(vhds.baothanhhoa.vn) - Không còn là giấc mơ, nhãn hiệu “Rau má xứ Thanh” ra đời đã có những tín hiệu khả quan ban đầu với thị trường tiêu thụ ổn định và bắt đầu vươn tầm ra thế giới...

Rau má xứ Thanh: Hình thành nhãn hiệu

Không còn là giấc mơ, nhãn hiệu “Rau má xứ Thanh” ra đời đã có những tín hiệu khả quan ban đầu với thị trường tiêu thụ ổn định và bắt đầu vươn tầm ra thế giới...

Rau má xứ Thanh: Hình thành nhãn hiệuAnh Trần Văn Tân, người xây dựng thương hiệu “Rau má xứ Thanh”.

Sâm của người xứ Thanh

Trong y học cổ truyền Việt Nam, rau má được xem là một vị thuốc. Theo các sách thuốc, như: Bản thảo cương mục, Nam dược thần hiệu..., thì rau má giúp thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng giải độc, dùng chữa các chứng tiết tả mùa hè... Và người xưa còn thường dùng loại cây này để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ. Trên thế giới, có ít nhất 3 công trình nghiên cứu khoa học về hoạt tính gây độc tế bào và kháng ung thư của các hoạt chất chiết xuất từ cây rau má. Trong đó có Ya-ling Hsu và cộng sự ở khoa Dược, Trường Đại học Y Cao Hùng, Đài Loan; Nhóm Yoshinati Ohnishi ở Trường Đại học Tokushima Nhật Bản, và nhóm Jung-Ae Kim ở Trường Đại học Yeungnam, Hàn Quốc. Riêng nghiên cứu của nhóm Jung-Ae Kim đã được cấp bằng độc quyền sáng chế số US 2004/0097463A1 tại Hoa Kỳ vào năm 2004.

Ở Việt Nam, ngàn đời nay cây rau má vẫn mọc hoang dại và đã sử dụng trong đời sống thường nhật của người dân.

Đưa rau má ra thế giới

Anh Trần Văn Tân, Giám đốc Công ty CP xây dựng và thương mại Phong Cách Mới (thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương) là người khởi đầu cho việc tìm hiểu và tổng hợp kiến thức để cây rau má phát triển theo một hướng đi khác.

Dù không ít lần anh Tân bị bè bạn, đồng nghiệp trêu vui “dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu”, song sau những lần như thế, anh lại nghĩ ngợi về cây rau má quê hương. Một lần tình cờ đọc được các đề tài nghiên cứu khoa học trên thế giới về công dụng của các hoạt chất có trong cây rau má, anh đã đi đến quyết định riêng.

Anh Tân chia sẻ: “Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã khẳng định những ưu điểm của cây rau má. Cá nhân tôi đã đi đến nhiều nơi trong tỉnh để thu thập rau má rồi gửi mẫu ra Viện Dược liệu Việt Nam kiểm nghiệm, cũng cho kết quả rất tốt. Sau đó lại lấy 5 mẫu ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và một mẫu ở Thanh Hóa đưa sang Ấn Độ kiểm nghiệm so sánh thành phần, hoạt chất có lợi cho sức khỏe. Điều ngạc nhiên là không một giống rau má nào tốt bằng giống ở Thanh Hóa. Thêm nữa cây rau má ở đồng ruộng xứ Thanh có đầy đủ các hoạt chất có lợi cho sức khỏe như các công trình nghiên cứu đã chỉ ra. Đó là sâm của người Thanh Hóa”.

Nghĩ là làm, đã làm thì phải bài bản, khoa học, Trần Văn Tân cùng cộng sự xây dựng đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Rau má xứ Thanh cho các sản phẩm từ rau má bản địa của tỉnh Thanh Hóa”. Sau đó anh thu thập giống bản địa, gồm 2 loại rau má trắng và rau má tía và bắt đầu nhân giống. Từ tháng 6-2021, Công ty CP xây dựng và thương mại Phong Cách Mới đã thực hiện thành công quy trình kỹ thuật trồng rau má và chuyển giao cho người nông dân sản xuất đại trà. Theo đó, quy trình sản xuất loại cây này được áp dụng theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Rau má xứ Thanh: Hình thành nhãn hiệuDây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty CP xây dựng và thương mại Phong Cách Mới.

Khi những cây rau má giống bắt đầu được đưa xuống đồng ruộng ở các huyện: Quảng Xương, Nông Cống, Như Thanh, Yên Định, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn..., anh Tân cũng triển khai xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư lắp đặt dây chuyền công nghệ hiện đại của Nhật Bản để sản xuất các sản phẩm từ cây rau má. Sự khác biệt là công nghệ này sử dụng phương pháp sấy lạnh, nghiền bằng cối đá, giúp giữ nguyên màu sắc và các hoạt chất có trong cây... Đến đầu tháng 2-2022, các sản phẩm được chế biến từ cây rau má xứ Thanh, như: nước rau má, bột rau má, thạch rau má... đã ra mắt và được Hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà làm đại diện thương hiệu.

Giám đốc Trần Văn Tân cho biết: Hiện các sản phẩm từ cây rau má xứ Thanh đã được phân phối đến hầu khắp các tỉnh, thành phố trong nước. Các đối tác tại Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... cũng đang đề nghị hợp tác với công ty để phân phối sản phẩm. Mới đây, tại Hội nghị gặp gỡ Hàn Quốc năm 2022, do Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức, các sản phẩm từ cây rau má của Công ty CP xây dựng và thương mại Phong Cách Mới đã được chọn là sản phẩm đặc trưng, giới thiệu đến các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Cũng theo anh Tân, dù mới ra thị trường nhưng các sản phẩm từ cây rau má đã mang lại lợi nhuận cho công ty từ 600-650 triệu đồng/tháng. Dự kiến những tháng cuối năm sẽ có lợi nhuận từ 1,5-2 tỷ đồng/tháng. Công ty đặt mục tiêu giai đoạn 2023- 2025 đạt lợi nhuận từ 20-30 tỷ đồng/năm. Hiện tại công ty đang trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bảo hộ tập thể đối với đề tài: “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Rau má xứ Thanh cho các sản phẩm từ rau má bản địa của tỉnh Thanh Hóa”.

Rau má xứ Thanh: Hình thành nhãn hiệuRau má xứ Thanh đã có mặt tại hầu khắp các tỉnh, thành trong nước.

Từ một loài cây hoang dại ở khắp các ruộng đồng gò bãi, nhưng anh Trần Văn Tân đã nâng tầm, sản xuất ra các sản phẩm cung ứng ra thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận. Từ đây, loài cây cũng mở ra triển vọng mới, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, cũng như phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]