(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặc dù đã qua thời điểm "vàng" đầu năm học mới, nhưng nhu cầu mua sắm máy tính, đặc biệt là máy tính xách tay (laptop) để phục vụ học tập, làm việc vẫn còn khá cao trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thị trường máy tính khan hàng

Mặc dù đã qua thời điểm “vàng” đầu năm học mới, nhưng nhu cầu mua sắm máy tính, đặc biệt là máy tính xách tay (laptop) để phục vụ học tập, làm việc vẫn còn khá cao trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thị trường máy tính khan hàng

Từ nhu cầu mua máy tính

Có con học năm thứ nhất Trường Đại học Dược Hà Nội, chị Đới Thị Hiền (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa), cho biết: “Nhiều lần dự định mua máy tính mới cho con nhưng vì tôi cứ chờ xem giá có rẻ hơn không, nên động viên con dùng máy tính cũ để học tập. Nhưng giờ cháu than phiền máy quá cũ, cấu hình thấp, chạy rất chậm”. Chính vì thế chị Hiền đã đến cửa hàng máy tính để tìm hiểu về các loại máy. Chị chia sẻ thêm: "Cuối năm 2020, tôi định mua Laptop Dell Core i5, 4G, 128G, màn hình 15.6 inch” FHD, win 10, chỉ có giá là 14 triệu đồng thì tới thời điểm này (cuối tháng 10-2021), giá đã tăng lên 18 triệu đồng. Vì thế tôi vẫn đang lưỡng lự, chưa quyết định mua”.

Khảo sát một số hệ thống cửa hàng máy tính trên địa bàn TP Thanh Hóa, chúng tôi được biết giá sản phẩm laptop, máy tính để bàn (desktop) các thương hiệu HP, Dell, Asus, Lenovo... đều tăng từ 30-40%/sản phẩm. Anh Nguyễn Đức Cường, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Ngọc Cường (phường Ba Đình, TP Thanh Hóa), cho biết: Theo quy luật thị trường đồ điện tử, các dòng laptop sẽ có xu hướng giảm giá dần theo thời gian, đặc biệt khi có các sản phẩm mới ra đời. Tuy nhiên, năm nay do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các dòng sản phẩm giá bình dân, giá từ 12 - 15 triệu đồng luôn trong tình trạng “cháy” hàng. Đợt cao điểm, bình quân mỗi ngày công ty xuất bán từ 10 - 15 chiếc laptop, chủ yếu của các hãng Lenovo, Asus, Dell, nay thì số lượng bán ra đã giảm vì người cần thì đã mua”.

Nhiều người không có điều kiện, hoặc nhu cầu học tập, làm việc online đơn giản thường tìm đến các cửa hàng máy tính cũ. Anh Nguyễn Văn Lý, chủ cửa hàng Laptop 36, địa chỉ tại số 447, đường Nguyễn Trãi, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: “Để đảm bảo việc phòng, chống dịch COVID-19, nhu cầu học và làm việc online nhiều, nên số lượng máy tính bán tại cửa hàng chúng tôi tăng hơn. Những người lựa chọn máy tính cũ vì chi phí bỏ ra thấp, nhu cầu cũng đơn giản. Nhiều người còn xác định, học, làm việc một thời gian, sau khi hết dịch có thể không dùng đến máy tính. Tuy vậy, nếu máy mới tăng 40% thì máy cũ cũng tăng từ 10-20% so với lúc chưa dịch”.

Anh Lý chia sẻ thêm: Nhiều người đã đặt lên bàn cân giữa mua một máy tính để bàn với laptop cũ. Nhưng nếu mua máy tính để bàn, khách hàng thường phải sắm thêm các phụ kiện phục vụ nhu cầu công việc, học tập trực tuyến, như loa hoặc tai nghe, micro, webcam rời, chi phí có thể tăng thêm từ 600 nghìn - 1 triệu đồng. Giá thành không chênh nhiều, nên để thuận tiện, dễ di chuyển, nhiều người đã lựa chọn các dòng laptop cũ với giá rẻ từ 7 - 8 triệu đồng.

Đến việc khan hàng

Lý giải về tình trạng khan hàng khiến giá máy tính tăng cao, anh Nguyễn Viết Thanh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ Tân Thanh Phương, số 28, đường Cao Thắng, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa), cho biết: Việc thiếu hụt linh kiện là do dịch COVID-19 trên toàn cầu chưa ổn định, khiến nguồn cung linh kiện để sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu, chi phí đầu vào bị đội lên, nên sản phẩm máy tính xuất xưởng vừa khan hiếm vừa tăng giá. Bên cạnh đó, việc vận chuyển sản phẩm laptop chính hãng HP, Dell, Asus... khó khăn, hàng về chậm cũng khiến xảy ra tình trạng đẩy giá, “cháy” hàng. Và không chỉ có học sinh, mà nhu cầu sử dụng của nhiều nhóm khách hàng khác như người kinh doanh online, nhân viên văn phòng làm việc trực tuyến tăng cao cũng là lý do để thị trường laptop ngày càng “tăng nhiệt”.

Một nhân viên bán hàng tại Công ty CP Thương mại công nghệ G8, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa), cho biết: Hiện tại, tất cả máy laptop trong khung giá 8 - 12 triệu đồng của các thương hiệu đều thiếu hàng, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Còn theo anh Nguyễn Đức Cường, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Ngọc Cường, sau khi có chương trình học online, số lượng máy tính bán ra tăng hơn nhiều. Những hãng máy tính được nhiều người ưa chuộng vì chất lượng và thương hiệu nổi tiếng, như: Dell, Asus, HP... Nhưng, không chỉ máy tính giá rẻ mà máy tính giá cao cũng luôn trong tình trạng khan hàng. Đơn giản như dòng Asus, tuy thông dụng nhưng để tìm những máy có giá từ 18 - 20 triệu đồng thời điểm này cũng không dễ, dù so với trước dịch đã tăng lên 4 - 5 triệu đồng/chiếc. Vì thế, khách hàng đến mua máy tính ở cửa hàng Ngọc Cường computer thường phải đặt trước và chờ hàng từ 1-5 ngày.

Đến thời điểm này, qua khảo sát các trung tâm điện máy lớn như Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Siêu thị điện máy HC... gần như không còn loại máy tính phân khúc thấp, trong khi nhu cầu thị trường còn cao. Theo dự đoán, giá các loại máy tính vẫn tiếp tục tăng, không phải vì nhu cầu của người dân tăng mà chủ yếu là do thị trường thế giới thiếu linh kiện để sản xuất, lại thêm việc vận chuyển khó khăn hơn.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]