở phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa chia sẻ: Trước đây, sáng nào ông cũng ra sạp báo để mua vài tờ báo in. Nhưng những năm gần đây, khi được con cháu sắm cho cái điện thoại cảm ứng thì ông đã không còn phải đi mua báo in nữa. Muốn xem gì, đọc gì trên điện thoại đều có hết.

Nhớ thương sạp báo vỉa hè

Theo những chủ sạp báo còn sót lại, cũng sạp báo này, nhiều năm trước đây mỗi ngày bán được hàng trăm tờ. Nhưng khoảng 10 năm nay số lượng người mua giảm đi một cách đáng kể, giờ mỗi ngày may ra bán được vài chục tờ báo.

Có lẽ, bản thân mỗi chúng ta, chẳng ai còn nhớ rõ mình đã từ bỏ thói quen đọc báo in từ bao giờ? Khi công nghệ phát triển, chúng ta có thể ngồi ở nhà lướt điện thoại, máy tính mà vẫn nắm được thông tin một cách nhanh chóng, rành mạch mà chẳng cần phải ôm cả tập báo như trước kia. Trong cái thời mà tin tức càng nhanh, càng nóng hổi, càng thu hút người đọc thì những tờ báo giấy như một món ăn truyền thống đang dần dần yếu thế.

Chỉ còn trong… ký ức

Trong thời đại hiện nay, không chỉ lớp trẻ, giới trí thức, mà từ bà bán quán, chị tiểu thương, bác xe ôm… đều thích đọc báo mạng qua điện thoại, ipad. Bởi họ đều cho rằng, báo giấy tin tức chậm, viết dài, một tờ báo có khi chỉ thích một vài chuyên mục, còn lên mạng có thể đọc, xem đủ thứ chuyện mà không chán, cái nào thích thì đọc, không thì thôi.

Nhớ thương sạp báo vỉa hè

Giờ đây, chỉ cần một cú nhấp chuột, mọi người có thể bình luận, chia sẻ, like những gì đọc được trên mạng. Thậm chí, độc giả khi cần cũng làm phóng viên tại chỗ, bình luận, quay video, livestream trực tiếp trên mạng xã hội, đưa ra những thông tin nóng hổi và sớm nhất, thậm chí là tung tin đồn nào đó mà các nhà báo phải vào cuộc điều tra, xác minh xem thực hư thế nào…

Những năm gần đây, mạng xã hội trở thành sợi dây kết độc giả lại với nhau, người ta bắt đầu thích đọc báo trên mạng, thích những gì người khác chia sẻ, hơn là tự tìm đọc. Và rồi, mạng xã hội trở thành tâm điểm của các mối quan tâm, đáp ứng được nhu cầu và sở thích người đọc. Ở đó có đủ các loại thông tin như: thời sự, mua sắm, thời trang, sức khỏe, cho đến hàng trăm ngàn chuyện khác... Vì vậy, người đọc ngày càng xa rời báo giấy.

Trần Phú, Lê Lai, Dương Đình Nghệ… từng là những tuyến đường trước đây có rất nhiều sạp báo giấy nhưng giờ đây rất hiếm để tìm thấy được sạp báo nào. Chỉ có đường Trần Phú còn lác đác vài ba sạp báo mang vẻ khiêm tốn, nhẫn nại và chật vật để tồn tại. Bao nhiêu năm phục vụ những độc giả trung thành, chỉ cần nhìn thấy khách hàng của mình, các chủ sạp báo đã biết họ cần và đọc những gì!

Chị Nguyễn Thị Hương Thảo, chủ sạp báo ở đường Trần Phú cho biết: Dù sạp vẫn có khoảng 40 đầu báo, tạp chí nhưng số lượng bán ra rất ít so với trước đây. Những độc giả trung thành với báo in cũng giảm đi rất nhiều. Để bảo đảm thu nhập, đa số các sạp báo phải bán kèm bảo hiểm, thẻ điện thoại và các mặt hàng thiết yếu khác.

“Bây giờ, giới trẻ không quan tâm đến báo giấy, chỉ còn độc giả lớn tuổi hoặc những người không có điều kiện vào mạng lướt web. Tuy nhiên, lượng độc giả kiểu này cũng còn rất ít”, một chủ sạp báo khác cho biết.

Nhớ thương sạp báo vỉa hè

Độc giả đến với các sạp báo ngày càng trở nên hiếm hoi.

Những tin tức nóng hổi, giật gân trở nên hút khách từ bao giờ. Ngay cả những người bán hàng rong, những chủ xe ba gác hay chú xe ôm già đều thích lướt điện thoại hơn là cầm tờ báo giấy. Bởi chỉ cần lướt, bấm là gần như con người ta nắm cả thế giới trong tay.

Nhưng cầm tờ báo giấy trên tay, chúng ta như được nuốt từng con chữ, như được sống chậm lại và cảm thấy có điều gì tiếc nuối xen lẫn đau lòng khi nhìn những sạp báo ngày càng vắng bóng.

Nhớ thương sạp báo vỉa hè

Để tồn tại, các sạp báo phải bán thêm nhiều mặt hàng thiết yếu khác.

Các sạp báo trên địa bàn thành phố ngày một thưa vắng dần là minh chứng dễ thấy cho sự đổi thay của thời đại. Giờ đây, muốn tìm mua báo giấy đã không còn là chuyện dễ dàng như trước nữa!

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]