(vhds.baothanhhoa.vn) - Có rất nhiều cách để mỗi người đóng góp việc làm thiện nguyện của mình cho xã hội, giúp ích cho đời. Với anh Nguyễn Khắc Công (xã Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc), việc thường xuyên chia sẻ những giọt máu hồng là một cách “cho đi” ý nghĩa nhất.

Sống trên đời cần có một tấm lòng

Có rất nhiều cách để mỗi người đóng góp việc làm thiện nguyện của mình cho xã hội, giúp ích cho đời. Với anh Nguyễn Khắc Công (xã Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc), việc thường xuyên chia sẻ những giọt máu hồng là một cách “cho đi” ý nghĩa nhất.

Sống trên đời cần có một tấm lòngNguyễn Khắc Công trong một lần hiến máu tình nguyện.

Cho đi để nhận lại

Ấn tượng đầu tiên khi gặp Nguyễn Khắc Công là một chàng trai hiền lành và có nụ cười ấm áp. Công cho biết, cách đây ít ngày anh hiến tiểu cầu cho một ca cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Khi được hỏi anh đã hiến máu tổng cộng bao nhiêu lần rồi? Anh nói: “Tôi không nhớ chính xác, chỉ áng chừng 50 lần”. Rồi anh lấy ra cả tập chứng nhận hiến máu dày cộp được cất giữ cẩn thận. Năm nay, Công 26 tuổi, bắt đầu hiến máu từ năm 18 tuổi, trung bình mỗi năm anh hiến máu hơn 6 lần. Con số ấy khiến tôi vừa ngỡ ngàng vừa khâm phục người thanh niên trước mặt. Giải đáp thắc mắc này, Công cho biết, hiến máu có hiến toàn phần và hiến tiểu cầu, với hiến tiểu cầu chỉ cách 21 ngày là hiến lại được. Nhưng có những lần do yêu cầu khẩn cấp từ bệnh viện, mới chỉ 15 ngày anh đã phải hiến. Công đã 23 lần hiến máu toàn phần và khoảng 27 lần hiến máu tiểu cầu.

Nhớ lại lần hiến máu đầu tiên của mình, Công thoáng đỏ mặt bởi lần đó vì không đủ sức khỏe nên giữa chừng phải dừng lại. Sau lần đó, mỗi lần trường học, địa phương kêu gọi hiến máu tình nguyện là Công đều có mặt. Anh cũng hiểu rằng, muốn những giọt máu cho đi đủ khỏe và bản thân mình đủ “lực” với lý tưởng này thì cần đảm bảo sức khỏe, vì vậy vấn đề dinh dưỡng bữa ăn và sức đề kháng cơ thể phải được chú trọng. “Với những tình nguyện viên là ngân hàng máu sống như tôi thì trong bất kể hoàn cảnh nào cũng cần đảm bảo đủ các điều kiện và sức khỏe cho mỗi lần hiến. Có như vậy thì những giọt hồng của mình mới cho đi bền vững được”, Công chia sẻ.

Hiện nay, Công đang là thành viên của Câu lạc bộ (CLB) tuyên truyền vận động tình nguyện hiến máu Thanh Hóa. Trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào cần máu, các bệnh viện trong toàn tỉnh đều có thể liên lạc với CLB. Công cho biết: “Không chỉ riêng tôi mà các thành viên trong CLB đều coi hiến máu là việc nghĩa phải làm. Chúng tôi sẵn sàng hiến máu trong bất kỳ hoàn cảnh, thời gian nào theo chỉ định của bác sĩ. Như mới đây cuộc gọi lúc 23h đêm hiến tiểu cầu cho cụ bà bị ngã cầu thang. Việc hiến tiểu cầu ban đêm rất nguy hiểm do dễ bị sốc và không phải ai cũng hiến được, nhưng bác sĩ gọi cho mình chứng tỏ mình đủ điều kiện và mình cũng tin tưởng vào sự chỉ định của bác sĩ”.

Hiến máu để trưởng thành

Được biết, Nguyễn Khắc Công tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa tháng 9-2021. Hiện anh làm nhân viên dược của một hiệu thuốc tư nhân. Mong ước của anh là có đủ vốn để mở cửa hàng thuốc riêng. Đã rất nhiều lần người nhà bệnh nhân vì cảm động trước tấm lòng của Công mà có quà cảm ơn, nhưng chưa lần nào anh nhận. Anh khẳng định, cuộc sống bây giờ tuy có thiếu thốn nhưng làm việc này là tự nguyện và không bao giờ bán máu. Và anh muốn tự lập để hoàn thành mơ ước của mình.

Với nhiều người, hiến máu đơn giản là làm thiện nguyện. Riêng Công, hiến máu giúp anh trưởng thành hơn. Trước đó, chuyện Công đi hiến máu bị gia đình phản đối kịch liệt, bố mẹ không chấp nhận anh là “ngân hàng máu sống”. Năm 2016, để chứng minh ý tưởng của mình, Công viết đơn tham gia Chương trình Hành trình đỏ xuyên Việt kêu gọi hiến máu, việc ứng tuyển đòi hỏi những yêu cầu khắt khe, am hiểu kiến thức về máu, có khả năng vận động người khác, thể lực tốt… Với một cậu học trò chưa bao giờ bước chân ra khỏi huyện thì việc làm này thể hiện ý chí, quyết tâm theo đuổi ý tưởng, mục tiêu của bản thân. “Cuộc hành trình giúp tôi rất nhiều kiến thức, kỹ năng của một thanh niên hiện đại như giao tiếp, làm việc nhóm, khám phá bản thân… Trở về từ cuộc hành trình tôi thấy mình trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn”, Công tâm sự.

Sống trên đời cần có một tấm lòngNguyễn Khắc Công hỗ trợ y bác sĩ trong những lần hiến máu tình nguyện.

Chính những thay đổi tích cực của bản thân là lời thuyết phục hiệu quả nhất để bố mẹ tin tưởng vào sự lựa chọn của Công. Đến nay, bố mẹ đã ủng hộ hết mực việc làm của Công. Không những thế, hình ảnh của Công cũng trở nên đẹp hơn trong mắt bạn bè, làng xóm khi những bệnh nhân nhiều khi là quen biết nhận được lời “hồi đáp giọt hồng” từ Công trong bất kỳ hoàn cảnh, thời gian nào.

Anh Nguyễn Văn Hoàn, bác sĩ Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Bệnh viện, bệnh nhân và người nhà rất trân trọng và cảm ơn những thanh niên nhiệt huyết, cống hiến như Nguyễn Khắc Công. Sự sẻ chia giọt hồng của các bạn tạo nên cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân”.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]